Sự kiện

Bao giờ người dân nông thôn được hưởng lợi từ giá điện?

Thứ ba, 10/2/2009 | 09:04 GMT+7
Thời gian gần đây, người dân nông thôn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hết sức vui mừng, phấn khời trước việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tiếp nhận lưới điện hạ thế và bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, tạo cơ hội để người dân nơi vùng quê “hai sương, một nắng” được hưởng sự công bằng như người dân thành phố sử dụng khi dùng điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo báo cáo của ngành Điện, chỉ tính tới tháng 9-2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 21 tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Cao Bằng, Sơn La, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa thiên - Huế, Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Tp. HCM, EVN cũng đã bán điện trực tiếp được hơn 70% số hộ dân ở 12 tỉnh, thành phố khác là Ninh Bình, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum, Gia Lai, Đăklăk, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang và Hà Nội. Điều đáng chú ý là đến thời điểm này, đã có thêm 20 tỉnh, thành phố chính thức có văn bản ủng hộ việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn để EVN quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân.

Chủ trương đúng, nhưng không còn phù hợp

Trở lại thời điểm trước năm 2002, tình hình quản lý điện khu vực nông thôn ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp. Do ngành Điện không đủ khả năng quản lý, vận hành và bán điện tới toàn bộ khu vực nông thôn nên “thị trường” điện nông thôn ở hầu hết các tỉnh, thành phố không được kiểm soát, nhiều địa phương phó mặc cho các tổ chức kinh doanh bán điện (chủ yếu là cai đầu dài, tổ điện nông thôn, HTX dịch vụ điện, Ban quản lý điện xã …) tập trung khai thác thu lợi nhuận mà không quan tâm đến đầu tư cải tạo, nâng cấp nên lưới điện ở khu vực  này bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng điện áp (lúc thấp điểm chỉ đạt 80 – 120V), dẫn tới tổn thất điện năng cao (có nơi đến 40-50%), kéo theo nhiều vụ tai nạn điện trong nhân dân. Nhiều địa phương, chính quyền cấp xã còn vi phạm pháp luật bằng cách sử dụng điện “chùa” tại trụ sở UBND, chiếu sáng khu vực công cộng, cá biệt có nơi, gia đình cán bộ dùng điện không phải trả tiền, dẫn tới tổ chức bán điện xã thao túng, tự ý nâng giá bán điện lên 1.500 – 2000 đ/kWh, có nơi lên tới 3.000-4.000 đ/kWh. Người dân nông thôn cứ phải chịu thiệt đơn, thiệt kép, có nơi bà con nông dân không dám dùng điện, phải dùng đèn dầu vì giá điện quá cao, trong khi chất lượng điện lại quá thấp.

Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sử dụng điện và tạo sự công bằng trong công tác cung ứng sử dụng điện cho người dân nông thôn năm 2002. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã có Quyết định 217 yêu cầu có thời hạn, các tổ chức mua bán điện nông thôn phải thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, thành lập các tổ chức kinh doanh điện năng có tư cách pháp nhân, bán điện theo giá trần do Chính phủ quy định (700 đ/kWh). Với quyết định này, hàng loạt các tổ chức kinh doanh điện mới ra đời như: Công ty Cổ phần bán điện; HTX kinh doanh dịch vụ điện; Công ty TNHH; doanh nghiệp tư nhân quản lý bán điện; tổ quản lý điện xã … Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính, quản lý kỹ thuật, hạch toán kinh tế, nhân sự, chuyên môn…, hậu quả là, tình hình cung ứng điện ở hầu hết các vùng nông thôn đều không được cải thiện, thậm chí còn lộn xộn hơn. Lưới điện hạ áp ngày càng xuống cấp, dẫn tới tổn thất điện năng cao, lên tới 25%, không có nơi nào dưới 20%, thậm chí có xã tổn thất điện vẫn ở mức 35-40%. Còn giá điện mặc dù chỉ phải mua của EVN tại công tơ tổng với giá 390 đ/kWh (chưa VAT), nhưng hầu hết các địa phương đều bán điện bằng, hoặc cao hơn 700 đ/kWh, trong đó có nhiều xã, người dân vẫn phải dùng điện với giá hơn 1.500 đ/kWh. Lưới điện nông thôn vẫn tiếp tục xuống cấp; Nhà nước sẽ thực hiện tăng giá điện để đầu tư phát triển nguồn và lưới điện theo lộ trình thì với giá điện trên, chắc chắn người dân nông thôn sẽ không thể chịu nổi. Một khó khăn nữa là vấn đề vốn đầu tư cho lưới điện, Hầu hết, các địa phương ven biển miền Bắc, khu vực miền Trung – những vùng hay bị bão lụt, khả năng tài chính có hạn, không có điều kiện để sửa chữa, đại tu, nâng cấp lưới điện và khi đó chỉ trông chờ vào sự đóng góp của người dân. Thực trạng trên đã gây bức xúc trong dư luận và người dân nông thôn. Cử tri nhiều tỉnh đã kiến nghị địa phương giao lại lưới điện để ngành Điện trực tiếp quản lý.

Phải quyết tâm và đồng thuận

Trước đòi hỏi chính đáng của người dân. Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khó X (năm 2007) đã quyết định giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Quy chế quản lý lưới điện nông thôn. Thực hiện Nghị quyết trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Các Công ty Điện lực, các Điện lực Tỉnh tiếp nhận mỗi tỉnh 2 xã để đầu tư thí điểm mỗi xã 2 tỷ đồng và tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp, quản lý và trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn. Kết quả là, nơi nào được EVN bán điện trực tiếp, người dân được hưởng giá điện ổn định ở mức 550 đ/kWh (dưới 100 kWh đầu tiên), với chất lượng điện ổn định, an toàn, tạo tâm lý yên tâm đối với khách hàng sử dụng điện. Một số đơn vị trong các Công ty Điện lực, 1,2,3, Hải Dương, Hải Phòng … đã đi trước một bước, đề xuất và tranh thủ sự đồng thuận của cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương sớm tổ chức bàn giao lưới điện hạ áp nôgn thôn để ngành Điện trực tiếp quản lý. Mới đây, ngày 22-10-2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 10074/BCT-ĐTĐL chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thực hiện quyết liệt hơn công tác tiếp nhận lưới điện và bán điện đến từng hộ dân. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức kinh doanh điện và nhân dân thấy được lợi ích to lớn sau khi bàn giao lưới điện cho EVN.

Ngành Điện khó khăn, người dân được lợi.

Được biết cách đây vài năm, Điện lực Bắc Ninh đã đi đầu trong công tác tiếp nhận lại lưới điện nông thôn. Chính ông Nguyễn Duy Thụy – Giám đốc Điện lực Bắc Ninh đã phải đứng lên, ngồi xuống nhiều lần trong một kỳ họp của HĐND Tỉnh để trả lời chất vấn của đại biểu về lý do ngành Điện đề nghị tiếp nhận bán điện đến hộ dân nông thôn. Nhưng khi được chấp thuận, thì quả thật, Ban lãnh đạo Điện lực như ngồi trên đống lửa. Tiếp nhận ra sao, đầu tư thế nào, nguồn vốn lấy ở đâu, lực lượng quản lý, bán điện liệu có đủ mạnh để hoàn thành mục tiêu …? Khó khăn lắm, song Điện lực Bắc Ninh đã vượt qua, thành công và trở thành mô hình điểm trong toàn ngành Điện, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương ), Điện lực nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã cử đoàn công tác đến tham quan, học tập, nhưng lại rất khó thực hiện tại địa phương mình. Nói như vậy là để thấy rằng, việc các đơn vị trực tiếp thuộc EVN triển khai tiếp nhận quản lý, bán điện đến hộ dân nông thôn theo chủ trương của Nhà nước là gánh thêm trách nhiệm, vì lợi ích của dân chứ không phải hoàn toàn vì mục đích kinh doanh. Lợi ích đó là gì?

Hệ thống lưới điện sau khi bàn giao được EVN đầu tư cải tạo, nâng cấp, đảm bảo chất lượng điện, độ an toàn cao; Người dân được sử dụng điện đúng giá quy định của Nhà nước; hàng năm người dân không phải đóng tiền cho việc sửa chữa lưới điện, không phải gánh chịu những phát sinh do thất thoát điện năng, do kiểm định các thiết bị đo lường; đặc biệt, về năng lực chuyên môn, khả năng tài chính của ngành Điện có thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện ngày càng tăng cao của khách hàng … Chính quyền và nhân dân các địa phương cũng sẽ yên tâm bàn giao lưới điện cho EVN quản lý bởi khi triển khai tiếp nhận, ngành Điện tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, thỏa thuận công khai minh bạch. Một số xã đầu tư mới cho lưới điện, nếu có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo nguyên tắc của Nhà nước thì ngành Điện sẽ làm thủ tục hoàn vốn, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên …

Theo chủ trương của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến năm 2010, nếu các địa phương đáp ứng được các yêu cầu về giấy phép hoạt động trong lực vực điện; có mô hình tổ chức kinh doanh điện theo luật định; đảm bảo giá bán điện dưới giá 700 đ/kWh; có hệ thống thiết bị đo đếm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; cộng với hệ thống sổ sách, thống kê, kế toán và hạch toán minh bạch .. thì vẫn tiếp tục hoạt động. Ngành Điện sẽ nhận bàn giao xong để bán điện trực tiếp đến toàn bộ số hộ dân trên địa bàn cả nước. Vì vậy, để giúp cho EVN thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Bộ, Mỗi CBCNV ngành Công Thương, người lao động ngành Điện hãy là một tuyên truyền viên, giải thích, vận động để chính quyền và người dân nhận thức được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc bàn giao lưới điện cho EVN quản lý, để mỗi khi Tết về, bà con nông dân nơi vùng quê xóa bớt được ân phiền, yên tâm mừng Xuân mới.

Theo Tạp chí Công nghiệp