“Chợ” mua bán điện

Thứ tư, 28/10/2009 | 09:58 GMT+7

Điện là mặt hàng đặc thù, sản xuất, tiêu thụ cùng một lúc. Lâu nay chúng ta hiểu hôm na như vậy. Bây giờ cơ chế thị trường, điện đã được đưa lên thành món hàng để mọi người có thể mặc cả “thuận mua, vừa bán” và hình thành cả một cái “chợ” để tiện giao dịch. Tuy là “chợ”, nhưng ở đây chỉ có một mặt hàng duy nhất được “trưng bày” đó là... điện. Ban quản lý chợ toàn là Tiến sỹ, Thạc sỹ, Kỹ sư... com-lê, thắt ca-la-vát cả ngày để giao dịch, mua bán, mặc cả giá. Các nữ nhân viên bán hàng xinh đẹp trong các bộ áo váy văn phòng đi lại “hút hồn” các “thượng đế” khi đến “chợ”. Hiện “chợ” hoạt động ở tầng 9, tòa nhà Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội với tên giao dịch là: Công ty Mua, bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nhiệm vụ của “chợ”
 
Giám đốc Ban quản lý “chợ” Thạc sỹ Nguyễn Đình Doãn, quê  ở “Quang Bình”. Thoát  ly đã lâu nhưng ông Doãn vẫn giữ được chất giọng quê hương, ấm áp dễ gần. Ông cho biết “chợ” đi vào hoạt động từ tháng 3/2008 với các nhiệm vụ: Đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với các đơn vị phát, kinh doanh điện, quyết toán điện năng bán cho các Công ty Điện lực, Xuất nhập khẩu điện năng ở cấp điện áp 220KV. Quản lý hệ thống đo đếm phục vụ mua bán điện. Tham gia thiết kế, xây dựng các quy định thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường thí điểm nội bộ EVN. Tóm lại, “chợ” có mua vào, bán ra, quản lý cái cân “Công tơ đo đếm” thật chính xác. Lúc thời tiết thuận lợi hàng hóa dồi dào thì phải lo xuất khẩu. Lúc “trái nắng, trở trời” thì phải biết nhập khẩu cho kịp thời phục vụ nhu cầu trong nước. Để “chợ” hoạt động tốt, lãnh đạo đều là các đồng chí có trình độ, kinh nghiệm quản lý từ các Ban của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc quy tụ về.

Công ty đã từng bước kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm việc tại 6 phòng là Tổ chức hành chính, Kế hoạch, Giao dịch thị trường, Tài chính – Kế toán, Kinh doanh điện, Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin.

“Chợ” họp hàng ngày

Theo Quy định thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm do Bộ Công Thương ban hành thì Công ty của ông Doãn được giao nhiệm vụ chào giá thay cho các đơn vị BOT/IPP và các Nhà máy điện của Tập đoàn không có điều kiện trực tiếp đến “chợ”. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Công ty đã phải triển khai các công việc, xây dựng bản chào giá thay cho các nhà máy mới vào vận hành. Dự kiến Công ty sẽ phải chào giá thay cho 26 nhà máy với số lượng tổ máy chào giá thay là 8.588 MW chiếm 60% tổng công suất, khả dụng toàn hệ thống. Như vậy, nhân viên “chợ” liên tục phải kiểm tra, cập nhật các dữ liệu cần thiết như các thông số kinh tế, kỹ thuật của các tổ máy để ràng buộc hợp đồng, phục vụ công tác chào giá thay. Phối hợp với EVNIT sửa đổi phần mềm chào giá thay thiết kế thị trường điện giờ tới và phối hợp với EVNIT xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu từ hệ thống SADA, theo quy định thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, “chợ” được giao nhiệm vụ lập biểu đồ mua điện từ 11 đơn vị tham gia “chợ” với tổng công suất khả dụng 5.926 MW chiếm tới 41% tổng công suất khả dụng của toàn hệ thống. Phòng đón tiếp và làm việc với khách hàng được trang bị hệ thống máy tính, mạng liên kết với các đơn vị sản xuất và kinh doanh điện trong và ngoài Tập đoàn. Hệ thống này cơ bản đã đáp ứng được các công việc liên quan đến thị trường như giám sát thông tin vận hành hệ thống điện, chào giá thay cho các nhà máy trong tập đoàn, lập kế hoạch mua bán điện ngắn, dài hạn... Những thông tin này được cập nhật liên tục trong ngày, là điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể tham khảo trước khi tiến hành “mặc cả” giá bán, mua với Công ty.

Không chỉ có vậy

Là cơ quan duy nhất trong thị trường phát điện cạnh tranh, Công ty của ông Doãn còn là thành viên chính thức của các tổ công tác do Bộ Công Thương, EVN thành lập để xây dựng các đề án về tái cơ cấu ngành điện, nhóm các đơn vị phát điện, thiết kế thị trường điện cạnh tranh và thị trường điện thí điểm trong nội bộ Tập đoàn. Tham gia góp ý xây dựng các quy định về lưới điện, phương pháp tính giá phát điện và hợp đồng mẫu. Công ty còn có bộ phận chuyên theo dõi tình hình sản xuất điện và nhu cầu phụ tải tại các miền; phân tích đánh giá xu hướng phát triển của phụ tải, để xây dựng kế hoạch cân bằng cung, cầu ngắn và dài hạn. Thế là “chợ” mua, bán điện phải cập nhật cả tình hình sửa chữa các nguồn điện hàng tuần, tháng. Tham gia góp ý kiến với Trung tâm Điều độ HTĐ quốc gia trong việc lập lịch sửa chữa trung, đại tu các nguồn điện. Ông Doãn cho biết, 9 tháng đầu năm 2009, kết quả hoạt động của “chợ” cũng rất khả quan. Công ty đã thực hiện tốt đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện các dự án nhà máy có công suất trên 30MW và nhập khẩu điện do Tập đoàn giao. Hiện đã đàm phán với 29 đối tác, tổng công suất đàm phán là 8.173 MW. Trong đó có 3 nhà máy nhiệt điện Than, 2 nhà máy nhiệt điện BOT, 20 dự án thủy điện, 1 dự án thủy điện BOT, 2 dự án tua-bin khí. Ngoài ra “chợ” cũng đã dự thảo và trình EVN Hợp đồng Dịch vụ Truyền tải điện. Những khó khăn trong quá trình đàm phán các nhân viên Công ty cho biết, đa số các dự án được triển khai xây dựng khi chưa thỏa thuận giá điện với EVN nên nhiều dự án có chi phí đầu tư cao, công trình có nhiều hạng mục không cần thiết. Chủ đầu tư tự phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án mà không có cơ chế kiểm soát, dẫn đến giá điện các chủ đầu tư đề nghị thường rất cao. Do vậy quá trình “mặc cả” thường kéo dài phức tạp.

“Chợ” trong tương lai

Ông Doãn “vẽ” hình ảnh tương lai của Công ty, theo các nước có công nghiệp phát triển thì sẽ đến lúc “chợ” của ông sẽ đưa ra thị trường đủ loại “sim” với “cạc”. Sáng ra khách hàng mở mạng thấy chỉ số bán điện của đơn vị nào thấp thì cứ đút thẻ của đơn vị ấy vào mà dùng. Hết tiền trong thẻ thì điện tự động ngắt, chạy ra các đại lý nạp tiền về, dùng tiếp. Như vậy là khách hàng phải trả tiền trước, nhưng được quyền lựa chọn người bán hàng, chất lượng phục vụ chu đáo, giá thành rẻ thì mua. Chuyện của ông Doãn kể chắc còn xa mới thành hiện thực ở nước ta nhưng với chất giọng ấm, chân thành của ông, cảm giác hiện thực trên được “kéo gần lại” chỉ nay mai thôi.

Theo: Bản tin CĐ T10/09