Sự kiện

Điện về thôn buôn Tây Nguyên: Có cơ chế nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là vốn

Thứ tư, 17/12/2008 | 09:06 GMT+7
Dự án cấp điện cho hơn 1.200 thôn buôn đồng bào dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đang bước vào giai đoạn thi công rầm rộ. 30 gói thầu xây lắp đang thi công tại 35 huyện sẽ hoàn thành đóng điện chậm nhất vào cuối năm 2008. 31 gói thầu xây lắp còn lại có thể bước vào xây dựng từ tháng 12 này.

Như vậy, sang năm 2009, công trình sẽ thi công rộng khắp trên toàn bộ các địa phương có dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mặc dù Chính phủ đã đồng ý một số cơ chế thực hiện riêng cho dự án nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là khâu vốn. Theo đánh giá của EVN, nếu được nhà nước cấp đủ kinh phí theo tiến độ, EVN sẽ quyết tâm hoàn thành dứt điểm dự án trong mùa khô 2009, trước 6 tháng so với kế hoạch đề ra.

Có thể nói đây là dự án mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc của khu vực có vị trí chiến lược quan trọng đối với đất nước. Đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ dự án là các hộ gia đình đồng bào dân tộc nghèo Tây Nguyên với chi phí đầu tư cấp điện cho một hộ gia đình cao hơn nhiều so với các dự án điện nông thôn khác. Do vậy thực chất đây là dự án cơ sở hạ tầng nông thôn có tính chất góp phần xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điện sử dụng trong sinh hoạt, chứ không đặt vấn đề và lợi nhuận hay hiệu quả kinh doanh.

Dự án được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.094 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn ngân sách (khoảng hơn 900 tỷ đồng) và 15% vốn còn lại do EVN bố trí từ các nguồn vốn khác. Với phạm vi thực hiện trên địa bàn hơn 1.200 thôn buôn với khoảng 116.000 hộ dân trong tổng số khoảng 173.000 hộ dân chưa có điện nằm rải rác, phân tán ở vùng sâu, vùng xa của 5 tỉnh Tây Nguyên, theo tính toán khi dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện khu vực Tây Nguyên lên trên 90%.

Với những đặc thù này, Chính phủ đã đồng ý một cơ chế thực hiện riêng cho dự án. Theo đó, dự án xây dựng đồng bộ lưới điện trung áp, hạ áp, lắp đặt công tơ và kéo điện vào trong nhà từng hộ gia đình. Đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn sẽ được lắp đặt cả mạng điện trong nhà. Dự án chia thành 5 dự án thành phần theo địa bàn tỉnh để thuận tiện cho công tác đầu tư, phối hợp triển khai giữa Chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Trong đó, EVN được quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần và uỷ quyền cho các đơn vị trực thuộc như Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực 3 trực tiếp thực hiện dự án; đồng thời được chỉ định đơn vị có năng lực và kinh nghiệm thực hiện tư vấn lập dự án, tư vấn giám sát thi công, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị điện, lắp đặt và kiểm định công tơ.

Đối với 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắc Lắc, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum chịu trách nhiệm phối hợp với EVN trong việc triển khai dự án, chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính có trách nhiệm bố trí vốn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Trong điều kiện biến động gía cả, vật tư thiết bị, dự án được Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư sau khi thực hiện xong đấu thầu, giữ nguyên khối lượng đầu tư đã được phê duyệt và được thông báo với nhân dân.

Đánh giá kết quả áp dụng cơ chế đặc biệt này trong hai năm 2007-2008 cho thấy cơ chế đã tạo ra các điều kiện thuận lợi thúc đẩy dự án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả. Do được phân cấp uỷ quyền trong quản lý và thực hiện dự án, được chỉ định tư vấn trong một số công tác cần thiết nên EVN và các công ty điện lực đã phát huy được tính chủ động và trách nhiệm trong từng khâu thực hiện, giảm được thủ tục và thời gian chờ trình duyệt qua mỗi bước thực hiện; đồng thời kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc. UBND 5 tỉnh Tây Nguyên cùng các cấp chính quyền địa phương theo sự phân công của Chính phủ đã tích cực chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp cùng Chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, đảm bảo đầu tư đúng địa điểm và đúng đối tượng.

Trưởng ban Kinh doanh điện nông thôn (EVN) Trịnh Ngọc Khánh cho biết: để rút ngắn thời gian, EVN vừa lập dự án đầu tư vừa lập thiết kế luôn. Đến năm 2008, khi được bố trí vốn ngân sách, EVN đã tổ chức đấu thầu nhưng lại gặp đúng vào giai đoạn trượt giá khúng khiếp, công tác đấu thầu phải xét đi xét lại nhiều lần, đến tháng 10/2008 toàn bộ công tác chuẩn bị mới hoàn thành. Lúc đó, dự án mới bước vào giai đoạn thi công rộng khắp trên các địa bàn. Để đảm bảo thi công nhanh gọn hiệu quả, đúng tiến độ, EVN đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sát sao công tác giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành thi công ngay sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây dựng. Bên cạnh đó, tuyên truyền rộng khắp tới các tổ chức, hộ dân khu vực có dự án các chính sách của dự án, hỗ trợ hoặc tự nguyện giải phóng mặt bằng, góp phần giảm bớt chi phí và sớm có mặt bằng thi công.

Năm nay, ngân sách nhà nước mới cấp cho dự án là 100 tỷ đồng trong khi nhu cầu dự án cần khoảng 295 tỷ đồng. Trong tình hình hiện nay, về phía Chủ đầu tư đảm bảo được 15% tổng mức đầu tư dự án (18 tỷ đồng) nhưng EVN đã chi đến 70,8 tỷ đồng là một cố gắng lớn trong điều kiện khả năng ứng trước vốn của Chủ đầu tư hoặc của các Nhà thầu thực hiện dự án là vô cùng khó khăn. Ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng nếu dự án được bố trí đủ vốn ngân sách, đến tháng 6/2009 sẽ xong toàn bộ dự án, trước mùa mưa.

Cũng theo EVN, nếu trong năm 2008 không bổ sung khoảng 195 tỷ đồng vốn từ ngân sách nhà nước thì với 30 gói thầu xây lắp đang thi công rất khó hoàn thành đóng điện vào cuối năm. Mặt khác, cuối năm nay và đầu năm 2009, việc có khởi công tiếp 31 gói thầu còn lại phụ thuộc vào khả năng bố trí vốn của Nhà nước, đó là chưa kể trượt giá nên tổng mức đầu tư của toàn dự án cũng vượt nhiều so với Tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2006.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện dự án cũng phát sinh các vấn đề về số buôn thôn, hộ dân của 5 tỉnh Tây Nguyên chưa có điện tăng so với dự án đầu tư ban đầu do tách nhập hoặc bị bỏ sót khi điều tra khảo sát. Các tỉnh hiện đã có đề nghị bổ sung vào dự án, tuy nhiên để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án đã được Chính phủ phê duyệt, EVN cho rằng trước mắt tiếp tục thực hiện đối với phạm vi dự án ban đầu, phần phát sinh sẽ được tính toán và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ sau khi dự án hoàn thành./.

Mai Phương