Sự kiện

Chế tạo máy biến áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam: Nan giải bài toán thiếu vốn

Thứ sáu, 17/9/2010 | 09:38 GMT+7

Sau sự kiện vang dội về lắp đặt thành công máy biến áp (MBA) 220kV và sửa chữa thành công MBA 500kV, Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 500kV– 3x 150MVA.

 

Đến nay, 1 trong 3 tổ máy đã chuẩn bị “trình làng” và được UBND Hà Nội đưa vào danh sách đăng ký gắn biển công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Bên cạnh niềm tự hào về sự ra đời của công trình đặc biệt đầu tiên ở Việt Nam (cũng là công trình đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á), EEMC còn đang phải đau đầu với bài toán tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện nốt các tổ máy còn lại.

Những bước đột phá quan trọng

Hàng chục năm nay, bằng ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy nội lực, EEMC đã chế tạo thành công hàng ngàn MBA các loại, trong đó có trên 250 MBA loại 110kV và 220kV. Các MBA do EEMC chế tạo đã vận hành an toàn tại các địa phương trong cả nước. Điều đó khẳng định năng lực kỹ thuật của đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư và công nhân kỹ thuật của nhà máy. Các loại máy biến áp 110kV và 220kV do EEMC sản xuất luôn có chất lượng tương đương máy nhập khẩu với giá thành và chi phí thấp hơn 25-30 %, góp phần tiết kiệm cho ngân sách và giảm nhập siêu, tạo thế chủ động về MBA cho ngành điện Việt Nam. Đặc biệt, với MBA 500kV, hiện nay trên thế giới chỉ có 1 số nước như Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Trung Quốc... chế tạo được nên giá nhập khẩu rất đắt. Đó là chưa kể, mỗi khi máy móc gặp sự cố lại phải chở sang nước ngoài sửa chữa. Như khi MBA 500kV của Thủy điện Yaly bị sự cố, bên Nga yêu cầu chở máy sang đó sửa chữa trong thời gian 8-9 tháng. Tính ra, chỉ riêng tiền vận chuyển cũng tốn trên tỷ đồng (chưa kể tiền sửa chữa), cộng thêm đó là những thiệt hại không tính đếm được trong thời gian máy nằm chờ. Trong khi EEMC điều quân đến sửa chữa chỉ hết 3 tháng với tổng chi phí 1,7 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương, EVN và lãnh đạo công ty đã thống nhất chủ trương tập trung mọi nguồn lực chế tạo bằng được máy biến áp 500kV- 3x 150MVA “made in Việt Nam”. Đây cũng được coi là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước. EVN cũng yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) thực hiện ký hợp đồng để mua MBA 500kV đầu tiên và lắp đặt tại Trạm biến áp 500kV Nho Quan.

Tất cả cho công trình

Có thể nói, mấy năm gần đây, EEMC đã tập trung toàn bộ sức người sức của để chuẩn bị cho công trình này. Một hội đồng nghiên cứu chế tạo MBA 500kV đã được thành lập, đứng đầu là Tổng giám đốc Trần Văn Quang; Chủ nhiệm đề tài là Phó giám đốc Nguyễn Đức Công; các thành viên hội đồng gồm các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, đã từng chủ trì nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 125MVA - 220kV. Kỹ sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt đóng vai trò là thiết kế chính.

EEMC cũng cử cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao tới các trạm biến áp trong nước và nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Mua phần mềm thiết kế chế tạo máy biến áp, thuê chuyên gia tư vấn và lựa chọn đối tác là các nước G7 cung cấp dây chuyền thiết bị máy móc, vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, các kỹ sư đã tranh thủ tích lũy được khá nhiều kiến thức thực tế trong dịp tham gia trực tiếp sửa chữa MBA 500kV ở thủy điện Ialy, Hòa Bình, Đà Nẵng, đồng thời hợp tác với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm.

Công ty cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, kho tàng, tập kết vật tư thiết bị và tổ chức lại lực lượng lao động tại các xưởng biến áp truyền tải; xưởng cơ khí; xưởng khí cụ điện và tự động hóa; xưởng cáp nhôm; phòng kỹ thuật; phòng KCS... đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong các dây chuyền sản xuất. Phối hợp với Viện Năng lượng chuẩn bị lực lượng kỹ thuật để theo dõi quá trình thử nghiệm vận hành...


Ngoài ra, các kỹ sư còn phải tính toán các thông số để sản phẩm làm ra đảm bảo vận hành an toàn trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, sao cho khi sản phẩm chế tạo xong đưa vào vận hành phải đạt tuổi thọ trên 30 năm... Theo giám đốc Trần Văn Quang, trước 5/10/2010, tổ máy thứ nhất sẽ hoàn thành để thực hiện gắn biển chào mừng ngày Đại lễ của dân tộc.
Đau đầu bài toán thiếu vốn
Sản xuất được MBA 500kV đầu tiên ở Đông Nam Á không chỉ là niềm vinh dự của riêng EEMC mà còn là niềm tự hào của cả ngành điện và của đất nước Việt Nam. Trách nhiệm tiếp theo của công ty là phải sản xuất tiếp 2 tổ máy còn lại để hoàn thiện MBA 500kV- 3 x 150 MVA. Tuy nhiên, theo giám đốc Trần Văn Quang, hiện nay công ty đang gặp khó khăn rất lớn là thiếu vốn.
Ở nước Nga, khi chế tạo MBA 500 kV lần đầu tiên, nước Nga không chỉ huy động tất cả kỹ sư đầu ngành với cơ chế ưu tiên vốn đặc biệt mà hàng tháng Thủ tướng Nga đều gọi điện hỏi thăm về tiến độ. Nhiều nước khác thì có chính sách hỗ trợ về lãi suất. Trong khi đó, EEMC sau khi tư đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng chuẩn bị cho việc chế tạo MBA 500 kV, công ty đã phải vay vốn thương mại hàng trăm tỷ đồng với lãi suất 14-15% để mua sắm nguyên vật liệu cho việc chế tạo tổ máy 1.

Để chuẩn bị làm tiếp 2 tổ máy còn lại, công ty sẽ phải vay tiếp khoảng 200 tỷ đồng nữa. Đây là con số quá lớn với một công ty còn quá nhiều khó khăn như EEMC. Ông Quang cho biết, về danh nghĩa, dự án nằm trong danh mục cơ khí trọng điểm được vay vốn ưu đãi nhưng đến nay công ty vẫn chưa vay được đồng vốn nào vì thủ tục vay vốn quá rườm rà, phức tạp và kéo dài. Mặt khác, mặc dù biên bản ghi nhớ đã được ký từ lâu nhưng đến nay EEMC vẫn chưa ký được hợp đồng kinh tế với NPT nên vẫn chưa được tạm ứng đồng nào để sản xuất.

Ông Quang cho rằng, việc sản xuất MBA 500kV- 3 x 150 MVA không chỉ là một dự án kinh tế mà còn là một công trình khoa học thí điểm. Vì vậy, EEMC rất mong được Bộ Công Thương và EVN hỗ trợ một phần kinh phí để công ty có thể trang trải được phần nào những khó khăn.Đến nay, tổ máy 1 đã chuẩn bị hoàn thành, công ty rất mong EVN chỉ đạo ký hợp đồng kinh tế để công ty yên tâm làm việc, đồng thời bảo lãnh cho công ty được vay vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho công ty chế tạo 2 tổ máy còn lại, mở ra một triển vọng mới là sản xuất hàng loạt máy biến áp 500 kV, tiết kiệm được ngoại tệ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo: CôngThương