Sự kiện

Thủy điện Tuyên Quang: sẽ vận hành vào đêm giao thừa

Thứ ba, 16/12/2008 | 10:58 GMT+7
Trong những ngày tháng 12, công trường xây dựng thủy điện Tuyên Quang luôn sôi động từ sau khi đội lắp thiết bị thuộc Cty Cổ phần Someco Sông Đà cẩu lắp vào vị trí an toàn, chính xác chiếc Rotor nặng 440 tấn của tổ máy số 3 (tổ máy cuối cùng) của nhà máy.

 

 

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang

Đến thời điểm này, công việc chủ yếu trên công trình dồn lại vào 2 đơn vị chính là Cty Someco và Trung tâm thí nghiệm điện (đều là thành viên của Tổng Cty Sông Đà) đảm nhận.

Kỹ sư Nguyễn Phương Châu, chỉ huy trưởng công tác lắp thiết bị cho biết: Khi rotor đã định vị chính xác tại tổ máy, lực lượng thợ của Someco liên tục thay ca, kíp tiến hành rà soát, căn chỉnh các mạch dẫn và 56 cực từ, hoàn chỉnh kỹ thuật toàn bộ thiết bị tổ máy để hội đồng nghiệm thu kiểm tra, xác nhận đồng thời cho ngập nước vào tổ máy và tiến hành khởi động không tải.

Ông Châu cho biết: Trong 2 ngày đêm từ 9 - 10 tháng 12, máy vận hành liên tục đảm bảo các thông số kỹ thuật với vận tốc 105 vòng/ phút (đạt chỉ số thiết kế cho phép).

Tại gian máy chính, chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Trung Dũng, chuyên gia Trung Quốc, hiện là Chủ nhiệm Dự án, đồng thời là nhà cung cấp thiết bị (Hãng HPE). Ông Dũng cho biết: Thủy điện Tuyên Quang là dự án thứ 2 (Sau thủy điện Sê San 3A) do Tập đoàn HPE cung cấp thiết bị cũng đều do những người thợ Cty Someco Sông Đà đảm nhận lắp đặt thiết bị toàn bộ.

Thủy điện Tuyên Quang gồm 3 tổ máy tổng công suất 342 MW với trên 17.600 tấn thiết bị đã được đưa vào vị trí 3 tổ máy trong khi đó 2 tổ máy đã vận hành ổn định phát lên lưới điện quốc gia từ quý I năm 2008 đến nay đều ở mức tối đa của công suất thiết kế.

Ông Dũng đã nhận xét rằng việc lắp đặt toàn bộ số thiết bị khổng lồ của 3 tổ máy thủy điện Tuyên Quang mà chỉ trong thời gian 10 tháng là một thành công xuất sắc của những người thợ Sông Đà, phát huy nhiều sáng tạo rút kinh nghiệm tích lũy được sau những công trình trước.

Ông Bùi Kính Hoàng, Phó TGĐ Tổng Cty Sông Đà hiện là Tổng giám đốc Điều hành các lực lượng XD toàn bộ dự án cho hay: Những ngày cuối quý 4 - 2008 vừa qua tất cả mọi công việc thi công trên công trình đã được hoàn tất (trừ việc lát kè bờ sông phía hạ lưu còn đang tiếp tục hoàn thiện) nhằm phục vụ cho việc chạy máy.

Từ việc đóng mở thử tải các cửa van thượng lưu, xử lý những trục trặc nhỏ (bộ phận điều tiết phần mềm trên cửa nhận nước) đến kiểm định các thông số kỹ thuật và kiểm tra việc đóng mở cánh hướng Tua bin và các bước tiến hành thí nghiệm, hiệu chỉnh của Trung tâm thí nghiệm Điện tại các vị trí hoạt động của máy biến áp, trạm phân phối điện ngoài trời và cuối cùng là thiết bị các hạng mục trong tổ máy như Kích từ, Thử ngắn mạch, thử Lồng tốc v.v...

Trong các ngày từ 11 - 13 tháng 12 sau khi kiểm tra xong, Hội đồng nghiệm thu gồm Ban Quản Lý dự án, Ban Điều hành và đại diện các nhà thầu cùng đoàn chuyên gia đã đồng thuận ký biên bản nghiệm thu, cho phép ngập nước trở lại vào tổ máy để chuẩn bị vận hành phát điện lên lưới quốc gia.

Theo ông Bùi Thúc Khiết một chuyên gia cao cấp nhiều năm trong ngành điện Việt Nam, thì việc hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị của 3 tổ máy thủy điện Tuyên Quang vào hoạt động trong vòng 10 tháng là một thành công lớn về tiến độ xây dựng, so với nhiều Dự án thủy điện đã và đang làm hiện nay, không những giảm được rất nhiều chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao, đó là nhờ vào việc Quản lý Điều hành thi công xây dựng tập trung đồng bộ do 1 đầu mối là nhà Tổng thầu Tổng Cty Sông Đà.

Trao đổi với ông Bùi Kính Hoàng, Tổng giám đốc điều hành dự án, người đã có nhiều năm trụ bám với công trình, từng chứng kiến và trải qua rất nhiều gian khó, cam go đầy thử thách thường xuyên xảy ra trong giai đoạn thi công ban đầu, cho đến nay toàn bộ dự án đã hoàn thành, ông hé lộ những niềm vui, nhiều hơn là sự khẳng định tiềm năng, nội lực của cán bộ, kỹ sư và tập thể đội ngũ công nhân Tổng Cty Sông Đà đã trưởng thành vượt bậc về trí tuệ, sức sáng tạo và tay nghề được nâng lên thành thạo.

Ông Hoàng tâm sự: Hơn 30 năm trong nghề, nhưng chưa ở công trình nào khi lắp rotor vào vị trí tổ máy an toàn, chính xác thì chỉ sau hơn 1 tuần lễ là máy đã phát điện lên lưới quốc gia.

Tại TĐ Tuyên Quang cả 3 tổ máy đều đã được chính các lực lượng cơ khí lắp máy Sông Đà lắp đặt với độ chính xác cao đạt chất lượng và nhanh như vậy cũng là một kỳ tích mới. Cũng ở công trình này, việc đắp 4,3 triệu mét khối đất đá làm đập ngăn sông với độ dài gần 700m, trên cao độ 96 m bằng phương pháp đá đổ đầm nén Bản mặt bê tông là 1 phương pháp thi công tiên tiến mới được  áp dụng lần đầu thành công ở trong nước.

Đất nước lại có thêm một nhà máy phát điện lớn thứ 2 ở Miền Bắc đi vào vận hành đúng vào thời điểm giao thừa của năm mới Kỷ Sửu góp thêm nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng của đất nước.

Theo Tiền phong