Trở ngại đối với thị trường điện cạnh tranh

Thứ sáu, 24/7/2009 | 10:32 GMT+7

Thị trường điện cạnh tranh đang gặp nhiều bất cập từ thực tế

Việc xây dựng các quy định pháp lý để vận hành thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh đang đi vào giai đoạn cuối (theo kế hoạch sẽ được Bộ Công thương và Cục Điều tiết Điện lực ban hành trong tháng 11 tới). Tuy nhiên, có không ít vấn đề kỹ thuật vẫn chưa được làm rõ để có thể vận hành thị trường này một cách thông suốt. 

Mặc dù đề xuất của tư vấn về xây dựng các quy định pháp lý cho thị trường điện về việc "các nhà máy thuỷ điện bậc thang bắt buộc phải chào giá theo nhóm thông qua việc cử một đơn vị chào giá thay cho cả nhóm" đã được áp dụng ở nhiều nước khác nhưng với thực tế Việt Nam, điều này là không khả thi. Nguyên do chính là các nhà máy thuỷ điện bậc thang hiện nay, dù nằm trên cùng một dòng sông, nhưng lại thuộc sở hữu của các chủ đầu tư khác nhau.

Đơn cử như sông Sê San có các nhà máy thuỷ điện bậc thang theo thứ tự gồm Pleikrong, Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A do ba chủ đầu tư khác nhau là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TCT Sông Đà (Sê San 3A) và CTCP thuỷ điện Sê San của tư nhân (Sê San 4A) quản lý. Hay trên Sông Bé có ba nhà máy thuỷ điện bậc thang, theo thứ tự là Thác Mơ của EVN, Cần Đơn (TCT Sông Đà nắm cổ phần chi phối), Srok Phu Miêng (do TCT Idico nắm cổ phần chi phối).

Thực tế này đã khiến cho các chủ đầu tư khác nhau của những nhà máy thuỷ điện trên cùng một bậc thang khó có thể ngồi lại với nhau để chào giá thay cho cả nhóm vì không chung lợi ích. Ông Trần Đăng Khoa, Phó trưởng ban Ban Thị trường điện thuộc EVN cho hay, khi chưa vận hành thị trường điện thì lợi ích của các chủ đầu tư các nhà máy điện khác nhau trên cùng một dòng sông không thực sự đối lập nên vẫn có thể trao đổi thông tin từ nguồn này, nguồn khác.

Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, thì các nhà máy này lại trở thành những đối thủ trực tiếp của nhau nên sẽ rất bí mật về thông tin để đạt được lợi ích cao nhất. Chính điều này có thể sẽ gây ra lãng phí tài nguyên nước vì nhà máy bậc thang dưới không biết lúc nào nhà máy trên phát điện xả nước để tích nước phục vụ sản xuất điện.

Đơn cử như trường hợp của Nhà máy Sê San 3A có hồ chứa nước với dung lượng đủ giữ lượng nước được nhà máy trên xả ra trong 3 tiếng. Nếu nhà máy trên xả nhiều nước hơn thời gian này, mà Sê San 3A lại không phát điện để tận dụng thì lại phải xả nước đi.

Các nhà máy trên sông Bé cũng trong tình trạng tương tự. Tuy trên cùng một dòng sông, nhưng giá mua điện của các nhà máy điện này lại rất khác nhau vì đầu tư tại những thời điểm khác nhau và trình độ quản lý khác nhau. Nếu như giá bán theo hợp đồng của Nhà máy Thác Mơ chỉ là 452 đồng/kWh (bởi đã đầu tư lâu) thì Nhà máy Cần Đơn lại vào khoảng 4,5UScents (tương đương với 760 đồng/kWh).

Nhưng nhà máy Srok Phu Miêng dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm lại chỉ có giá 603 đồng/kWh. Như vậy, khi SMO quyết định mua điện từ Nhà máy Srok Phu Miêng trước Nhà máy Cần Đơn vì giá hấp dẫn hơn thì có thể sẽ vấp phải thực tế là Nhà máy Srok Phu Miêng không thể phát được điện vì không có nước do hồ chứa của nhà máy này có dung lượng thấp, phụ thuộc vào việc phát điện của Nhà máy Cần Đơn ở bậc thang trên.

Ông Nguyễn Văn Dinh, Tổng giám đốc của CTCP thuỷ điện Srok Phu Miêng Idico cho hay, hồ thuỷ điện của Srok Phu Miêng vận hành theo ngày (tức là dung lượng chứa nhỏ) nên nếu không phát được điện thì nước từ nhà máy trên xả ra cũng phải xả đi, chứ không giữ lại để phát điện vào lúc khác được. "Việc chào giá chung là rất lý tưởng nhưng khó thực hiện vì mục tiêu của các công ty khác nhau. Chúng tôi không thể yêu cầu các nhà máy phía trên phát điện để có nước cho mình phát điện hay không, vì nếu Nhà máy Cần Đơn đã đủ sản lượng hay nhà máy Thác Mơ đầu nguồn vào tầm tháng 10, tháng 11 đã hòm hòm kế hoạch thì họ lại muốn tích nước cho năm sau. Trong khi đó, Srok Phu Miêng nếu chưa đủ sản lượng, kết quả kinh doanh chưa đạt thì muốn phát điện cũng khó vì nước đâu mà phát?", ông Dinh nói.

Không kể các nhà máy đã và đang xây dựng trên cùng một dòng sông có chủ đầu tư khác nhau, mà tất cả các vị trí có thể xây dựng nhà máy điện trên các dòng sông, dòng suối còn lại đã được "đặt gạch, xếp hàng", cũng xảy ra tình trạng trên do nhiều chủ đầu tư khác nhau. Với thực tế khác nhau về quyền lợi này, xem ra phải có những giải pháp kỹ thuật rất rõ ràng và kiên quyết bởi nếu không, thị trường điện cạnh tranh sẽ không thể thực hiện được, thay vào đó là khiếu nại triền miên.

Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai gần, còn hiện tại, thị trường điện thí điểm trong nội bộ EVN đã dừng hoạt động từ tháng 7/2007 (sau khoảng 5 năm triển khai) vì lý do cơ bản nhất là tổng nguồn cung của cả hệ thống vẫn chưa dư dả so với cầu. Đó là chưa kể tổng nguồn cung này còn cách xa yêu cầu cần có 20% công suất dự phòng để tạo cạnh tranh trên thị trường.

Theo: Báo Đầu tư