Sự kiện

Hà Nội – Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn gia tăng: Cần có giải pháp quyết liệt hơn

Thứ sáu, 27/2/2009 | 10:16 GMT+7
Tính đến 25/11/2008, số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) trên địa bàn thành phố Hà Nội là 3.101 vụ, trong đó số vụ vi phạm phát sinh trong năm được phát hiện là 1.126 vụ. Đây là thông tin chính thức được Thường trực Ban chỉ đạo xử lý vi phạm hàng lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thành phố Hà Nội công bố vào trung tuần tháng 12 vừa qua.
Hiện nay, hệ thống lưới điện trung áp của Hà Nội có  6.000 trạm biến áp, hơn 6.000 km đường dây; lưới 110 kV có 30 trạm biến áp, trên 600 km đường dây; hàng trăm km đường dây và trạm biếp áp cấp điện áp 220, 500 kV…

Hà Nội mở rộng, vi phạm gia tăng

Vi phạm hành lang lưới điện cao áp 220 kV tại khu vực huyện Thanh Trì - Hà Nội
Theo Ban chỉ đạo xử lý vi phạm HLATLÐCA thành phố Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố, quy mô lưới điện trên địa bàn đã tăng lên với nhiều cấp điện áp từ 6 kV, 22, 35, 110, 220 đến 500 kV. Ðiều này đã làm cho công tác bảo vệ và xử lý vi phạm HLATLÐCA càng thêm nặng nề, khó khăn hơn. Tại thời điểm chưa mở rộng, toàn thành phố chỉ còn 853 vụ vi phạm và hết tháng 10/2008 đã xử lý được 112 vụ. Sau khi sát nhập thêm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, số vụ vi phạm mới được phát hiện thêm là 1.126 vụ, nâng tổng số vụ vi phạm HLATLÐCA trên toàn thành phố lên 3.101 vụ. Ðiển hình là Ðiện lực Long Biên, trong năm đã tăng thêm 439 trên tổng số 569 vụ; Xí nghiệp quản lý lưới điện 110 kV tăng 159/295 vụ; Ðiện lực Ðống Ða tăng 140/217 vụ, Thạch Thất tăng 26/201 vụ; Hà Ðông tăng 70/171 vụ…

Ðược biết, việc để phát sinh nhiều vi phạm trong năm là do trước đây, một số đơn vị chưa báo cáo đúng số liệu vi phạm thực tế, chưa thường xuyên kiểm tra hàng lang đường dây, nên khi các trường hợp vi phạm được phát hiện thì hầu hết các công trình kiến trúc, nhà cửa đều đã xây dựng xong, do đó công tác giải quyết, xử lý vi phạm rất khó khăn và phức tạp. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại Thủ đô, cộng với việc một số quận, huyện địa phương do buông lỏng việc kiểm tra, xử lý (như quận Long Biên, Hoàng Mai, Ðống Ða, huyện Thường Tín, Thạch Thất)… cũng gây khó khăn trong việc giải quyết triệt để các vi phạm của Ban chỉ đạo xử lý vi phạm HLATLÐCA Thành phố.

Cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt

Thực tế năm 2008, thành phố Hà Nội đã không hoàn thành mục tiêu bảo vệ HLATLÐCA, để phát sinh thêm nhiều trường hợp vi phạm mới. Do đó, để hoàn thành mục tiêu giảm 20% số điểm vi phạm trong năm 2009, không để phát sinh thêm trường hợp vi phạm mới, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn, theo Công ty Ðiện lực Hà Nội, một trong những giải pháp quan trọng và cấp bách hiện nay là sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương. Thực hiện kết hợp nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến triệt để xử lý vi phạm thì lưới điện Thủ đô mới có thể giảm thiểu được các vụ vi phạm, đảm bảo an toàn.

Trước hết, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, giúp người dân có thêm kiến thức, hiểu biết về mức độ nguy hiểm của việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, từ đó nâng cao ý thức tự giác hơn trong việc chấp hành Luật Ðiện lực. Ðồng thời, Ban chỉ đạo xử lý vi phạm HLATLÐCA Thành phố sẽ triển khai tổ chức tập huấn công tác xử lý vi phạm HLATLÐCA cho cán bộ các quận, huyện, thị xã. Trường hợp cần thiết, Ban chỉ đạo đề nghị Thành phố bổ sung cán bộ chuyên trách theo dõi ngành Ðiện tại các phòng Kinh tế hoặc Quản lý điện ở mỗi địa phương.

Mặt khác, các điện lực, chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra đường dây, nhằm phát hiện kịp thời, xử lý triệt để, kiên quyết các trường hợp vi phạm. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm mới, các cấp các ngành phải phối hợp xử phạt hành chính, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ ngay công trình. Trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm, cơ quan chức năng cần kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện hành. Về phía Công ty Ðiện lực Hà Nội, cần bố trí thêm nguồn vốn đầu tư, tiếp tục triển khai cải tạo, nâng cấp lưới điện, đảm bảo lưới điện trên địa bàn Thủ đô vận hành an toàn, kinh tế.

Theo TCĐL số 1/2009