Chứng khoán châu Á 'đe dọa' Phố Wall, London

Thứ năm, 21/5/2009 | 15:46 GMT+7
Cuộc khủng hoảng kinh tế có nguy cơ làm giảm sự thống trị của Phố Wall và Trung tâm Thương nghiệp - tài chính London vốn duy trì từ lâu. Thay vào đó, người ta bắt đầu nhắc đến trục tài chính Thượng Hải - Hong Kong.

Tính đến đầu tháng 5, tích lũy vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) đã vượt London và số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Bombay (Ấn Độ) cũng cao hơn sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử.

Quả thực, sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán Âu - Mỹ, đặc biệt ở London là khá rõ rệt, làm tan chảy đáng kể cổ phiếu của các công ty niêm yết tại Anh. Biểu tượng sức mạnh tài chính thế giới là phố Wall và London đang bị ngừng trệ trầm trọng.

"Cách đây hai năm, các ông chủ nhà băng thường tranh cãi về việc London hay New York là thị trường tài chính hàng đầu thế giới. Nay, những tranh luận này có vẻ lỗi thời”,  ông Jeffrey Garten, giảng viên ĐH Yale, nhận định trong một diễn đàn của tờ Financial Times. Theo ông, hai địa phận tài chính hàng đầu sẽ phải “trả giá đắt cho cuộc khủng hoảng”. Nhà đầu tư có vẻ quan tâm nhiều hơn đến cái tên Thượng Hải, Hong Kong hay Bombay.

Tại Phố Wall, các chuyên gia giờ đây cho rằng, chính những quyết sách của Tổng thống Barack Obama nhằm cải tổ hệ thống tài chính đã gây tổn hại cho thị trường chứng khoán. Ông Pierre, André Chiappori, giáo sư kinh tế ĐH Columbia, Mỹ nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ đang chịu tác động tiêu cực từ quy định mới tại Phố Wall, đơn cử như việc hạn chế số lượng visa cấp cho lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực tài chính. Ở Lodon, theo ông Chiappori, “không khí trị vì đang ở giai đoạn cuối”. Tất cả điều đó chắc chắn sẽ làm tăng số lượng công ty rút khỏi thị trường chứng khoán ở hai thành phố lớn là London và New York.

Chứng khoán châu Á liên tục khởi sắc

Bất chấp khủng hoảng, chứng khoán châu Á tiếp tục thu hút các công ty nước ngoài. Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty kiểm toán Ernst & Young, 72% trong tổng số các công ty gia nhập thị trường chứng khoán trong quý đầu năm, tập trung ở châu Á, chủ yếu là Thượng Hải và Hong Kong. Thậm chí người ta bắt đầu nhắc đến trục tài chính Thượng Hải - Hong Kong.

Bùng nổ tăng trưởng của các nước châu Á cho phép lĩnh vực công nghiệp phát triển và nguồn tiền tiết kiệm trong nước tăng cao. Để tiếp tục sự phát triển, các công ty dấn thân vào thị trường chứng khoán Thượng Hải rồi Hong Kong.

Để không bị thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi qua mặt, các nhà điều hành chứng khoán phương Tây phải thắt chặt quan hệ với các đối tác. Vì thế, NYSE - Euronext mới đây tham gia thị trường chứng khoán Ấn Độ và Jean-François Théodore, Tổng giám đốc của NYSE Euronext, quyết định lưu lại ở Thượng Hải lâu hơn; thậm chí, không loại trừ khả năng tham gia thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo: Vietstock