Sự kiện

Tết giữa lưng đèo Ngoạn Mục

Thứ hai, 2/2/2009 | 11:09 GMT+7
Không kể tết, nắng mưa, gió bão lũ…, những chiến sĩ cảnh sát bảo vệ mục tiêu (Công an Ninh Thuận) vẫn có mặt tuần tra đường ống thủy lực trên đèo Ngoạn Mục của công trình thủy điện Đa Nhim - Krông Pha.

Tuần tra bảo vệ an toàn đường ống thủy lực Đa Nhim -Ảnh: L.T.

Tết vừa qua cũng thế, những chiến sĩ trẻ ấy lại để lại phố phường đón xuân náo nhiệt để đón tết giữa lưng đèo…

Từ quốc lộ 27, gần 1 giờ đi bộ mới đến trạm bảo vệ hầm 3, sau khi vượt chặng đường rừng hơn 5km với những bậc đá chênh vênh giữa lưng đèo Ngoạn Mục, giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng. Khi chúng tôi đến, đại úy đội trưởng Khiếu Ngọc Yêm đang trực chỉ huy cùng một cảnh sát trẻ. Cả hai lui cui sắp xếp bánh mứt mỗi thứ một chút, chuẩn bị cho “cả nhà chín người” đón tết.

Chiều đầu năm mới, giữa đại ngàn heo hút trong tiết trời giao mùa se lạnh, bên tách trà mừng xuân 2009, tâm tình người lính dường như ấm áp hơn. Đội chín người chia thành hai nhóm, đóng chốt hai đầu đường ống thủy lực dài hơn 2km, từ hồ Đa Nhim (Lâm Đồng) đến Nhà máy thủy điện Krông Pha (Ninh Thuận). Sáng sớm, tổ ba người ở chốt hầm 3, từ địa đầu tỉnh Lâm Đồng ngược đường rừng, dọc đường ống về hướng Ninh Thuận. Cùng lúc, tốp thứ hai từ chốt 57 phía cuối đường ống bên dưới cũng “khởi sự” tuần tra theo chiều ngược lại. Đầu giờ chiều công việc tuần tra được lặp lại.

Nói nghe thì đơn giản vậy, nhưng theo chân các chiến sĩ trẻ ấy một lần thú thật là “đáng sợ”. Với độ cao hơn 1.200m (so với mặt nước biển) lại phải men theo những bậc thang đá gập ghềnh, chênh vênh, nếu không khéo người sẵn sàng đổ sấp về phía trước; nếu từ dưới trở ngược lên rất dễ… ngã ngửa. Và đâu phải chỉ thong dong đi đi về về, trên đường tuần tra các chiến sĩ phải xem xét từng dấu nối, ốc vít đường ống và tinh tế phát hiện những dấu vết lạ, khả nghi…

Chiến sĩ trẻ Lê Văn Biên đã hai lần đón tết giữa vùng cao đại ngàn này thú thật: “Những ngày đầu về trạm cũng sợ lắm. Rừng thẳm vắng hoe, gió hú ngút ngàn, gặp mùa mưa đường đầy sỏi đá nhưng vẫn cứ trơn trượt như thoa mỡ, sơ sẩy một chút là tai nạn. Đi riết cũng quen, hôm nào bệnh nằm nhà lại nhớ nhớ”.

Vườn rau xanh giữa đèo Ngoạn Mục -Ảnh: L.T.L

“Vẫn sướng hơn lính đảo nhiều lắm”

Tổ trưởng hầm 3 Pi Năng Vũ - người dân tộc Raglai - chân chất nói với chúng tôi như vậy. Vũ so sánh: “Từ trạm ra đến Eo Gió (Đơn Dương, Lâm Đồng) để đi chợ mua thức ăn chỉ mất hơn hai giờ cả đi lẫn về. Một năm còn được mấy ngày phép về thăm nhà nữa, bạn bè lính đảo của mình khó khăn hơn nhiều chứ”.

Đường sá hiểm trở nên ngoài giờ tuần tra những chiến sĩ cảnh vệ này lại tranh thủ khẩn hoang đất núi, trồng thêm luống cà, vườn rau để “tăng độ màu” cho bữa ăn, cũng để phòng khi “gió táp mưa sa” không đi chợ được.

Hôm chúng tôi đến, cả trạm đã chuẩn bị khá tươm tất bữa cơm chiều tất niên. Cũng thịt heo, dưa hành, bánh mứt và vài chai bia Sài Gòn cho cả trạm chín người gọi là đón xuân sang. Đội trưởng Yêm cười bảo tất cả đều do anh em góp tay, một ít từ tiền hỗ trợ trực tết của ngành. Hơn mười năm qua, từ ngày nhận nhiệm vụ bảo vệ đường ống, cũng ngần ấy mùa xuân người cán bộ cảnh sát “có tuổi” này có mặt trong ba ngày tết để trực chiến cùng đồng đội và lo chuyện hậu cần. “Khó khăn một chút sá gì đâu. Miễn anh em vừa được đón xuân, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ là mình vui rồi. Đời cảnh vệ mục tiêu là vậy mà” - đại úy Yêm cười xởi lởi.

Vâng, lính cảnh vệ là vậy. Khi không khí náo nhiệt của mùa xuân mới đã ngập tràn phố phường thì các anh - những cảnh sát bảo vệ đường ống thủy lực Đa Nhim - vẫn âm thầm nơi vùng đèo heo hút gió, kiên trung vững chắc tay súng vì sự an toàn của công trình thủy điện.

Theo Tuổi trẻ