Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không được để xảy ra tình trạng thiếu điện kéo dài

Thứ tư, 25/2/2009 | 08:24 GMT+7
Năm 2009, những biến động phức tạp và khó lường của nền kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp do thiếu việc đã phải tạm ngừng sản xuất, vì vậy, sản lượng điện tiêu thụ điện tháng 1chỉ đạt  5,66 tỷ kWh, sản lượng tiêu thụ điện tính trung bình từ 1-1 đến nay tăng 2%. Trước tình hình này, ngành Điện đã giảm được sức ép về thiếu điện. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước với việc sẽ tiếp nhận và đầu tư toàn bộ lưới điện hạ thế khu vực nông thôn khi triển khai giá điện mới và nhiều dự án nguồn điện thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI) đang bị chậm tiến độ hoặc chưa có chủ đầu tư.

Chiều 24-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng và đại diện các Bộ ngành đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch sản xuất kinh doanh 2009, có tính tới 2010 và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương lớn của Nhà nước cũng như các dự án trọng điểm quốc gia.

Vốn là vấn đề mấu chốt

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang xây dựng 29 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.820MW. EVN cho biết, về cơ bản các dự án điện trên đầu bám sát tiến độ đề ra. Trong 3 năm (2006-2008), đã đưa vào vận hành gần 2.200MW công suất nguồn mới. Theo tiến độ, năm 2009, sẽ đưa vào vận hành 9 nhà máy điện, tổng công suất 2.696MW.

Cũng trong thời gian trên, EVN đã đóng điện vận hành hàng loạt công trình lưới điện 110kV-500kV đồng bộ với việc hoàn thành đưa vào vận hành các nhà máy điện  với tổng chiều dài đường dây là 2.835km và tổng dung lượng trạm là 10.024MVA. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2006-2008 là 96.319 tỷ đồng. Huy động trên 30 Tập đoàn, Tổng công ty tham gia xây dựng các công trình. Đây là giai đoạn được đánh giá là có qui mô đầu tư được thực hiện lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, từ nay đến 2015, EVN còn phải thực hiện đầu tư khối lượng rất lớn. Theo đó, về nguồn điện, hoàn thành và đưa vào vận hành 41 dự án với tổng công suất 21.122MW; đồng thời, hoàn thành đóng điện  3.100km đường dây 500kV, 7.721km đường dây 220kV và 11.782km đường dây 110kV. Nhu cầu đầu tư và trả nợ của EVN giai đoạn 2009-2015 (trong đó có một số hạng mục công trình gối đầu cho giai đoạn 2016-2017-2018) ước khoảng 647.038 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ gốc và lãi là 155.912 tỷ đồng.

Theo tính toán hiện nay của EVN, Tập đoàn có khả năng cân đối được 264.108 tỷ đồng, gồm: vốn tự có 168.700 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp 835 tỷ đồng và vốn vay 94.572 tỷ đồng.

Như vậy, để thực hiện các dự án đã được phê duyệt, EVN còn thiếu 382.931 tỷ đồng, gồm: vốn đối ứng  110.046 tỷ đồng; vốn vay 272.884 tỷ đồng. Chỉ riêng đối với Tổng công ty Truyền tải Quốc gia (NPT), nhu cầu đầu tư giai đoạn 2009-2015 là 167.298 tỷ đồng, nhưng vốn khấu hao cơ bản chỉ có 32.980 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay là 51.761 tỷ đồng, vốn vay thu xếp được 9.838 tỷ đồng, còn thiếu 82.592 tỷ đồng.

Trước mắt, có 3 dự án nguồn đang thi công dở dang do chưa thu xếp được vốn là nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, thuỷ điện Huội Quảng và thuỷ điện Bản Chát.

Nhiều dự án nguồn chậm tiến độ

Thực hiện Quy hoạch điện VI, EVN đã đưa vào vận hành 29 nhà máy điện, tổng công suẩt 10.595MW, đạt 46,1% so với kế hoạch đã được phê duyệt. EVN cho biết, 19 dự án còn lại, Tập đoàn sẽ triển kahi xây dựng: năm 2009 khởi công 4 dự án (tổng công suất 3.800MW); năm 2010 khở công 4 dự án (tổng công suất 2.116MW); số còn lại sẽ khởi công từ năm 2010 trở đi.

Cũng theo Quy hoạch điện VI, giai đoạn 2006-2015, các đơn vị ngoài EVN đầu tư 54 công trình với tổng công suất 36.715MW, chiếm 61,7% tổng công suất nguồn điện mới cần xây dựng. Hiện mới đưa vào vận hành được 2.069MW, đạt 5,6% so với kế hoạch. Còn phải xây dựng mới 34.656MW, trong đó, 23 dự án đang xây dựng  với tổng công suất 4.056MW (chiếm 11% kế hoạch); 16 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 15.325MW (chiếm 41,7% kế hoạch), còn 9 dự án chưa có chủ đầu tư có tổng công suất 15.275MW (chiếm 41,6% kế hoạch).

Theo đánh giá của EVN, trong số các dự án do các chủ đầu tư ngoài EVN thực hiện, chỉ có một số dự án có vào vận hành theo kế hoạch, đó là: nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (750MMW) và các dự án thuỷ điện: Nậm Chiến 1, Nho Quế, Srepok 4, Đăk Mi 4, Sekamam 3 (Lào)…(tổng công suất gần 2.000MW). Các dự án còn lại chủ yếu là nhiệt điện than có qui mô lớn, nhưng quá trình chuẩn bị đầu tư mới bẳt đầu, vì vậy tiến độ rất khó xác định vì những nguyên nhân sau: Theo Qui hoạch điện VI, tổng công suất nguồn điện chạy than trên 43.660MW, đưa nhu cầu than năm 2015 lên khoảng 78 triệu tấn/năm. Như vậy, sẽ phải nhập than từ năm 2012. Trong khi đó, kế hoạch nhập than chưa rõ rang về số lượng, chủng loại, giá và nhiệt trị than để làm cơ cở lập và thiết kế dự án. Đây chính là nguy cơ làm chậm tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, khả năng tài chính của các doanh nghiệp được giao thực hiện dự án chưa rõ rang. Hầu hết các dự án đều có tổng mức đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên, nên rất khó thu xếp vốn (nhất là đối với nhà đầu tư trong nước). Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tác động của khủng hoảng tài chính thế giới có thế làm Chủ đầu tư chậm triển khai dự án.

Đón đầu khôi phục kinh tế

Năm 2010, dự báo nền klinh tế thế giới có khả năng ra khỏi cuộc khủng hoảng, theo đó, khả năng kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng trở lại với tốc độ cao hơn. Vì vậy, EVN đã xác  định cần chuẩn bọ sằn sàng để đáp ứng nhu cầu điện sẽ tăng nhanh hơn của nền kinh tế, với những định hướng chủ yếu như: Đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng 14-15%, trong đó, điện thương phẩm đạt từ 85,13kWh-86 tỷ kWh; đảm bảo thu xếp đủ vốn và tập trung đầu tư để đưa khoảng 2.300MW nguồn điện mới và lưới điện đồng bộ vào vận hành; hoàn thành tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng với khoảng 1.500 xã.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của tập thể EVN trong giai đoạn khó khăn về nguồn điện vừa qua đã nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, giảm tới mức thấp nhất những ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế do thiếu điện. Thủ tướng nhấn mạnh, với vai trò là đơn vị chủ lực được Nhà nước giao nhiệm vụ là cung ứng đủ điện cho đất nước, bằng mọi cách, EVN không được để tình trạng thiếu điện xảy ra kéo dài. Để làm được điều đó, nhiệm vụ cần làm ngay đó là EVN và các Bộ chức năng cần rà soát kỹ lại Quy hoạch điện VI. Sau gần ba năm thực hiện, nhiều dự án nằm trong quy hoạch điện VI chậm tiến độ, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế từ nay đến  năm 2015. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương cần sát sao hơn nữa trong việc chỉ đạo EVN và các cơ quan chức năng trong tiến độ thi công các công trình nguồn điện, nhất là các công trình nằm trong danh mục dự án cấp bách. Cần tách bạch, cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị khi đảm nhận các dự án trong quy hoạch để quy trách nhiệm.Trong khi rà soát lại Quy hoạch điện VI, EVN cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn phương án tăng trưởng phụ tải, không để xảy ra tình trạng tính toán sai dẫn tới thiếu điện.

Bên cạnh việc bảo đảm tiến độ nguồn, Thủ tướng chỉ đạo EVN cần tập trung đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực điện nông thôn, để người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia với chất lượng tốt, giá điện đúng với chính sách ưu đãi của Chính phủ. EVN cũng cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để ngày càng chủ động về chất xám khi tiếp cận với công nghệ tiên tiến, đây cũng là cách tiết kiệm hiệu quả khhi không phải đi thuê các chuyên gia nước ngoài về điều hành thiết bị như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ  Công thương, Kế hoạch - đầu tư, tài Chính, Tài nguyên- Môi trường , Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại cần phối hợp chặt chẽ với EVN trong việc bảo đảm vốn, các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để EVN thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, đủ điện để thực hiện định hướng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước phát triển công nghiệp./.

Thanh Mai