Sự kiện

Năm 2009 cung cấp điện sẽ tốt hơn

Thứ ba, 3/3/2009 | 10:01 GMT+7
Ngay sau khi biểu giá điện được công bố, EVN đã tổ chức buổi trao đổi trực tuyến xung quanh chủ đề: triển khai giá điện năm 2009 với 155 câu hỏi được gửi tới, 52 câu hỏi được trả lời. Ngay sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc EVN cũng đã có cuộc trao đổi trực tiếp với báo chí về vấn đề này.

"Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc điều chỉnh giá không chỉ đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất và kinh doanh điện, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho xã hội, cho người tiêu dùng."
Tăng giá điện, ba bên cùng có lợi

Không như nhiều người cho rằng EVN là người được hưởng lợi chính trong việc điều chỉnh giá lần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc điều chỉnh giá không chỉ đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất và kinh doanh điện, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho xã hội, cho người tiêu dùng.

Cụ thể là: EVN sẽ có được mức lợi nhuận hợp lý, tạo tích luỹ cho phát triển ổn định, các chỉ tiêu tài chính được cải thiện, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp được hưởng chính sách bù giá và cơ chế giá điện bậc thang ở khu vực nông thôn.

Các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào các công trình điện do giá cả hấp dẫn hơn, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn với công suất dự phòng hợp lý, hệ thống truyền tải và phân phối điện có đủ năng lực truyền tải, đảm bảo ổn định cung cấp điện lâu dài, đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, hiện nay, việc sử dụng điện ở Việt Nam còn lãng phí, tiềm năng tiết kiệm điện còn nhiều. Giá điện tăng sẽ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sử dụng điện phải nghiên cứu, điều chỉnh hành vi sử dụng điện sao cho hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí, góp phần giữ gìn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cung cấp điện năm 2009 sẽ tốt hơn năm 2008

Một trong những vấn đề khách hàng quan tâm là việc thay đổi giá điện có đảm bảo cho ngành điện duy trì và đầu tư nguồn mới và đảm bảo điện không bị cắt như năm 2008 không? Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Việc thay đổi giá bán lẻ năm 2009 có tác động đến lượng vốn cho đầu tư 2009 vì vậy sẽ làm tình hình cung cấp điện năm 2009 tốt hơn năm 2008. Tuy nhiên việc cung cấp điện năm 2009 còn phụ thuộc vào quá trình đầu tư trước đó. Mục tiêu chính của việc tăng giá điện lần này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trên cơ sở đảm bảo cung cấp điện ổn định, từng bước chuyển sang cơ chế thị trường. đưa giá điện phản ánh đúng chi phí của quá trình sản xuất kinh doanh điện, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành điện, khuyến khich doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đảm bảo đủ nguồn điện cho những năm sau này (việc xây dựng 1 một nhà máy điện phải mất trên 3 năm kể từ khi khởi công).

Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến cung cấp điện như thời tiết, lượng mưa, độ sẵn sàng của các phần tử trong hệ thống điện, và đặc biệt phụ thuộc rất lớn vào độ sẵn sàng của các tổ máy phát điện (từ 2008 đến 2010, khoảng 45-52% công suất nguồn điện không do EVN quản lý)... EVN khẳng định rằng, không phụ thuộc vào việc tăng giá điện, EVN luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu điện của toàn xã hội ở mức cao nhất có thể, cũng như EVN luôn tuân thủ các quy định về việc cung cấp điện cho khách hàng, các quy định về việc tiết giảm sử dụng điện khi xảy ra các điều kiện bất khả kháng đối với hệ thống điện quốc gia.

Giá điện cho sản xuất tăng chậm hơn giá điện sinh hoạt

Để từng bước giảm dần, tiến tới xoá bỏ bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, lần điều chỉnh giá điện này, Chính phủ yêu cầu tỷ lệ tăng giá điện cho sản xuất sẽ được giữ ở mức thấp hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân, tỷ lệ tăng giá điện sinh hoạt sẽ giữ ở mức cao hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân. Từ năm 2010 trở đi sẽ áp dụng giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) đối với các đối tượng thích hợp ở nơi điều kiện kỹ thuật cho phép; áp dụng cơ chế bù giá cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp bằng cách khấu trừ trực tiếp từ hoá đơn tiền điện hàng tháng (ở những nơi điều kiện kỹ thuật cho phép); từng bước áp dụng giá trần bán lẻ điện cho các khách hàng sản xuất và dịch vụ, theo đó cho phép các Công ty Điện lực được bán điện cho khách hàng theo giá thoả thuận dưới giá trần quy định, tuỳ thuộc quy mô sử dụng.

Vì sao vùng nông thôn chuyển sang dùng giá điện bậc thang?

Một trong những vấn đề được người tiêu dùng điện quan tâm là việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang trong toàn quốc, không phân biệt khu vực nông thôn hay thành thị. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, nhiều nơi ở nông thôn đang phải mua điện với giá cao hơn mức giá trần 700đ/kWh, có nơi lên đến trên 1.000 đ/kWh, mặc dù giá điện bán buôn của EVN chỉ ở mức 390đ/kWh (bằng khoảng 50% giá thành điện bình quân năm 2008). Điều đó cho thấy, chính sách hỗ trợ giá điện của Chính phủ cho người dân nông thôn thực chất đã không đến được với người sử dụng điện, mà lại rơi vào lợi nhuận của các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn. Đồng thời, theo số liệu thống kê có đến trên 50% số hộ dân nông thôn hiện đang sử dụng ở mức trung bình dưới 50kWh/tháng.

Nếu tiếp tục áp dụng mức giá trần hiện hành cho điện nông thôn ở mức 700đ/kWh thì có nhiều hộ dân nông thôn mua điện qua các tổ chức bán điện nông thôn sẽ phải trả giá điện cao hơn so với các hộ dân mua điện trực tiếp từ các đơn vị của EVN. Vì vậy, từ năm 2009 sẽ áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt khu vực nông thôn cho mọi loại hình tổ chức kinh doanh điện lẻ bán lẻ điện nông thôn. Theo đó, các tổ chức quản lý kinh doanh điện (ngoài EVN) sẽ mua buôn điện năng theo giá bán buôn bậc thang, với mức giá ở từng bậc thang được giảm trừ từ 25- 30% so với giá bán lẻ của bậc thang đó.

Đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chưa đủ điều kiện thực hiện bán lẻ điện theo giá bậc thang, Chính phủ cho phép tạm thời áp dụng giá trần 700 đ/kWh, đồng thời yêu cầu nếu đến ngày 1/9/2009 các tổ chức này không đủ điều kiện để kinh doanh bán lẻ điện theo giá bậc thang thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo bàn giao cho các Công ty Điện lực thuộc EVN tiếp nhận, đầu tư nâng cấp lưới điện để bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn. Để thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ thu nhập thấp, hộ nghèo, Chính phủ cũng xác định mức bù giá, cụ thể tại bậc thang đầu tiên của giá điện sinh hoạt từ 1- 50 kWh, mức bù giá bằng 35- 40% giá bán điện bình quân, giá điện sinh hoạt cho bậc thang từ 51- 100 kWh được tính bằng giá thành bình quân, không có lợi nhuận

Một nhà có nhiều hộ khẩu sẽ được tính giá điện như thế nào?

Có rất nhiều người quan tâm đến vấn đề: Một nhà có nhiều người dùng chung một điện kế, những người này có hộ khẩu riêng thì được tính như thế nào? Ông Hùng khẳng định: các hộ dùng chung công tơ (có hộ khẩu riêng) được áp dụng giá bán điện bậc thang theo nguyên tắc định mức từng bậc thang của mỗi hộ nhân với số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ. Để được hưởng định mức nhiều hộ trong 1 công tơ thì khách hàng cần đến Chi nhánh điện sở tại để được hướng dẫn làm thủ tục.

Theo Công Thương