Phố Wall đảo chiều giảm điểm sau nhận định của FED

Thứ năm, 21/5/2009 | 15:44 GMT+7
Ngày 20/5, dự báo của FED đã “dội gáo nước lạnh” vào thị trường tài chính Phố Wall, kéo chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm điểm.
Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết chính quyền Tổng thống Obama đang chuẩn bị các biện pháp giúp ổn định thị trường tài chính.
 
Đồng thời ông Timothy Geithner cũng cho biết một chương trình giải trừ các tài sản xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các định chế tài chính sẽ bắt đầu được thực hiện trong thời gian tới.
 
Theo đó, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang (FED), Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang và các quỹ đầu tư nhân sẽ khởi động quỹ đầu tư nhằm mua lại tài sản xấu của ngân hàng Mỹ trong vòng 6 tuần tới.
 
Đề cập đến trường hợp General Motors, ông Timothy Geithner cho biết chính quyền Tổng thống Obama đang phối hợp với nhà sản xuất ôtô này thực hiện tái cấu trúc cho đến thời hạn cuối cùng, ngày 1/6/2009. Tuy nhiên, nhiều khả năng, General Motors sẽ cần phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản để tái cấu trúc, giống như điều mà Chrysler đã làm.
 
Dù vậy, Timothy Geithner nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Obama sẽ đảm bảo duy trì sự ổn định tình hình tài chính đối với các nhà buôn ôtô, cũng như sẽ có biện pháp kích cầu mua ôtô.
 
Trong một diễn biến đáng chú ý nhất trong ngày, FED cho biết nền kinh tế Mỹ đã có sự cải thiện đáng kể trong tháng 4/2009, nhưng vẫn còn tồn tại những rủi ro lớn và để ngỏ khả năng mua các khoản nợ có đảm bảo và trái phiếu Chính phủ, để giúp ổn định hệ thống tín dụng cũng như thúc đẩy tiến trình phục hồi của nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, FED đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2009 xuống mức tăng trưởng âm 1,3%-2%, từ mức 0,5-1,3% được đưa ra hồi tháng 1/2009. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được FED dự báo sẽ tăng lên 9,2-9,6%, từ mức 8,5-8,8%.
 
Dự báo trên của FED đã “dội gáo nước lạnh” vào thị trường tài chính Phố Wall, kéo các chỉ số chứng khoán đảo chiều giảm điểm.
 
Các chỉ số mất điểm trong giờ giao dịch cuối phiên
 
Ngày 20/5, trong bài phát biểu của mình tại London, Giám đốc điều hành Bank of America, Kenneth Lewis đã cho biết điều tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ đã đi qua.
 
“Sẽ tiếp tục còn nhiều những khó khăn phía trước, nhưng tôi nghĩ điều tồi tệ nhất có thể đã ở lại phía sau chúng ta”, ông Kenneth Lewis nói.
 
Nhận định này của ông Kenneth Lewis được đưa ra một ngày sau khi ngân hàng lớn nhất ở Mỹ - Bank of America công bố tăng vốn thêm 13,47 tỷ USD từ việc chào bán cổ phiếu. Trong tháng 5, Bank of America đã tăng vốn thêm 20,77 tỷ USD, bao gồm 13,47 tỷ USD phát hành cổ phiếu và 7,3 tỷ USD từ nguồn bán cổ phần tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
 
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm do sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính sau khi FED đưa ra quan điểm bi quan về nền kinh tế Mỹ, qua đó là xáo trộn hy vọng về sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.
 
Trong cả ngày giao dịch, thị trường luôn duy trì sắc xanh trên bảng điện tử, xu hướng gom mua vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, trong giờ giao dịch cuối cùng phiên buổi chiều, toàn thị trường lại đảo chiều đi xuống trước nhận định của FED.
 
Cổ phiếu khối tài chính là tâm điểm của đợt bán tháo cổ phiếu trong cuối ngày giao dịch. Điều này đã làm chỉ số KBW khối ngân hàng mất 2,7% giá trị, trong đó cổ phiếu Goldman Sachs hạ 3,3%, cổ phiếu JPMorgan xuống 3,5%, cổ phiếu Citigroup mất 2,12%, cổ phiếu Wells Fargo giảm 3,89%,...
 
Tuy nhiên, nhờ đà tăng của những mã blue-chip thuộc khối phòng thủ nên đã giúp Phố Wall tránh được một phiên giảm điểm mạnh, trong đó cổ phiếu McDonald's tăng 4,4%, cổ phiếu Procter & Gamble lên 2%, cổ phiếu Merck & Co tiến thêm 1,2%,...
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 20/5: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 52,81 điểm, tương đương -0,62%, chốt ở mức 8.422,04.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này xuống 6,7 điểm, tương đương -0,39%, chốt ở mức 1.727,84.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 4,66 điểm, tương đương -0,51%, đóng cửa ở mức 903,47.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,65 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.591 cổ phiếu giảm điểm và có 1.452 cổ phiếu lên điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,3 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.453 cổ phiếu mất điểm và có 1.239 cổ phiếu lên điểm.
 
Thị trường Anh giảm điểm
 
Hôm thứ Tư, chứng khoán châu Âu đã có diễn biến trái chiều khi thị trường Anh đã mất điểm trong khi thị trường Pháp và Đức đều tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm.
 
Sức tăng của cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản là động lực giúp thị trường Đức, Pháp lên điểm, trong khi nó lại giúp thị trường Anh tránh một phiên giảm điểm với biên độ lớn.
 
Giá dầu tại thị trường châu Âu đã lên mức cao nhất trong 6 tháng - đạt trên 61 USD/thùng, nên đã giúp cổ phiếu khối năng lượng như BG Group, BP, Royal Dutch Shell và Total tăng từ 0,7-1,5%.
 
Trong khi đó, giá kim loại cũng lên giá nên đã giúp cổ phiếu Lonmin lên 8,1%, trong khi cổ phiếu Anglo American, Antofagasta, BHP Billiton, Eurasian Natural Resources Corporation, Rio Tinto và Xstrata tăng từ 0,9-4,3%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 13,84 điểm, tương đương -0,31%, chốt ở mức 4.468,41. Khối lượng giao dịch đạt 3 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức tiến thêm 1,6%, khối lượng giao dịch đạt 38 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,87%, khối lượng giao dịch đạt 186,5 triệu cổ phiếu.
 
GDP giảm 15,2%, chứng Nhật vẫn tăng điểm
 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hôm thứ Tư đã tăng 0,5% lên 99,85 điểm, đưa chỉ số này tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 7 tháng qua.
 
Ngày 20/5, Văn phòng nội các Nhật đã cho biết, GDP của nước này trong 3 tháng đầu năm 2009 đã tăng trưởng âm 15,2%, sau khi giảm 14,4% trong 3 tháng trước đó. Như vậy, GDP của Nhật đã tăng trưởng âm 3,5% trong năm tài khóa 2008 kết thúc vào ngày 31/3/2009 - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1955.
 
Xuất khẩu giảm 26% trong 3 tháng đầu năm do các tập đoàn lớn ở Nhật cắt giảm sản xuất, công nhân, tiền lương. Bên cạnh đó, hoạt đầu tư (giảm 10,4%) mức thu nhập và chi tiêu của người dân cũng giảm nên khiến tăng trưởng kinh tế của Nhật suy giảm nghiêm trọng.
 
Mức sụt giảm của kinh tế Nhật không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, do đó khi số liệu về GDP được công bố, chứng khoán Nhật vẫn duy trì được đà tăng điểm. Hiện giới phân tích vẫn duy trì quan điểm rằng chỉ số Nikkei 225 sẽ tiếp tục chạy trong ngưỡng 9.000 -10.000 điểm trong vòng hai tháng tới, thậm chí lâu hơn.
 
Trong phiên này, cổ phiếu của nhiều hãng vận tải biển và các công ty môi giới chứng khoán là những đầu tàu kéo thị trường đi lên. Trong khi đó, cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn đã giảm điểm do đồng Yên lên giá so với USD.
 
Các cổ phiếu khối vận tải biển đã duy trì được lợi thế trong phiên này, trong đó cổ phiếu Kawasaki Kisen tăng 4,7%, cổ phiếu Mitsui O.S.K. Lines lên 2,1%.
 
Trong khi đó, đồng Yên lên 94,55 Yên/1 USD nên đã kéo nhiều cổ phiếu như Honda, Toyota và Kyocera giảm từ 0,5-1,2%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 54,35 điểm, tương đương 0,59%, chốt ở mức 9.344,64. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.
 
Chuyển qua thị trường khác, chứng khoán Trung Quốc đã mất điểm hôm thứ Tư sau ba ngày tăng điểm liên tiếp trước đó. Sức cầu yếu khiến chỉ số Shanghai Composite liên tục giảm điểm trong cả ngày giao dịch. Kết thúc phiên, chỉ số này giảm 25,27 điểm, tương đương 0,94%, chốt ở mức 2.651,41.
 
Trái ngược với hai phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán Ấn Độ chính thức có phiên điều chỉnh giảm sau khi chỉ số BSE 30 đã tăng gần 18%. Kết thúc phiên, chỉ số BSE 30 giảm 253,03 điểm, tương đương 1,77%, chốt ở mức 14.049.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,72%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 0,22%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 0,39%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,52%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 0,6%.
Theo: VNE