Sẽ có “sàn giao dịch” giá điện

Thứ năm, 4/12/2008 | 10:07 GMT+7
Bộ Công thương đang hoàn thiện đề án trình Chính phủ về xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện. Theo đề án này, hàng loạt biện pháp mạnh sẽ được đưa ra: các nhà máy điện của EVN có thể sẽ được tách ra, gộp theo nhóm thành ba công ty và sẽ chỉ còn 5-7 công ty phân phối điện lực tại địa phương.
 

Theo đề án, các nhà máy điện có công suất > 30 MW phải tham gia chào giá trên thị trường. Trong ảnh: công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Srol Phu Miêng (Bình Phước) công suất 51MW - Ảnh: N.C.T.

Theo đề án mới nhất của Bộ Công thương, phương hướng của thị trường điện VN là công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia tất cả khâu phát, phân phối...

Chào giá theo chi phí

Theo Bộ Công thương, trên thế giới hiện đang tồn tại ba loại mô hình thị trường điện cơ bản, đó là: mô hình thị trường chào giá theo chi phí, mô hình thị trường chào giá toàn phần và mô hình thị trường hợp đồng song phương.

Một lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định: trên cơ sở đánh giá thực tế ngành điện tại VN, mô hình được lựa chọn kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện trong giai đoạn phát điện cạnh tranh tại VN là mô hình thị trường chào giá theo chi phí (CBP). Theo quan chức này, do có mốc xác định là chi phí, không xem xét yếu tố công suất, sức mạnh khi đàm phán nên mô hình CBP có nhiều ưu điểm như: không gây tăng giá điện đột biến, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư mới và đặc biệt hạn chế được khả năng lũng đoạn thị trường của các đơn vị phát điện lớn khi chưa tái cơ cấu triệt để ngành điện.

Thị trường phát điện cạnh tranh của VN theo mô hình CBP sẽ yêu cầu tất cả nhà máy điện có công suất ≥ 30MW phải tham gia chào giá trên thị trường, trừ các nhà máy điện BOT có hợp đồng bao tiêu nhiều năm. Mỗi loại nhà máy điện sẽ phải chào giá lên thị trường theo những quy tắc khác nhau với các mức giá trần và giá sàn khác nhau. Theo Bộ Công thương, giá trần đối với nhiệt điện được xác định theo chi phí cho từng nhóm công nghệ. Với thủy điện, giá trần được cao hơn 2% giá trần nhiệt điện. Giá sàn đối với thủy điện là 0đ/MWh, nhiệt điện 1đ/MWh...

Theo ông Tạ Mạnh Hường - vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, căn cứ vào quy định của Chính phủ, có thể Cục điều tiết điện lực sẽ là cơ quan xác định giá trần. “Trên thế giới, việc chào giá điện có khi được thực hiện 30 phút một lần. Khi thị trường điện VN vận hành trôi chảy, các nhà máy điện VN sẽ không phải cố đàm phán với EVN để bán được điện theo hợp đồng dài hạn nữa, mà có thể chào giá liên tục theo ngày trong khung trần và sàn đã được quy định” - ông Hường cho biết.

Khi đó giá điện sẽ được tối ưu hóa vì các doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh với nhau để được huy động cao nhất, và sàn giao dịch điện sẽ chẳng kém sôi động so với các “sàn” chứng khoán hiện nay.

Sẽ chia nhỏ EVN

Bước đầu tiên để thị trường phát điện cạnh tranh chính thức hoạt động hiệu quả, Bộ Công thương cho rằng điều kiện tiên quyết là phải tái cơ cấu ngành điện nhằm giảm thiểu khả năng lũng đoạn thị trường đẩy giá điện lên cao. 

Hiện tổng công suất các nhà máy điện thuộc EVN chiếm đến 71% toàn hệ thống, cơ cấu này về lý thuyết khó thể có cạnh tranh vì EVN hoàn toàn có thể thao túng thị trường, gây thiệt hại đến các công ty khác. Do vậy, quá trình cơ cấu, phương án mà Bộ Công thương đánh giá hiệu quả nhất là phân nhóm, tách các nhà máy điện của EVN thành ba công ty phát điện độc lập, để mỗi công ty chiếm không quá 25% tổng công suất. 

Tuy nhiên, theo phương án này, các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược như Hòa Bình, Ialy, Trị An, Sơn La... sẽ thuộc sở hữu nhà nước 100%. Song, các nhà máy này vẫn không thuộc EVN mà được nhóm lại thành Công ty Phát điện chiến lược do Bộ Công thương đại diện quản lý. Với các nhà máy điện đã cổ phần hóa, phần vốn sở hữu nhà nước đang do EVN quản lý sẽ được chuyển về Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo Bộ Công thương, hiện Công ty Mua bán điện như đơn vị mua duy nhất đã được thành lập nhưng bản chất EVN vẫn giữ vai trò này. Sắp tới, Công ty mua bán điện sẽ độc lập, mua “tận gốc” của tất cả công ty phát điện và bán “tận ngọn” lại cho các công ty phân phối điện.

Như vậy, nếu phương án của Bộ Công thương được Thủ tướng chấp thuận, EVN sẽ không còn to như hiện nay mà chỉ là một đơn vị phát điện bình thường, không còn quyền “sinh sát” quyết ai được mua điện, mua khi nào, mua hết hay chỉ mua lúc cao điểm... Điều khiến nhiều nhà đầu tư kêu ca nhất là EVN hiện đang bán điện lại là người mua điện, lúc thấp điểm có phát EVN cũng không mua sẽ không còn. “Viễn cảnh này là cuộc đổi đời cho chúng tôi và là cơ hội to lớn để thu hút đầu tư vào ngành điện” - lãnh đạo một công ty phát điện hiện đang phải bán điện cho EVN khẳng định.

Theo nguyên tắc trên, thị trường điện lực VN vẫn được định hướng phát triển theo ba cấp độ, trước tiên là hình thành thị trường phát điện cạnh tranh (2005 - 2014), sau đó là tạo thị trường bán buôn cạnh tranh (2015 - 2022), và cuối cùng sẽ đạt đến đích có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau 2024).

Sẽ chỉ còn 5 - 7 công ty phân phối điện

Hiện tại EVN vẫn đang nắm hai nhánh rất quyền lực là các công ty phân phối, trực tiếp bán lẻ cho các địa phương và các đơn vị điều độ, vận hành hệ thống điện. Theo đề án của Bộ Công thương, hiện có 11 công ty phân phối đều trực thuộc EVN (chỉ Công ty điện lực Khánh Hòa đã cổ phần hóa). Đề án của Bộ Công thương đề xuất giảm số công ty này, cho sáp nhập, chỉ để lại 5 - 7 công ty phân phối thay vì 11 như hiện nay.

Theo Tuổi trẻ