Sự kiện

Nhân kỷ niệm lần thứ 54 ngày Bác Hồ đến thăm ngành Điện (21/12/1954 – 21/12/2008):Ngày truyền thống đã được chọn như thế nào?

Thứ tư, 17/12/2008 | 09:19 GMT+7
Chọn và đặt tên ngày truyền thống của một ngành nghề thường căn cứ vào những tiêu chí cụ thể. Tiêu chí đó bao giờ cũng mang theo một trong những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu, đặc trưng nhất của một đơn vị ngành nghề trong xã hội. Ngành Điện Việt Nam đã có nhiều dịp đưa ra bàn bạc để chọn và đặt tên cho ngày truyền thống vẻ vang của mình và đã quyết định lấy ngày 21 tháng 12 hàng năm làm ngày Hội truyền thống của toàn ngành.

 

 Lễ kỷ niệm lần thứ 34 ngày Bác Hồ về thăm ngành Điện (21/12/1954 – 21/12/1998)


Ngày 21/12/1971, Đại hội thành lập Công đoàn Công ty Điện lực (CĐ CTĐL). Lúc đó, cả miền Bắc chỉ có một công ty sản xuất kinh doanh điện năng lớn nhất, trực thuộc Trung ương. Tại buổi họp toàn bộ các đại biểu có đưa ra đề nghị: Chọn ngày truyền thống của ngành Điện và đề xuất một tiêu chí: chọn ngày Bác Hồ đến thăm (21/12/1954) làm ngày truyền thống vì đây là ngày lần đầu tiên Bác Hồ kính yêu đến thăm ngành Điện (*). Đoàn Chủ tịch Đại hội đã ghi nhận điều này và báo cáo lên Bộ và Công đoàn ngành TW (lúc đó là Công đoàn Điện than Việt Nam (CĐ ĐTVN). Đầu năm 1974, sau khi ổn định tổ chức bộ máy, CĐ ĐTVN đã thành lập một ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử của ngành Điện – Than Việt Nam. Ngành Điện được phân công làm 2 việc: Sưu tầm, biên soạn lịch sử và tìm chọn, đề xuất ngày truyền thống của ngành Điện (ngành Than có chương trình riêng). Đến 18/10/1975, một lần nữa, sau khi phân tích, tổng hợp 15 sự kiện tiêu biểu nhất của ngành Điện (từ năm 1930 – 30/4/1975), CĐ CTĐL (nay là Công ty Điện lực 1) đề xuất chọn 2 trong số 15 sự kiện nêu trên làm tiêu chí để chọn và đặt tên cho ngày truyền thống. Đó là: ngày 18/10/1954 – ngày đấu tranh quyết liệt nhất với bọn chủ Pháp ở nhà máy Điện (Hà Nội) chống di chuyển máy móc đi Nam và ngày 21/12/1954 – ngày Bác Hồ đến thăm ngành Điện ở thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã chọn sự kiện thứ 2 vì nó là sự kiện có tính thời sự, chính trị đặc biệt, mang ý nghĩa giáo dục, động viên sâu sắc toàn thể CBCNV ngành Điện đối với Tổ quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Tiếp đó, ngày 07/6/1979, Thường vụ CĐ CTĐL (miền Bắc) có Công văn (số 434 CĐ/CTĐL miền Bắc) đề nghị Bộ và CĐ ĐTVN công nhận ngày 21/12 hàng năm làm ngày truyền thống của ngành Điện. Hội nghị CĐ ĐTVN lần thứ 15 (khoá I) trả lời như sau:

“... Xác nhận và chọn mốc ngày Hội truyền thống của CNVC ngành Điện phải mang ý nghĩa lịch sử đấu tranh của CNVC ngành Điện dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó việc chọn ngày Hội truyền thống của CNVC ngành Điện cần phải có thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn nữa và tranh thủ xin thêm ý kiến của:

- Ban Cán sự Đảng Bộ Điện và Than

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng

- Ban Nghiên cứu lịch sử Tổng Công đoàn

- Viên Nghiên cứu Khoa học xã hội- Thành uỷ Hà Nội

- Thành uỷ TP. HCM

- Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh

Các nhà máy Điện miền Trung, miền Nam đã có phong trào đấu tranh chống bọn chủ nhà máy, đòi quyền sống, đòi tăng lương, giảm giờ làm việc. Ngoài ra, tranh thủ xin ý kiến của đồng chí Lê Thanh Nghị – Uỷ viên Bộ Chính Trị, trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8/1945, đồng chí Nghị có hoạt động trong một số nhà máy Điện”.Riêng việc tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với CNVC ngành Điện ở Hà Nội là một việc làm đáng ghi nhớ của CNVC ngành Điện nên cần phải tiến hành tổ chức kỷ niệm trọng thể, kể cả sau này cũng vậy...” (Trích nguyên văn Nghị quyết số 161/CĐĐT-NQ ngày 19/7/1979)

Ngày 22/10/1979, Ban Cán sự Đảng của Bộ Điện và Than cũng ra thông báo ấn định sẽ tổ chức ngày Hội truyền thống đầu tiên của ngành Điện vào năm 1980 và lấy một ngày trong tuần thứ 2 của tháng 10 hàng năm làm ngày Hội truyền thống của CNVC ngành Điện (vì đây là thời điểm của những năm 1930, hầu khắp từ Bắc vào Nam đều có những cuộc đấu tranh dồn dập đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống áp bức bất công với công nhân ngành Điện. Gắn vào đó, tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ đến thăm ngành Điện. Trước tình hình đó, CTĐL miền Bắc đã trình bày quan điểm của Công ty và những ý kiến của CNVC ngành Điện với Bộ và CĐ ĐTVN: Chọn ngày 21/12 làm ngày truyền thống của ngành Điện có ý nghĩa rất quan trọng đối với CNVC toàn ngành hơn là chọn các ngày khác trong năm. Bộ và Công đoàn ngành đã chấp thuận, cho phép ngành Điện lấy ngày 21/12 làm  ngày truyền thống và kể từ năm 1979 trở đi, hàng năm sẽ lấy ngày 21/12 tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống để ôn lại những ngày đấu tranh oanh liệt và chặng đường phát triển của ngành mình.

Sau khi tách khỏi Bộ Điện và Than, thành lập Bộ Điện lực, ngày 12/5/1983, Đại hội đại biểu Công đoàn Điện lực Việt Nam (lần thứ nhất) họp tại Nha Trang đã nghe Ban trù bị Đại hội báo cáo về việc chọn ngày truyền thống của ngành Điện. Đại hội đã nhất trí quyết nghị: Trong khi chờ Hội đồng Chính phủ có quyết định chính thức công nhận ngày truyền thống của ngành Điện Việt Nam, kể từ năm 1983, hàng năm lấy ngày 21/12 làm ngày Hội truyền thống của CNVC ngành Điện, nhân đó lấy mốc thời gian này làm ngày tổng kết công tác của năm cũ, phổ biến chương trình, kế hoạch công tác của năm mới và phát động thi đua đón chào các sự kiện mới của đất nước.

Tóm lại, việc lựa chọn ngày truyền thống 21/12 của ngành Điện có một quá trình nghiên cứu, tập hợp và lắng nghe những ý kiến của đông đảo cán bộ, CNVC trong ngành, được lãnh đạo của Bộ và Công đoàn ngành cân nhắc, bàn bạc rất thận trọng và có sự nhất trí cao trong toàn ngành. Kể từ ngày thành lập Bộ Điện lực đến nay, năm nào cũng được Bộ, các Công ty, Tổng Công ty – nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức kỷ niệm trọng thể ngày Hội truyền thống của ngành Điện Việt Nam.

(*) Đến thăm ngành Điện, Bác Hồ đã đồng thời thăm cả 2 nơi trong 1 ngày, đó là: Nhà máy Điện Yên Phụ – nơi trực tiếp sản xuất điện và Nhà máy Đèn Bờ Hồ – nơi điều hành lưu thông, phân phối và kinh doanh điện năng lớn nhất miền Bắc lúc đó.

Theo Bản tin Công đoàn