Sự kiện

Nhìn lại 54 năm ngành Điện Việt Nam – Hào hùng trong chiến tranh, Vững vàng trong hội nhập

Thứ năm, 26/2/2009 | 10:22 GMT+7
Kể từ khi kỹ nghệ điện lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đến nay, Ðiện lực Việt Nam đã trải qua 116 năm hình thành và phát triển. Song, năm 1954 với sự kiện giải phóng miền Bắc, toàn bộ hệ thống điện chính thức về tay người Việt Nam quản lý và làm chủ, đặc biệt CBCNV ngành Ðiện vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành Ðiện Việt Nam.
Cùng với những bước thăng trầm của lịch sử đất nước, các thế hệ ngành Ðiện cũng trải qua một quá khứ đầy gian lao, kiên cường. Những tố chất đó dường như đã ngấm sâu vào máu thịt những người làm điện qua các thế hệ. Ðể rồi hôm nay, trước bao thách thức, khó khăn của thời kỳ hội nhập kinh tế, các thế hệ kế nhiệm vẫn luôn vững vàng và không ngừng sáng tạo, trên tinh thần gìn giữ và phát huy những tinh tuý của các bậc tiền bối, tiếp tục xây dựng và phát triển dòng điện của Tổ quốc. Quá trình cống hiến và tích lũy trí tuệ đó đã hun đúc nên chân dung những người làm nghề điện Việt Nam qua mỗi chặng đường.

Quá khứ gian lao mà hào hùng

Khi chính quyền cách mạnh vào tiếp quản Thủ đô năm 1954, từ Hà Nội đến các thành phố lớn, ánh điện bừng lên tô đẹp ngày thực sự độc lập, tự do của dân tộc. Với vai trò đặc biệt quan trọng, ngành Ðiện luôn được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Ðảng, Chính phủ và đặc biệt là Bác Hồ. Những người làm nghề điện luôn ghi nhớ: Chỉ ít ngày sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, ngày 21/12/1954 Bác đã về thăm ngành Ðiện, Bác căn dặn: “ ... Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Lời của Bác đã trở thành định hướng hoạt động cho toàn Ngành.  Cũng từ đó, ngày 21/12 đã trở thành ngày truyền thống của những người làm nghề Ðiện Việt Nam. 

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại (1965 - 1972), các cơ sở của ngành Ðiện trở thành những mục tiêu huỷ diệt của không quân Mỹ, phải gánh chịu 1652 trận đánh phá của máy bay địch với khối lượng bom khổng lồ. Những CBCNV ngành Ðiện đã thực hiện công tác che chắn, sơ tán máy móc thiết bị hạn chế thiệt hại để đảm bảo vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu này, đã có nhiều công trình bị thiệt hại, 123 CBCNV ngành Ðiện đã hy sinh, nhiều người bị thương... nhưng không giờ phút nào ngành Ðiện ngừng sản xuất. Với tinh thần đó, ngay trong năm 1971, sản lượng điện đã vượt mức trước chiến tranh. Song song với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, công tác đầu tư phát triển vẫn được triển khai, trong đó có việc đẩy tiến độ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà (108 MW), Ninh Bình (100 MW), Uông Bí (105 MW) và hoàn thành xây dựng hàng trăm km đường dây truyền tải và phân phối các loại.

Chiến tranh qua đi, ngành Ðiện bắt tay vào công việc khôi phục hệ thống điện với các phong trào thi đua sôi nổi. Chỉ cuối quí I/1973, hầu hết các nhà máy điện đã trở lại hoạt động bình thường, hệ thống đường dây, trạm truyền tải điện được khôi phục, mở rộng lưới phân phối. Do vậy, đã đáp ứng được nhu cầu về điện cho công cuộc khôi phục kinh tế của đất nước và đời sống nhân dân.

 Trước những khó khăn thử thách kể cả trong chiến tranh và khi hoà bình, đặc biệt là những thách thức của thời kỳ đổi mới và hội nhập, những người làm nghề điện vẫn luôn vững vàng, năng động trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Ngành. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua các phong trào thi đua mang sắc thái ngành nghề và cả quá trình phấn đấu bền bỉ, ngành Ðiện đã xuất hiện nhiều tập thể xuất sắc và đặc biệt là rất nhiều cá nhân tiêu biểu được phong tặng các danh hiệu cao quý. Những gương mặt Anh hùng lao động như các đồng chí: Ðỗ Chanh, Phan Văn Diêm, Mai Tinh Cang, Phạm Hoài, Phùng Tàu Cam, Thái Phụng Nê,  Vũ Ðức Quỳnh, Ðậu Ðức Khởi, Ðinh Miên, Nguyễn Thị Nguyệt… thực sự là niềm tự hào của ngành Ðiện. Ghi nhận những cống hiến của nhiều thế hệ CBCNV ngành Ðiện, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động cho 21 lượt đơn vị và 15 cá nhân của ngành. Nhà nước cũng đã trao tặng tập thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999 và đặc biệt là Huân chương Sao vàng năm 2004...

Thành quả của nhiều thế hệ

Bằng sức lao động tận tụy, năng động và sáng tạo, lịch sử ngành Ðiện luôn được ghi nhận với những thành tựu rất ấn tượng: Từ cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu do Pháp để lại với tổng công suất nguồn điện toàn quốc năm 1954 vào khoảng 100 MW, hệ thống lưới hệ manh mún, lưới truyền tải cao nhất là 30,5 kV, sau khi tiếp quản miền Bắc, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965), ở miền Bắc công suất đặt đã tăng bình quân 20 % hằng năm. Cùng với một số nhà máy điện được xây dựng dưới sự giúp đỡ của các nước XHCN, mạng lưới điện 35 kV, rồi 110 kV đã được xây dựng, nối liền các nhà máy điện và các trung tâm phụ tải, hình thành nên hệ thống điện non trẻ của đất nước. Trong thời kỳ 10 năm (1955 - 1965), ở miền Bắc, mức tăng công suất đặt trung bình là 15%. Trong giai đoạn (1966 - 1972), do chiến tranh phá hoại ác liệt, nên mức tăng công suất đặt bình quân chỉ đạt 2,6%/năm.

Tính đến cuối năm 1975, tổng công suất đặt cả nước đạt 1.326,3 MW với sản lượng gần 3 tỉ kWh/ năm, thì đến năm 2008 tổng công suất đặt của toàn quốc là 15.697 MW, tăng 156 lần so với năm 1954, tăng hơn 10 lần so với năm 1975. Hệ thống điện Việt Nam đã và đang được phát triển hoàn chỉnh, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, với trục xương sống là đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc Nam và Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia làm nhiệm vụ điều hành, khai thác tối ưu hệ thống.

 Thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước “Phát triển năng lượng điện đi trước một bước” đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Ngành Ðiện là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên của cả nước có Kế hoạch phát triển dài hạn. Trải qua thời gian, việc thực hiện các Tổng sơ đồ phát triển Ðiện lực đã chứng minh tính chính xác của những dự định chiến lược, với bước ngoặt có tính quyết định là xây dựng các công trình điện lớn như: Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Hoà Bình, Trị An, Ialy, Phú Mỹ, Sơn La... và đồng bộ là các công trình truyền tải điện 500 kV, 220 kV, 110 kV và hệ thống lưới điện phân phối trải rộng trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Về chỉ tiêu điện năng tính trên đầu người, năm 1965 đạt 30 kWh/người/năm, năm 1975 là 56,2 kWh/người/năm, năm 1985 đạt 84 kWh/người/năm, năm 1995 là 198 kWh/người/năm và đến năm 2008 đã đạt trên 870 kWh/người/năm (gấp 15 lần so với năm 1975). Dòng điện quốc gia đã được đưa đến mọi miền của Tổ quốc. Tính đến 30/11/2008, đã có 100% số huyện, 95,94% hộ dân và 94,31% số hộ dân nông thôn đã có điện dùng.

Về mặt quản lý, 2 sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi sâu sắc về tổ chức quản lý, nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh của ngành Ðiện là: Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam ra đời trên cơ sở quyết định 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập (thí điểm) các tập đoàn kinh tế dưới hình thức là Tổng công ty nhà nước; ngày 17/12/2006, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã chính thức ra mắt theo quyết định số 147/2006/QÐ - TTg ngày 22/6/2006, đánh dấu một giai đọan phát triển mới, kinh doanh đa ngành, đa sở hữu, chuyên môn hóa cao. Thành công đáng kể trong những năm qua của EVN là cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước. Ngành Ðiện Việt Nam ngày càng được phát triển và chuyên môn hóa. Quá trình đổi mới và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nhằm xây dựng EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh đang được triển khai mạnh mẽ. Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 163/2007/QÐ-TTg ngày 22/10/2007. Ðây là tiền đề quan trọng để ngành Ðiện đảm bảo năng lực cung cấp điện an toàn và tin cậy cho mọi nhu cầu phát triển, hướng tới một thị trường điện cạnh tranh trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

Năm tháng đi qua, các thế hệ những người làm nghề điện của đất nước cũng liên tục trưởng thành. Ðội ngũ CBCNV ngành Ðiện đã có bước phát triển vượt bậc. Khi mới tiếp quản ngành Ðiện năm 1954, chúng ta chỉ có 1.291 cán bộ, công nhân và 7 kỹ sư tốt nghiệp ở Pháp về. Giờ đây ngành Ðiện Việt Nam đã có trên 10 ngàn người có trình độ trên đại học, đại học và cao đẳng; hàng chục ngàn kỹ thuật viên, trung cấp; bình quân tay nghề của công nhân đạt từ bậc 3 trở lên. Số kỹ sư, chuyên gia giỏi, công nhân bậc cao ngày càng nhiều. Một thành tựu nổi bật mới là ngành Ðiện Việt Nam đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ quản lý trẻ hoá, năng động, giỏi chuyên môn, vững vàng về chính trị đảm đương được trọng trách mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Ðó là những thành tựu lớn trong những cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ những người làm nghề điện Việt Nam.

Tập trung trí lực và tâm huyết cho tương lai

Trong những năm tới, nhiệm vụ của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam được định hướng làm nòng cốt để thực hiện thành công các mục tiêu theo Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2006-2015, có xét triển vọng đến năm 2025. Theo đó, để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế, nhu cầu vốn đầu tư của ngành Ðiện bình quân mỗi năm lên tới khoảng 4 tỷ USD để đến năm 2015 có thêm 15.000 MW công suất nguồn và hệ thống lưới điện tương ứng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng và phát triển dịch vụ trong các lĩnh vực viễn thông, cơ khí điện lực, nâng cao năng lực tư vấn về thiết kế, giám sát xây dựng các nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp đến cấp điện áp 500 kV; phấn đấu bảo đảm năng lực tài chính vững chắc cho sự phát triển của Tập đoàn.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, EVN đang đứng trước nhiều vận hội và thách thức đan xen. Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, bên cạnh đó là khủng hoảng thiếu năng lượng đang tiềm ẩn. Xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi cần có sự tập trung trí lực và tâm huyết của toàn thể CBCNV Tập đoàn, nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng để vượt qua thách thức. Ðó chính là cơ hội, và đó cũng là động lực để phát triển bền vững ngành Ðiện Việt Nam.

Theo TCĐL số 1/2009