Sự kiện

Tăng giá điện - vấn đề cần quan tâm

Thứ tư, 4/3/2009 | 10:05 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 21 về điều chỉnh giá bán điện năm 2009 đến 2010 theo cơ chế thị trường. Từ ngày 1/3/2009, giá bán điện bình quân chưa bao gồm thuế VAT tăng 8,92%, so với giá bán điện bình quân năm 2008 tăng lên 948,5 đ/kWh. Trong đó, giá điện cho sinh hoạt dự kiến tăng từ 13-17%.

 

Kiểm tra điện ở trạm 220 KV Bảo Thắng.

Giám đốc Điện lực Lào Cai, Trần Văn Huấn cho biết: Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Lào Cai thiếu điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân nên phải mua điện của Trung Quốc, mỗi năm trên 360 triệu kWh. Giá mua điện Trung Quốc bán trên 1.000đ/kWh, trong khi ngành điện chỉ được phép bán cho nông dân vùng cao với giá 390đ/kWh và cấp điện năng cho ngành công nghiệp - xây dựng giá là 630đ/kWh. Năm 2008, do ảnh hưởng cơn bão số 4, Điện lực Lào Cai là một trong những đơn vị thiệt hại gần 10 tỉ đồng về cơ sở thiết bị và đường dây. Trong chương trình cấp điện có sự thay đổi về cơ cấu điện năng; ngành công nghiệp - xây dựng tiêu thụ điện năng chiếm 70%; dân cư và cơ quan hành chính sự nghiệp 24,4%; còn lại là các thành phần khác. Nhờ đó, hầu hết các thành phần phụ tải đều có mức tăng trưởng bình quân trên 17%/ năm. Riêng  2008, ngành công nghiệp- xây dựng tăng trên 58%, lý do của sự tăng trưởng này là do các phụ tải công nghiệp lớn như cụm khai thác và tuyển quặng đồng Sin Quyền (Bát Xát), các nhà máy phốt pho vàng Tằng Loỏng (Bảo Thắng), nhà máy luyện đồng Lào Cai… đưa vào sản xuất thêm sản phẩm mới. Cụ thể, sản lượng điện cấp cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tháng 12/2008 chỉ là 22,8  triệu kWh/tháng, so với tháng 1/2009 tăng lên trên 23 triệu kWh/tháng. Về nguồn, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 3 nhà máy thủy điện hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia, các nhà máy khác đang trong giai đoạn thi công như: Thuỷ điện Bắc Hà công suất 90MW, dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng; cụm công trình thuỷ điện Sử Pán I, II và Nậm củm có tổng công suất 88,5MW, do Tổng Công ty cổ phần thuỷ điện Sông Đà Hoàng Liên Hà Nội làm chủ đầu tư, dự kiến đến năm 2012 mới hoàn thành... Theo Quyết định của Chính phủ, đến ngày 1/1/2010, giá bán điện được thực hiện trên cơ sở giá cả thị trường nhưng vẫn áp dụng cơ chế bù giá cho hộ nghèo thu nhập thấp. Như vậy, nguồn điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Lào Cai trước mắt vẫn nằm trong tình trạng thiếu và tăng giá bán điện là giải pháp để kích cầu ngành điện phát triển.

Có thể nói rằng, mỗi lần tăng giá điện thì các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá theo kiểu "Dậu đổ bìm leo". Hệ luỵ của tăng giá điện sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP trong thời buổi suy thoái kinh tế. Anh Phạm Văn Đáo, Phó giám đốc Nông trường Phong Hải cho biết: Năm 2008, đơn vị chế biến trên 779 tấn chè búp khô, chi phí tiền điện trên 300 triệu đồng, việc tăng giá điện cộng vào giá thành chè hàng hoá, do vậy sẽ khó khăn trong khâu tiêu thụ. Để đảm bảo sản xuất, chế biến và tiêu thụ hoàn thành kế hoạch đề ra, đơn vị thực hiện các giải pháp như: Thực hiện cơ chế khoán sản phẩm và chi phí cho người lao động; mua sắm thêm các thiết bị cải tạo nâng cấp đường dây, trạm biến áp, tăng cường kiểm tra thực hành tiết kiệm điện, chống thất thoát điện năng. Được biết, kết quả kinh doanh năm 2008, Điện lực Lào Cai đã cấp cho khách hàng tổng sản lượng đạt trên 440 triệu KWh, doanh thu đạt hơn 414 tỷ đồng. Ngay trong 2 tháng đầu năm, Điện lực Lào Cai đã tiến hành kiểm tra lưới điện nông thôn 15 xã. Đối với các công trình điện trong dự án năng lượng nông thôn, đẩy nhanh thi công và cải tiến mô hình quản lý bán điện đến từng hộ, bảo đảm dòng điện liên tục, an toàn, chất lượng.

Rõ ràng tăng giá điện và việc kiểm soát tác động của nó đến từng doanh nghiệp và hộ tiêu dùng, là vấn đề thời sự cần được các cơ quan quản lý quan tâm để làm sao không xảy ra việc tăng giá các mặt hàng khác theo kiểu dây chuyền, đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội.

Theo Báo ĐT Lào Cai