Sự kiện

Công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất thiết bị điện vừa thiếu, vừa yếu

Thứ ba, 3/3/2009 | 10:09 GMT+7

Trong những năm qua, cùng với bước phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực điện năng, ngành sản xuất thiết bị điện (TBÐ) Việt Nam đã có những phát triển nhất định. Nhiều sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng không ngừng thâm nhập thị trường nội địa và hướng ra xuất khẩu. Các sản phẩm của ngành TBÐ đã đóng góp tích cực vào công cuộc điện khí hóa đất nước, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.

Sản phẩm thiết bị điện của Trung Quốc luôn được hỗ trợ bởi một nền công nghiệp phụ trợ phát triển
Ngoài việc làm chủ thiết kế, chế tạo phần lớn các TBÐ lưới phân phối cấp điện áp đến 35 kV, thiết bị sử dụng điện đến 6 kV, các doanh nghiệp TBÐ Việt Nam đã bước đầu thành công trong thiết kế và chế tạo máy biến thế 110 kV, 220 kV, sửa chữa máy biến thế 500 kV…Các sản phẩm dây và cáp điện trung thế, vật tư đường dây điện áp dưới 500 kV đã và đang tích cực thâm nhập thị trường nội địa. Ðáp ứng nhu cầu phát triển của ngành TBÐ, lực lượng tham gia sản xuất ngày càng tăng và đa dạng với nhiều thành phần kinh tế (quốc doanh, đầu tư nước ngoài, tư nhân). Các doanh nghiệp thiết bị điện có tên tuổi trên thị trường TBÐ Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu như: Công ty cổ phần Sản xuất Thiết bị điện Ðông Anh, Tập đoàn Việt Á, Liên doanh sản xuất máy biến thế ABB, Dây và cáp điện CADIVI, THIBIDI, LiOA… Với tốc độ và quy mô của thị trường TBÐ Việt Nam, cũng như đòi hỏi của tiến trình công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang cần một ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất thiết bị điện đủ mạnh.

Thực tế cho thấy, ngành sản xuất TBÐ sử dụng đến 70 – 80% nguyên liệu kim loại. Nguyên vật liệu chính bao gồm các kim loại màu như: Ðồng, nhôm, kẽm, thép kỹ thuật (tôn silic, tôn đen, đồng thanh, phôi đồng tấm, phôi nhôm tấm, gang), dầu cách điện, giấy cách điện, hạt nhựa các loại và một số vật liệu đặc biệt khác. Tuy nhiên, do ngành luyện kim trong nước chưa phát triển, nên hầu hết các nguyên liệu chủ chốt dùng trong sản xuất, chế tạo thiết bị đều phải nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một số nguyên vật liệu không đòi hỏi chất lượng cao.

Một số linh phụ kiện phụ trợ cho sản phẩm như điều chỉnh điện áp cho máy biến thế, các thiết bị đóng ngắt, thiết bị đổi nối tiếp điểm… các doanh nghiệp sản xuất phải đặt hàng từ nước ngoài (theo phản ánh từ các doanh nghiệp, tỷ lệ nhập khẩu các vật liệu, vật tư này là trên 90%). Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất TBÐ hiện nay, nhất là trong bối cảnh giá nguyên vật liêu trong thời gian qua thường xuyên biến động, rất khó dự báo. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã bị động trong lập kế hoạch, định giá khi ký kết hợp đồng hay đấu thầu cung cấp thiết bị công trình.

Không chỉ phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu, tại Việt Nam hiện cũng chưa hình thành nên một hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, cung cấp các công nghệ hỗ trợ ngành sản xuất thiết bị điện. Mặc dù, một số doanh nghiệp đã có hướng chuyển các công đoạn gia công các chi tiết linh phụ kiện đơn giản, thông dụng ra các cơ sở bên ngoài, tuy nhiên, phạm vi còn hẹp với quy mô nhỏ. Ðối với các doanh nghiệp sản xuất máy biến áp, đa phần vẫn tự thực hiện các công đoạn gia công cơ khí, từ khâu pha, cắt nguyên liệu, dựng thân vỏ, xếp lõi tôn đến quấn, lồng bối dây. Các phần gia công cơ khí đối với thân và vỏ máy đã được một số doanh nghiệp thuê đơn vị khác gia công, tuy nhiên do khối lượng lớn và kích thước cồng kềnh, nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn tự sản xuất là chính. Với các doanh nghiệp sản xuất động cơ, cũng diễn ra tình trạng tự đầu tư, tự sản xuất từ khâu đúc vỏ, bệ, thân, gia công trục, quấn dây, pha, cắt, xếp lá tôn cho đến khâu thành phẩm cuối cùng là sơn vỏ, đóng gói.

Ðối với lĩnh vực sản xuất dây cáp điện thì có phần chuyên môn hóa hơn. Thay vì việc phải tự đầu tư lò nấu kim loại từ nguyên liệu thô nhập khẩu, các doanh nghiệp đã từng bước nhập các sản phẩm dây kim loại từ các cơ sở cán kéo trong nước cung cấp và tự gia công theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Việc sản xuất một số sản phẩm khác như quạt điện, máy bơm… cũng đã có sự chuyên môn hóa.

Nguyên nhân của tình trạng công nghiệp phụ trợ cho sản xuất TBÐ tại Việt Nam không thực sự phát triển là do hầu hết các doanh nghiệp ngay từ khi ra đời và đi vào sản xuất đã đầu tư riêng một hệ thống các công đoạn sản xuất khép kín, từ lao động giản đơn đến thực hiện các chi tiết phức tạp đòi hỏi trình độ cao. Ðiều này vô hình chung không khuyến khích công nghiệp phụ trợ, gia công phát triển. Mặt khác, việc đầu tư trọng điểm vào sản xuất các chi tiết, linh kiện mà ngành sản xuất TBÐ có nhu cầu cao chưa được chú trọng, sự phối hợp và gắn kết sản xuất nhằm tận dụng máy móc và lợi thế sản xuất giữa các doanh nghiệp cùng ngành chưa có hoặc ở mức độ thấp.

Công nghiệp phụ trợ đối với lĩnh vực công nghiệp nào cũng quan trọng, đặc biệt với các sản phẩm thiết bị điện yêu cầu độ an toàn và chính xác cao thì công nghiệp phụ trợ càng cần đầu tư phát triển. Ðã đến lúc các doanh nghiệp TBÐ cần nhìn nhận rõ hơn về vai trò của công nghiệp phụ trợ, từ đó tập trung liên kết, dựa trên thế mạnh về sản phẩm, công nghệ của mình để tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Ðó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng một ngành thiết bị điện Việt Nam phát triển hiện đại, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị điện.

Phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt

Xoay quanh vấn đề làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển các sản phẩm công nghệ thiết bị điện tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng của đất nước, Tạp chí Ðiện lực đã thu thập ý kiến của đại diện hiệp hội, và một số doanh nghiệp thiết bị điện Việt Nam: 

* Ông Hoàng Thái An - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam:

Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, rào cản thuế quan và phi thuế quan dần được cởi bỏ, các doanh nghiệp thiết bị điện (TBÐ) Việt Nam dù muốn hay không cũng sẽ phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài vốn mạnh hơn ta về nhiều mặt. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhu cầu điện năng được dự báo khoảng 17%/ năm (hiện các doanh nghiệp TBÐ Việt Nam cũng mới đáp ứng khoảng 30-40% tổng nhu cầu của thị trường thiết bị điện hàng năm), cơ hội cho các doanh nghiệp thiết bị diện trong nước vẫn còn. Ðiều quan trọng là các doanh nghiệp cần sớm đổi mới công nghệ và cách thức thâm nhập thị trường, tích cực hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài để tận dụng lợi thế về công nghệ và kỹ năng quản lý của họ. Ðể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất TBÐ, Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam là cơ quan đầu mối về cung cấp thông tin, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để giúp các các doanh nghiệp co cơ hội giao thương. Hiệp hội cũng thường xuyên tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp thành viên để đề xuất đến các cơ quan quản lý nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp.

* Ông Bùi Xuân Hồi - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ðầu tư và Thương mại Việt Á

Thời gian qua với chủ trương “đi bằng nhiều chân”, Việt Á đã phát triển song song các chủng loại sản phẩm (cao cấp và trung bình) nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của nền kinh tế, đòi hỏi các sản phẩm thiết bị điện phải có chất lượng, độ an toàn ngày càng cao, chính vì vậy Việt Á đã chọn hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Nhưng vấn đề vướng nhất hiện nay là để có thể áp dụng hiệu quả dây truyền sản xuất hiện đại thì phải thay thế dây truyền cũ. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì vốn đầu tư, mở rộng thị trường rất khó khăn, do đó việc hiện đại hóa toàn bộ hệ thống dây truyền sản xuất là không thể thực hiện ngay được. Trong thời gian tới Việt Á sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư để có được ngày càng nhiều các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đây cũng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Ðể doanh nghiệp thiết bị điện có điều kiện phát triển, Chính phủ cần  tạo ra một sân chơi chung bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

* Ông Thanh Hùng Sinh – Giám đốc Công ty TNHH NNC

Ðể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, công tác đo lường giám định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Việt Nam cần phải đổi mới cho phù hợp với tình hình hiện nay. Thời gian kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm thường bị kéo dài khiến doanh nghiệp không chủ động được trong thực hiện hợp đồng thầu. Ðể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần hỗ trợ để các tổ chức đầu tư trang thiết bị đảm bảo công tác đo lường đánh giá một cách hiệu quả; khuyến khích một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư các phòng đo lường, phân tích độc lập  trong nước để đáp ứng tiến độ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần rà soát, công bố và thống nhất việc áp dụng tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm, tên các đơn vị tổ chức, đo lường được công nhận.

Theo Tạp chí Điện lực