Sự kiện

Dự án cấp điện các thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên: Khó đóng điện 61 thôn buôn trước Tết Kỷ Sửu vì thiếu vốn

Thứ sáu, 19/12/2008 | 14:30 GMT+7
Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị bàn về dự án cấp điện các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên. Đại điện Ủy Ban Ngân sách Quốc hội, Ủy Ban Dân tộc Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các Bộ ngành liên quan cùng lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên có dự án, Các Cty điện lực miền đã tham dự Hội nghị.

Báo cáo tiến độ thực hiện dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên tính đến tháng 12/2008 cho thấy: Chủ đầu tư đã hoàn thành 100% công tác thiết kế và đấu thầu xây lắp, bám sát mục tiêu tiến độ đề ra, hoàn thành 50% tổng khối lượng công việc. Toàn bộ 62 gói thầu xây lắp đã ký hợp đồng, trong đó có 30 gói đang thi công, 32 gói đang đang giải phóng mặt bằng. Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Trưởng Ban Kinh doanh-EVN, tính đến nay, gói thi công nhiều nhất thuộc huyện Buôn Đôn- tỉnh Đắc Lắk đã đóng điện từng phần, nhiều gói thầu đã dựng cột được trên 70% khối lượng và tiến hành kéo dây ( tỉnh Lâm Đồng).
 

Công nhân Điện lực Kon Tum lắp đặt công tơ cấp điện cho các hộ dân xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Theo kế hoạch, EVN-chủ đầu tư dự án sẽ phải hoàn thành đóng điện cho 1200 thôn buôn  với khoảng 116.000 hộ dân trong năm 2009, đóng điện 61 thôn buôn trước Tết Kỷ Sửu. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiên nay của dự án là khả năng cung cấp vốn ngân sách. Cũng theo ông Khánh, dự án có thể bị chậm, ngừng trệ, không hoàn thành theo tiến độ đề ra nếu không đủ vốn thanh toán cho các nhà thầu.  Tổng số vốn cần thiết giải ngân năm 2008 của dự án là 339,354 tỷ đồng, đến nay đã thanh toán hơn 188 tỷ đồng (100 tỷ vốn ngân sách và hơn 88 tỷ vốn của EVN), còn lại 151, 354 tỷ đồng chưa có vốn thanh toán, do đó, chủ đầu tư phải nợ đơn vị thi công và trì hoãn nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện dự án ảnh hưởng lớn của biến động giá so với giá của thời điểm lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ (năm 2005) nên EVN đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh Tổng mức đầu tư. Theo EVN, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh cần khoảng 1500 tỷ đồng (tăng gần 500 tỷ đồng so với dự toán Chính phủ phê duyệt ban đầu là 1094 tỷ đồng). Như vậy, dự án sử dụng 85% vốn ngân sách và 15% vốn EVN thì tổng ngân sách Chính phủ cần thiết sau điều chỉnh khoảng 1200 tỷ đồng. Trong thực tế, đến nay ngân sách mới cấp 200 tỷ đồng (100 tỷ đồng cho mỗi năm 2008 và 2009). Do đó, để hoàn thành mục tiêu tổng thể của dự án là giúp 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với yêu cầu nâng cao đời sống các hộ dân nông thôn nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng,  xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh quốc phòng,…ngân sách Nhà nước cần cấp thêm 1000 tỷ đồng trong năm 2009.

Tại Hội nghị, EVN và đại diện UBND tỉnh 5 tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất quyết tâm phải hoàn thành dự án đóng điện cho 1200 thôn buôn của dự án trong năm 2009, nhất trí không giãn tiến độ vì lý do thiếu vốn bởi ý nghĩa tổng thể về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của dự án, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong việc giải quyết các khó khăn liên quan đến hành lang tuyến, giải phóng mặt bằng…Để giải quyết khó khăn về vốn, EVN và các UBND tỉnh đề nghị Chỉnh phủ đưa dự án Điện Tây Nguyên vào danh mục các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn diện ưu tiên đặc biệt để bố trí vốn trong Chương trình kích cầu kinh tế. Có vốn giải ngân, dự án sẽ khắc phục được khó khăn, sớm hoàn thành đúng tiến độ đề ra, góp phần đưa ánh sáng tới hàng trăm nghìn hộ dân Tây Nguyên trong năm 2009./.

Trần Phương