Sự kiện

Nỗ lực hết sức vì sự thành công của thủy điện Sơn La

Thứ tư, 4/2/2009 | 09:56 GMT+7
Những ngày Tết Kỷ Sửu, chúng tôi có dịp lên công tác tại công trình Thủy điện Sơn La. Tại công trình này, Tổng công ty lắp máy Việt Nam Lilama đảm nhận lắp đặt 73.000 tấn thiết bị và chế tạo 30% thiết bị. Trên công trường, những người lao động vẫn hăng say làm việc như thường ngày. Nhà máy đã dần hiện hữu với những khối bê tông cửa đập cao lừng lững, những tuyến ống áp lực, khu vực đập tràn…

 

 

 Toàn cảnh Thủy điện Sơn La

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Trinh- Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Lilama 10 - đơn vị đảm nhận lắp đặt toàn bộ thiết bị cho Nhà máy thủy điện Sơn La- về những việc công ty đang triển khai, góp phần vào sự thành công của công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này.

Ông Nguyễn Thế Trinh- Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Lilama10
- Xin ông cho biết, tại công trình thủy điện Sơn La, Công ty CP Lilama 10 tham gia chế tạo và lắp đặt những hạng mục nào?

- Trong 25 năm hoạt động, Công ty CP Lilama 10 đã tham gia lắp đặt hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền của tổ quốc đặc biệt là những công trình thủy điện như : Thủy điện Sông Đà, Yaly, Vĩnh Sơn, Sê san 3&4, Cửa Đạt, Hương Điền, Srepok, Nậm Công… Các công trình chúng tôi tham gia đều đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn, được chủ đầu tư đánh giá cao. Tại công trình thủy điện Sơn La chúng tôi tham gia chế tạo khoảng 30% thiết bị gồm: thép ốp xả sâu, thiết bị hạ lưu, ống áp lực, cửa nhận nước và các thiết bị phụ trợ, tham gia lắp đặt 73.000 tấn thiết bị trên toàn công trình bao gồm : thiết bị đập tràn, cửa nhận nước, đường ống áp lực, thiết bị hạ lưu, thiết bị cơ điện, tổ máy…

- Xin ông cho biết tiến trình tham gia và thực hiện việc chế tạo và lắp đặt thiết bị của công ty?

- Từ năm 2007, Công ty CP Lilama 10 đã tham gia lắp đặt tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Với quân số gần 1.000 người chia thành các đội như: đội lắp thiết bị đập tràn, đội lắp thiết bị cửa nhận nước, đội lắp thiết bị đường ống áp lực, đội lắp thiết bị đặt sẵn, đội lắp thiết bị quan trắc…

Năm 2007, chúng tôi đã chế tạo 1.800 tấn thiết bị ống xả sâu của đập tràn và lắp đặt 3.000 tấn thiết bị cho công trình. Năm 2008, lắp đặt được 7.000 tấn thiết bị, đạt 103% kế hoạch. Dự kiến năm 2009, chúng tôi phải hoàn thành tổ hợp và lắp đặt 21.657 tấn thiết bị của đập tràn, cửa nhận nước và nhà máy. Cụ thể tại đập tràn: tổ hợp và lắp đặt 5.500 tấn thiết bị Khe van cung xả sâu, 1.500 tấn thiết bị Khe van phẳng xả sâu, lắp đặt 400 tấn thiết bị Xi lanh thủy lực…Tại cửa nhận nước: lắp đặt 5.456 tấn thiết bị CTĐS đường ống áp lực, 1.334 tấn thiết bị Khe van SCSC, lắp đặt 939 tấn TB ngưỡng, khe van lưới chắn rác… Tại nhà máy: tổ hợp 2.725 tấn thiết bị Stato tua bin, buồng xoắn và lắp đặt 2.180 tấn thiết bị này, Lắp đặt 1.280 TB khuỷu hút, côn hút, 50 tấn TB giếng tua bin, 80 tấn TB khe van hạ lưu nhà máy, 450 tấn TB cẩu trục…

- Năm 2009 khối lượng công việc phải thực hiện của công ty gấp đôi năm 2007 và 2008 cộng lại. Đây quả là một công việc nặng nề, Lilama 10 có những biện pháp như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ đề ra?

- Trước hết vào thời gian cao điểm khoảng quý III này chúng tôi sẽ tăng lực lượng lên 2.000 người để đáp ứng nhân lực cho thi công lắp đặt. Bên cạnh đó công ty đã tổ chức cho cán bộ công nhân viên tăng ca, kíp không quản ngày đêm, ngày lễ, đồng thời tăng cường các phương tiện đảm bảo thi công để hoàn thành nhiệm vụ. Điều quan trọng nhất là vấn đề các bên bàn bàn giao mặt bằng, thiết kế và cung cấp thiết bị cho đơn vị lắp đặt.

Theo đánh giá của tôi, năm 2007 và 2008 là những năm tiền đề, năm 2009 là năm bản lề để thi công phấn đấu năm 2010 đưa tổ máy số 1 vào vận hành. Nếu các yếu tố khách quan như: mặt bằng, thiết kế, cung cấp thiết bị đảm bảo thì với năng lực của Lilama 10 chúng tôi đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao- hoàn thành lắp đặt góp phần đưa tổ máy số 1 vào phát điện đúng tiến độ.

Xin cảm ơn ông !

 

Công trình nhà máy thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW, được khởi công xây dựng ngày 2/12/2005 tại xã Ít Ong huyện Mường La, tỉnh Sơn La do Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Theo tiến độ nhà máy sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào năm 2010 và hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2013. Đây là công trình trọng điểm quốc gia được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với việc đưa vào vận hành nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện Quốc gia 10,25 tỷ Kwh/năm, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế của đất nước.

Theo CôngThương