Sự kiện

Ông Nguyễn Minh Khoa - Trưởng Ban Pháp chế - EVN: Thi hành Luật Điện lực còn nhiều vướng mắc

Thứ tư, 21/10/2009 | 10:25 GMT+7

Luật Điện lực chính thức đi vào cuộc sống (từ năm 2005 đến nay) đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Luật vẫn còn những vướng mắc phải điều chỉnh, bổ sung để Luật Điện lực ngày càng hoàn thiện hơn. TCĐL trao đổi với Ông Nguyễn Minh Khoa - Trưởng Ban Pháp chế của EVN xoay quanh những vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện lực đã tác động ra sao đến hoạt động của EVN trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Luật Điện lực là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh mọi lĩnh vực hoạt động điện lực ở nước ta. EVN và các đơn vị thành viên là các đơn vị trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực điện lực đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Điện lực. Các quy định của Luật trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, phát điện,… đã trở thành nền tảng, định hướng cho các đơn vị.

Vì vậy, ngay sau khi Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn được ban hành, EVN đã triển khai phổ biến sâu rộng đến tất cả các đơn vị thành viên và toàn thể CBCNV trong Tập đoàn để đảm bảo việc thực hiện được chính xác, kịp thời và đầy đủ. Trong hơn 4 năm qua, Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn đã tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của EVN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Những phát sinh từ thực tế triển khai Luật Điện lực đã được các đơn vị chủ động báo cáo để EVN tập hợp trình các cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Theo phản ánh của các đơn vị trong thực tế thực hiện Luật Điện lực, khó khăn lớn nhất hiện nay là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Một trong những khó khăn lớn nhất khi thi hành Luật Điện lực là quy định về trách nhiệm đầu tư của các đơn vị phân phối điện. Theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Luật Điện lực thì các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện. Đây là một quy định bắt buộc của Luật, nên các tổ chức nói trên phải thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế, khi các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn như các nhà máy sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng hoặc các khu công nghiệp tập trung yêu cầu các Công ty Điện lực đầu tư xây dựng đường dây, trạm biến áp với công suất lớn để cấp điện trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ thì các đơn vị bán điện phải chịu kinh phí đầu tư rất lớn. Nhưng khi công trình hoàn thành, sẵn sàng cấp điện theo yêu cầu, thì khách hàng lại chưa hoàn thành công trình để tiếp nhận nguồn điện hoặc chỉ mua điện với công suất và sản lượng rất nhỏ so với kế hoạch ban đầu. Thực tế này đã dẫn đến lãng phí lớn trong đầu tư của các đơn vị bán điện do Luật Điện lực chưa có quy định về trách nhiệm của bên mua điện trong trường hợp không thực hiện đúng thoả thuận về việc tiêu thụ công suất đã cam kết với bên bán điện khi đăng ký mua điện.

PV: Được biết, hiện các đơn vị truyền tải và người dân đang đề nghị xem xét lại Khoản 1- Điều 51 của Luật Điện lực liên quan đến cam kết dân sự khi tồn tại nhà trong hành lang lưới điện, về mức độ ảnh hưởng điện trường... Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Điều 51, Luật Điện lực và Điều 6 Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Trong đó, nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 kV nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Trên thực tế khi triển khai thi công hoặc vận hành một số đường dây truyền tải 220 kV, nhiều nhà ở của nhân dân nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện về an toàn theo quy định của Nghị định 106/2005/NĐ-CP, nhưng các hộ dân nhất định yêu cầu phải được di chuyển ra khỏi hành lang an toàn, đồng thời phải được bồi thường, hỗ trợ hoặc tái định cư do lo ngại vì ảnh hưởng của điện từ trường. Khi yêu cầu chưa được đáp ứng, một số người dân đã tìm cách cản trở việc thi công xây dựng công trình của ngành Điện, dẫn đến chậm tiến độ các công trình điện. Xử lý vấn đề này đang gặp khó khăn do chưa có quy định của pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ hoặc tái định cư đối với các trường hợp này. Chủ đầu tư các công trình đường dây cũng không thể thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ do phải bỏ ra thêm một khoản kinh phí khá lớn, còn chính quyền địa phương cũng khó khăn trong việc bố trí quỹ đất cho việc tái định cư. Trường hợp này, đã xảy ra tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khi hàng loạt người dân sinh sống dưới đường dây điện 220 kV đề nghị được di chuyển ra khỏi hành lang tuyến. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không giải quyết được. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phải có những quyết định riêng để chỉ đạo và giải quyết…

PV: Tình trạng gian lận trong sử dụng điện đã và đang diễn ra với các thủ đoạn ngày một tinh vi, thách thức các cơ quan chức năng liên ngành… EVN và các đơn vị có những đề xuất, kiến nghị như thế nào để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định xử lý các hành vi này?   

Ông Nguyễn Minh Khoa: Hiện nay, các công ty điện lực đang gặp phải khó khăn trong việc xử lý những trường hợp trộm cắp điện với sản lượng lớn hơn 500 kWh. Theo quy định của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực thì việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ thực hiện đối với hành vi trộm cắp điện đến 500 kWh. Trường hợp trộm cắp lớn hơn 500 kWh thì phải chuyển sang cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, có rất nhiều trường hợp khách hàng trộm cắp điện với sản lượng lên tới hàng chục ngàn kWh, ngành Điện đề nghị phải xử lý về hình sự với mục đích răn đe, nhưng cơ quan công an thường từ chối thụ lý với lý do không xác định được thiệt hại do hành vi trộm cắp gây ra. Cách tính thiệt hại theo quy định của Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06/9/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) được cơ quan công an cho rằng chỉ mang tính tham khảo vì không xác định được chính xác thiệt hại thực tế. Cách tính này không được coi là cơ sở pháp lý để các cơ quan tư pháp căn cứ đó xác định hình phạt cho những người có hành vi trộm cắp điện.

Thực tế, ngoài những vấn đề vừa nêu trên, trong quá trình thực hiện Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành, các đơn vị thành viên của EVN còn gặp những khó khăn, vướng mắc khác trong các lĩnh vực như: Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, thanh toán tiền điện thuỷ nông, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, về việc điều độ hệ thống điện hoặc đấu nối công trình điện vào hệ thống điện quốc gia… Hiện nay, EVN đã tập hợp được nhiều thắc mắc, kiến nghị của các đơn vị thành viên trong quá trình thực hiện Luật Điện lực và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Ban Pháp chế của EVN đang khẩn trương nghiên cứu, rà soát, phân loại các vướng mắc để tổng hợp kiến nghị và gửi các cơ quan quản lý nhà nước xem xét giải quyết.

PV: Xin cảm ơn Ông!

 

Luật Điện lực được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2005.

Ông Trần Đình Long - Viện sĩ Viện hàn lâm KHKT điện quốc tế, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam: “Luật Điện lực luôn mang tính thời sự và ý nghĩa thực tế”

Là người chắp bút soạn thảo Luật Điện lực, kể từ khi Luật Điện lực chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 đến nay, tôi vẫn thường xuyên theo dõi những ý kiến phản hồi của các đơn vị điện lực, các khách hàng, các cơ quan báo chí… Có thể nói, Luật Điện lực ra đời, lần đầu tiên hoạt động điện lực có được hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, gắn với hoạt động thị trường, phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực…Vì thế, có thể khẳng định, đến nay về cơ bản, Luật Điện lực vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa thực tế.

Tuy nhiên, Luật Điện lực vẫn còn những điểm chưa hợp lý. Vì thế, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật điện lực vẫn đang được tiếp tục xây dựng và tiếp thu ý kiến phản hồi. Một số vấn đề được công chúng quan tâm như: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, sử dụng đất cho các công trình điện lực, việc đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ để bán điện, kiểm định thiết bị đo đếm điện… cần phải sửa đổi để tạo thuận lợi cho các đơn vị tham gia hoạt động điện lực và tạo bình đẳng giữa người mua và người bán điện.

Ông Phạm Kim Sơn – Trưởng ban pháp chế, Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á: “Luật Điện lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp”

Là một Tập đoàn kinh tế - công nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm phục vụ ngành Điện, từ các thiết bị đơn lẻ cho các trạm điện đến các công trình lớn như đường dây 110 kV, 220 kV, và 500 kV, qua 4 năm thực hiện Luật Điện lực, Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á đã có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức sản xuất, lắp đặt xây dựng các dự án. Chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện quy định tại chương 3 điều 13, 16 của Luật Điện lực đã được Tập đoàn Việt Á vận dụng và đem lại hiệu quả tốt. Việc quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện tại chương 6 Luật Điện lực đã làm lành mạnh hóa các quan hệ giao dịch mua bán điện…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, còn một số tồn tại trong quá trình thực hiện Luật như quy định tại Điều 44 điểm 2 mục a - bán điện đúng chất lượng, hiện khó có thể thực hiện trong tình hình cung cấp điện căng thẳng như hiện nay…

Theo: Tạp chí Điện lực