Chứng khoán phố Wall giảm điểm

Thứ năm, 28/5/2009 | 14:42 GMT+7

Ngày 27/5, sự biến động bất thường của thị trường trái phiếu đã khiến chứng khoán Mỹ giảm xấp xỉ 2%.

Thứ Tư, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 4/2009 ở nước này đã tăng 2,9%, lên mức 4,68 triệu đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ 4,55 triệu đơn vị trong tháng 3.

Trong khi đó, kiểm kê số nhà đã qua sử dụng thuộc diện đang giao bán trong tháng 4 đã tăng 8,8% lên 3,97 triệu đơn vị. Giá nhà trung bình đã giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 170.200 USD/đơn vị.
 
Đồng thời, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) vừa cho biết số ngân hàng, quỹ tiết kiệm đang “có vấn đề” ở Mỹ đã tăng lên 305 trong quý 1/2009, tăng 21% so với con số 252 của cùng kỳ năm ngoái.
 
FDIC cũng cho biết, số ngân hàng “có vấn đề” tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 chủ yếu là do thua lỗ từ hoạt động tín dụng, cho vay thế chấp có đảm bảo bởi bất động sản và thẻ tín dụng. Điều này khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC giảm xuống còn 13 tỷ USD tính đến hết quý 1/2009, từ mức 17,3 tỷ USD tính đến hết năm 2008.
 
Trong quý 1/2009, số ngân hàng thương mại, quỹ tiết kiệm thuộc diện “có vấn đề” có tổng tài sản đạt 220 tỷ USD. Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair cho biết số ngân hàng vỡ nợ tiếp tục sẽ gia tăng.
 
Được biết, trong 5 tháng đầu năm, số ngân hàng vỡ nợ ở Mỹ là 36 và dự báo sẽ tăng lên 100 tính đến cuối năm nay, trong khi chỉ có 25 ngân hàng phá sản năm 2008 và 3 ngân hàng năm 2007.
 
Dow Jones và S&P 500 giảm xấp xỉ 2%
 
Ngày 27/5, Bộ Tài chính Mỹ đã bán thành công 35 tỷ USD giá trị trái phiếu kho bạc kỳ hạn 5 năm. Trước đó, thứ Ba, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bán được 40 tỷ USD giá trị trái phiếu.
 
Do nguồn cung trái phiếu gia tăng, nên nhà đầu tư đã phản ứng tiêu cực trên thị trường trái phiếu niêm yết khi họ đẩy mạnh bán ra trái phiếu có kỳ hạn dài.
 
Giới đầu tư lo ngại thâm hụt ngân sách liên bang năm 2009 có thể lên đến 1,75 nghìn tỷ USD trong năm nay, sẽ khiến Chính phủ Mỹ phải tăng mạnh bán trái phiếu để bù đắp thâm hụt.
 
Điều này có thể sẽ khiến cuộc đua lãi suất trở nên căng thẳng và những nỗ lực đẩy lãi suất hạ xuống của Chính phủ Mỹ có nguy cơ thất bại, qua đó sẽ làm tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 
Hành động bán tháo trái phiếu có kỳ hạn dài đã tạo ra tác động tiêu cực đối với thị trường cổ phiếu khi Dow Jones và S&P 500 đều mất điểm với biên độ xấp xỉ 2%.
 
Khi mở cửa ngày giao dịch, cả ba chỉ số chứng khoán đã giảm nhẹ so với phiên trước đó, tuy nhiên sau đó chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã sớm lấy lại sắc xanh trên bảng điện tử.
 
Riêng chỉ số Dow Jones chỉ duy nhất một lần giành lại sắc xanh trước khi quay về xu hướng giảm điểm trước đà giảm mạnh của cổ phiếu General Motors.
 
Đến khoảng 1h20 chiều (giờ địa phương), thông tin nhà đầu tư tăng mạnh lượng bán trái phiếu, đã đẩy cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đột ngột giảm. Chỉ số Dow Jones, S&P 500 có lúc giảm hơn 2% trước khi có đợt phục hồi nhẹ vào thời điểm thị trường sắp kết thúc ngày giao dịch.
 
Cổ phiếu General Motors đã giảm 20,14% xuống 1,15 USD/cổ phiếu sau khi nhiều thông tin phá đi cho thấy hãng đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Các cổ phiếu ngành ôtô khác cũng giảm điểm theo, trong đó cổ phiếu Ford, Toyota, Nissan và giảm từ 1,14% đến 3,07%.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng cũng không sáng sủa hơn, trong đó cổ phiếu Citigroup mất 1,86%, cổ phiếu Bank of America hạ 0,64%, cổ phiếu Wells Forgo xuống 4,09%, cổ phiếu Goldman Sachs trượt 1,44%.
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 27/5 - Nguồn: G.Finance.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 27/5: chỉ số Dow Jones giảm 173,47 điểm, tương đương -2,05%, chốt ở mức 8.300,02.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 19,35 điểm, tương đương -1,11%, chốt ở mức 1.731,08.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 17,27 điểm, tương đương -1,9%, đóng cửa ở mức 893,06.
 
Chứng khoán châu Âu tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp
 
Chứng khoán khu vực đã kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Tư với sắc xanh hiện diện trên bảng điện tử cả ba thị trường chính, đưa các chỉ số có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp. Cổ phiếu khối ngân hàng, bán lẻ lên điểm là động lực kéo thị trường đi lên.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục đà tăng điểm trong phiên này, cổ phiếu HSBC lên 2%, cổ phiếu Societe Generale tiến thêm 1,8%, cổ phiếu Credit Agricole nhích 3%, cổ phiếu UBS tăng 1,7%.
 
Tuy nhiên, do sự giảm điểm của cổ phiếu khối dược phẩm và khai mỏ nên đã níu kéo đà tăng của thị trường. Cổ phiếu khối dược phẩm như AstraZeneca, Sanofi-Aventis và Shire giảm từ 1,4-2,1%.
 
Cổ phiếu khối khai mỏ như BHP Billiton, Antofagasta, Rio Tinto, Xstrata STA.L và Eurasian Natural Resources giảm từ 0,1-0,6%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 4,51 điểm, tương đương 0,1%, chốt ở mức 4.416,23. Khối lượng giao dịch đạt 2,18 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức tăng 0,3%, khối lượng giao dịch đạt 26,85 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,76%, khối lượng giao dịch đạt 147,46 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á lên mức cao nhất trong 8 tháng
 
Ngoại trừ thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm gần 1% do tác động từ vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, 7 thị trường lớn khác trong khu vực đều tăng điểm ấn tượng trước thông tin tích cực từ Mỹ.
 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã tăng 1,6% lên 100,73 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 3/10/2008.
 
Dù vậy, thông tin chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2009 tăng mạnh nhất trong 6 năm đang lấn áp nỗi lo về General Motors. Điều đó thể hiện rõ khi chứng khoán Mỹ tăng hơn 2,4% phiên ngày 26/5 và hiện tại (16h) chỉ số tương lai S&P 500 và Dow Jones vẫn đang tăng 0,2%.
 
Trở lại diễn biến của thị trường châu Á, ngày 27/5, Bộ Tài chính Nhật cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 4/2009 đã giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức giảm 45,5% trong tháng 3 và 49,4% trong tháng 2. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 4 lại tăng 1,9% so với tháng 3.
 
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật trong tháng 4 được xem là tốt nhất so với các tháng đầu năm. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 46,3%, từ 51,4% một tháng trước, sang Trung Quốc hạ 25,8%, từ 31,6% trong tháng 3 và sang châu Âu giảm 45,4%, từ 56,1% trong tháng 3.
 
Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật trong tháng 4 đã giảm 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến thặng dư thương mại của nước này đạt 725 triệu USD.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 hôm thứ Tư đã tăng điểm và chính thức vượt qua được ngưỡng kháng cự 9.400 điểm.
 
Đà tăng của thị trường được dẫn dắt bởi sức tăng của cổ phiếu khối nhiều công ty xuất khẩu lớn. Cổ phiếu Panasonic tăng 1,7%, cổ phiếu Toyota lên 2,2%, cổ phiếu Advantest tiến thêm 4,3%, cổ phiếu Sanyo Electric nhích 7%,...
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 127,96 điểm, tương đương 1,37%, chốt ở mức 9.438,77. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường có 814mã tăng điểm và có 719 mã giảm điểm.
 
Liên quan đến Hồng Kông, chính quyền đặc khu hành chính này đã chính thức công bố gói kích thích kinh tế trị giá 16,8 tỷ Đô la Hồng Kông (2,2 tỷ USD), bao gồm cắt giảm thuế, phí.
 
Đây được xem là một nỗ lực của Hồng Kông nhằm giúp kinh tế thoát khỏi đà suy thoái. Năm 2009, Hồng Kông dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng âm 6,5%.
 
Trước thông tin tích cực này và cộng hưởng thông tin về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh, chứng khoán Hồng Kông đã tạo bước đột phá khi biên độ tăng của chỉ số chứng khoán lên cao nhất trong tháng 5 và trở thành thị trường tăng điểm mạnh nhất trong khu vực trong phiên này.
 
Kết thúc phiên, chỉ số Hang Seng tăng 919,08 điểm, tương đương 5,41%, chốt ở mức 17.910,64.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 3,1%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 0,36%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 3,06%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ lên 2,75%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt tăng 1,71%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,73%.
Theo: VNE