Sự kiện

Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam: Những khoảng trống cần khỏa lấp

Thứ sáu, 23/10/2009 | 10:29 GMT+7

Ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng cho thấy: Vẫn còn nhiều bất cập cần phải thay đổi để Việt Nam không bỏ phí nguồn nội lực, tận dụng cơ hội để chủ động nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước.

 

Cơ hội thu lợi nhiều tỷ USD liệu có được các doanh nghiệp cơ khí trong nước tận dụng?

 Vướng thu hút FDI vào điện

Tại Hội thảo quốc tế đầu tiên về Quy hoạch và Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam mở đầu bằng một “bài toán”: Để thực hiện Quy hoạch điện VI, trong vòng 20 năm (2006-2025), Việt Nam cần lượng vốn đầu tư cho lĩnh vực điện năng là khoảng 80 tỉ đô la Mỹ (trung bình phải có 4 tỉ đô la Mỹ/năm). Còn với mục tiêu vào năm 2020, khi Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa thì nhu cầu về điện phải là 2.000 - 3.000 kWh/người/năm và lượng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ điện năng đến giai đoạn 2025 – 2030 sẽ lên hàng trăm tỷ USD. Với lượng vốn đầu tư lớn như vậy thì việc chỉ huy động nguồn vốn trong nước là điều bất khả thi, nên phải tính đến đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Trung - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì trong hơn 20 năm thu hút FDI, tính đến tháng 7/2009, các dự án FDI cho lĩnh vực điện mới chỉ có 1,1 tỷ USD vốn đăng ký. Cho đến nay, mới có 2 dự án điện 100% vốn FDI được xem là thành công: Một là Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (720 MW), do Tập đoàn Dầu khí BP của Anh làm chủ đầu tư (vốn 421,5 triệu USD); Hai là Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 (714 MW), do tổ hợp Tổng Công ty Điện lực Pháp cùng hai tập đoàn Sumitomo và TEPCO của Nhật làm chủ đầu tư, với số vốn 480 triệu USD. Cả 2 dự án này đều được đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và khánh thành lần lượt vào năm 2004 và 2005.

Lý giải về tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với lĩnh vực điện năng, nhiều chuyên gia cho rằng chính là vì những rào cản trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và cơ chế đấu thầu hiện còn phức tạp. Theo ông Trung, ở các quốc gia khác, khi dự án điện thực hiện theo hình thức BOT, nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu, tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí đầu tư.

Trong bối cảnh, chủ đầu tư thì muốn bán điện với giá cao để nhanh hoàn vốn và có lãi, còn giá điện vẫn do Nhà nước quy định, người tiêu dùng cũng khó có thể “gánh” nổi việc tăng giá quá nhanh, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất là: Chính phủ cần quan tâm và sớm giải quyết các khúc mắc xoay quanh cơ chế giá và cơ chế đấu thầu, nhằm tạo chính sách thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực điện năng tại Việt Nam.

Sẽ “lãng phí” nhiều tỷ USD…

Từ giải quyết vốn đầu tư đến cung cấp thiết bị cơ khí cho các dự án năng lượng nói chung và dự án điện năng nói riêng là những bước đi rất gần. Với các dự án thủy điện, khối lượng xây dựng chiếm tới gần 70% giá trị công trình,  trên 30% còn lại là phần thiết bị cơ khí và xây lắp. Còn với nhiệt điện thì ngược lại, khối lượng thiết bị và xây lắp lên tới 70% giá trị công trình. Trong khi đó, hiện tại các doanh nghiệp cơ khí trong nước chỉ đảm nhận được phần cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện; còn các thiết bị cơ khí phức tạp đòi hỏi trình độ cao như tuabin, máy phát, lò hơi… đều phải nhập khẩu. Vì vậy, nếu ngành Cơ khí trong nước chỉ cần đảm đương được khoảng 50% - 60% giá trị phần cơ khí của các công trình nguồn điện thì đã đem lại nguồn lợi nhiều tỷ USD cho quốc gia thông qua kích thích quá trình sản xuất và tạo nguồn lao động trong nước.

Mong muốn là như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam thì “con đường” phát triển của ngành Cơ khí Việt Nam vẫn còn rất gian nan. Trong giai đoạn từ 2003 -2010, nhờ vào sự mạnh dạn quyết đoán của Chính phủ thông qua cơ chế 797 và 400 chỉ đạo các đơn vị trong nước thiết kế và chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhiều dự án thủy điện như Buôn Kuốp, Sesan3, PleiKrông, A Vương…, đến nay các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã cung cấp hàng chục nghìn tấn thiết bị thủy công cho các công trình thủy điện lớn trên cả nước. Thành công này đạt được là từ cơ chế, từ sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà tư vấn thiết kế trong nước và từ sự tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế chỉ định thầu EPC các nhà máy nhiệt điện cũng như chỉ định thầu chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, lĩnh vực cơ khí vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết về năng lực. Cụ thể là năng lực tài chính và thiết bị của các doanh nghiệp còn yếu kém, nhưng lại không có khả năng liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong ngành. Thực tế này tạo nên sự đầu tư manh mún và lãng phí. Nguồn nhân lực kỹ thuật cao cũng là một thách thức lớn cho công tác quản lý điều hành các dự án EPC cho ngành năng lượng. Nguồn vốn cho nghiên cứu thiết kế (R&D) tuy đã được thể hiện qua một số dự án khoa học, song thủ tục rườm rà và nặng tính bao cấp chính là trở ngại đáng kể trong quá trình nội địa hóa thiết bị ngành năng lượng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chưa ổn định, thiếu nhất quán cũng gây khó khăn trong việc tạo vốn và thị trường cho ngành Cơ khí. Từ những cản trở này, ông Thụ cho rằng: Khả năng có được những nhà máy cơ khí nặng để chế tạo tuabin, máy phát, lò hơi xem ra còn xa vời. Còn mảng cơ khí phục vụ cho dầu khí như dàn khoan, thiết bị cho ngành khai thác cũng như thiết bị cho các dự án phong điện, năng lượng tái sinh trong “ngày một ngày hai” là chưa thể thực hiện được…

Với nỗ lực nhằm không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận và cung cấp các thiết bị cơ khí phức tạp cho các dự án năng lượng, hiện tại Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã tập trung các ý kiến kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Trong đó, những kiến nghị được xem là “sống còn” để ngành Cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển là: Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo không thể thiếu “bàn tay hữu hình” của Nhà nước tác động, qua đó tạo đơn hàng giúp doanh nghiệp có cơ hội mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích nội địa hóa; sắp xếp lại các doanh nghiệp cơ khí để sớm hình thành các tập đoàn cơ khí mạnh, nhằm tạo thuận lợi trong phân công đầu tư, đủ sức nhận các đơn hàng lớn từ các dự án trọng điểm mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Để phát triển lĩnh vực cơ khí nặng, Nhà nước cần có cơ chế tạo vốn giúp các tập đoàn cơ khí xây dựng các trung tâm cơ khí nặng đủ sức chế tạo và sửa chữa các thiết bị lớn như tuabin, lò hơi…

Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, việc tạo điều kiện cho các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hiệp hội các nhà Sản xuất thiết bị điện Việt Nam có đủ năng lực để tham gia giúp hoạch định chính sách của Nhà nước để đảm bảo vai trò phản biện xã hội, góp phần minh bạch trong đầu tư cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng cần chủ động và quyết liệt hơn nữa, đầu tư chiều sâu, có trọng điểm, xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, kịp thời nắm bắt các cơ hội… chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước. Hy vọng cùng với sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, các doanh nghiệp sẽ không “vuột mất” những cơ hội thu lợi nhiều tỷ USD khi ngành năng lượng Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Theo: Tạp chí Điện lực