Sự kiện

Xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Đã được sự đồng thuận của nhân dân

Thứ ba, 20/10/2009 | 10:09 GMT+7

Về tương lai của điện hạt nhân, các chuyên gia năng lượng hàng đầu của thế giới vẫn khẳng định rằng, nếu không phát triển năng lượng hạt nhân thì loài người không thể giải quyết được vấn đề năng lượng. Những cơ sở chính để đi đến khẳng định đó là: nhiên liệu hữu cơ có hạn, phân bố không đồng đều và giá cả luôn biến động; tính cạnh tranh kinh tế của điện hạt nhân ngày càng rõ nét; điện hạt nhân góp phần bảo vệ trái đất khỏi tác động của hiệu ứng khí nhà kính.


Mô hình điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Ngày 8-10 vừa qua, Hội đồng nhân dân 3 cấp của tỉnh Ninh Thuận đã được tổ chức để lấy ý kiến về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn của tỉnh. Tại Hội nghị, phần đông các đại biểu và người dân vùng được chọn xây dựng dự án điện hạt nhân đều thống nhất ý kiến, đồng tình ủng hộ cao việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận theo chủ trương của Đảng và Nhà nước để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thời điểm thuận lợi

Sau sự cố điện hạt nhân ở Mỹ năm 1979 và đặc biệt là sau thảm họa Chernobyl tại Liên Xô cũ năm 1986, niềm tin của dân chúng vào độ an toàn của điện hạt nhân bị giảm sút. Dướii sức ép của công luận, nhiều nước đã phải xem xét lại chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, trong giai đoạn 1990-1995, mức tăng trưởng điệnhạt nhân của thế giới hàng  năm chỉ đạt 3%.. Tuy nhiên, giai đoạn sau 2000 đến nay, mặc dù chưa thể khẳng định ngành điện hạt nhân hồi sinh, nhưng có thể thấy rõ rằng ngày càng có nhiều quốc gia đang quay lại với chương trình phát triển điện hạt nhân, đặc biệt số nhà máy đang được xây dựng cũng như các nhà máy có kế hoạch chắc chắn xây dựng ngày càng gia tăng ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Các nước Mý, Pháp, Nga cũng có kế hoạch phục hưng ngành công nghiệp điện hạt nhân bằng một loạt các dự án đang xây dựng và chuẩn bị xây dựng.

Theo dự báo, điện hạt nhân sẽ phục hưng trở lại sau khoảng 10 năm nữa với những thế hệ lò phản ứng có độ an toàn cao, đáp ứng được chiến lược phát triển năng lượng bền vững trên toàn thế giới, bảo vệ môi trường và tránh được phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nghị quyết hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 24-12-1996 đã xác định: “chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử”. Năm 2002 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam do Viện Năng lượng thực hiện với sự hợp tác giúp đỡ của chuyên gia nhiều nước, chủ yếu đề cập đến sự cần thiết điện hạt nhân, địa điểm xây dựng, công nghệ, an toàn…và đến năm2008, để phù hợp với yêu cầu của tình hình  mới, Viện Năn glượng đã cập nhật, bổ sung và điều chỉnh nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thành Báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng công suất 4000MW, gồm 2 tiểu dự án: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có công suất 2000MW đặt tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có công suất 2000MW đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

EVN cho biết, cho đến nay, đã hoàn thành báo cáo Đầu tư xây djưng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các báo cáo chuyên ngành như đánh giá tác động môi trường; báo cáo về địa chất khuv ực dự kiến xây dựng; Báo cáo quy hoạch tổng thể 2 nhà máy; tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước phục vụ công tác chuẩn bị nhân lực điện hạt nhân…

Theo kế hoạch, sau khi báo cáo đầu tư được Quốc hội thông qua, cả hai tiểu dự án sẽ cùng được triển khai, theo đó, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được triển khai trước với mục tiêu năm 2020 sẽ đưa tổ máy số 1 đầu tiên vào vận hành và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được triển khai sau 1 năm sau khi triển khai Nhà máy Ninh Thuận 1.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 600 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên làm việc trong lĩnh vực hạt nhân, trong đó hầu hết các cán bộ có chuyên ngành khác nhau đa phần là lĩnh vực phi năng lượng. Số làm việc tại các lĩnh vực gần với điện hạt nhân khoảng 30-40 người có tuổi đời trung bình khá cao. Như vậy, lực lượng tham gia chủ yếu cho dự án phải đào tạo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hoàn tất Đề án đào tạo nguồn nhân lực tổng thể của quốc gia để thực hiện chương tình điện hạt nhân. Ngoài ra, mỗi cơ quan liên quan đều chuẩn bị chương trình phát triển nguồn nhân lực của mình như Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn hạt nhân và bức xạ Việt Nam, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và đặc biệt là EVN đã xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, các đối tác Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Trung Quốc…theo đó, đã cử 160 lượt cán bộ đi đào tạo và 25 sinh viên đang theo học về điện hạt nhân.

. Đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh và giá thành thấp

Đối với Việt Nam, tuy tiềm năng năng lượng sơ cấp đa dạng nhưng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, điện năng trung bình đầu người còn thấp như hiện nay thì khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai là vô cùng khó khăn nếu chỉ dựa vào tiềm năng năng lượng sơ cấp. Thêm vào đó, để đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì các yêu cầu về chỉ tiêu phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng, đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn, bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, nếu chỉ dựa vào các nguồn nhiên liệu trong nước để sản xuất điện, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 49 đến 112 tỷ kWh điện trong năm 2020. Do đó, giải pháp tổng hòa giữa tận dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước một cách hợp lý, kết hợp giữa nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt với tỷ trọng thích hợp cùng với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ là giải pháp tối ưu. Tuy có một số khó khăn ban đầu như thu xếp tài chính, tiềm lực khoa học công nghệ.

Nhiều nghiên cứu về giá thành sản xuất điện của Pháp, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản đều đi đến kết luận, giá thành điện hạt nhân là thấp hơn so với giá thành sản xuất điện bằng khí, than hoặc dầu từ 10-20%, phụ thuộc vào các điều kiện xây dựng và vận hành, kể cả khi tính đến chi phí cho tháo dỡ, cho bảo hiểm và dự phòng cho xử lý chất thải. Đặc biệt trong điều kiện giá nhiên liệu than, dầu và khí ngày càng tăng nhanh thì giá thành sản xuất điện hạt nhân lại càng trở nên cạnh tranh cao hơn và sẽ là một sự lựa chọn kinh tế.

. Cơ hội cho Ninh Thuận

Theo kế hoạch di dân, đền bù, tái định cư, sơ bộ đã thống nhất với chính quyền địa phương, các hộ dân khu vực xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước sẽ được tái định cư về khu Bắc Vĩnh Trường, xã Phước Dinh. Đối với xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, bố trí một số hộ trước đây từ Mỹ Hòa chuyển lên làm ăn nếu có yêu cầu về lại Mỹ Hòa thì sẽ tạo điều kiện để các hộ này trở về. Đối với các hộ có yêu cầu về Vĩnh Hy cũng vậy. Những hộ còn lại có thể bố trí ở khu đất dành cho tái định cư tại thôn Mỹ tân, xã Thanh Hải cách địa điểm cũ khoảng 5km về phía Tây Nam.

Ước tính tổng giá trị đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 243,976 tỷ đồng và Nhà máy Ninh Thuận 2 là 456,440 tỷ đồng.

Việc xây dựng nhà máy điện hạ tnhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ mở ra nhiều cơ hội và khả năng để Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội. Như việc xây dựng nhà máy đòi hỏi phải nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng. Khi nhà máy đi vào vận hành, ước tính nguồn thu thuế VAT khoảng 2.240 tỷ đồng/năm.

Ngày 8-10 vừa qua, tại Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng Nhân dân ba cấp về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận phải là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, qua đó trong tương lai Ninh Thuận sẽ mở ra nhiều cơ hội và khả năng để đẩy nhanh chương trình phát triển kinh tế, xã hội, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống của nhân dân.
Hiện nay, Báo cáo Đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và đã trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội vào kỳ họp lần 2 năm 2009./

Thanh Mai