Sự kiện

Phát triển thủy điện ở Đắc Nông: Tiềm năng lớn, đầu tư nhỏ

Thứ năm, 2/4/2009 | 09:41 GMT+7
Các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắc Nông nói riêng có hệ thống sông suối chằng chịt, lưu lượng dòng chảy lớn, rất thuận tiện để phát triển thủy điện. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư khác đã khởi công xây dựng một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắc Nông với số vốn đầu tư đăng ký hàng chục nghìn tỉ đồng. Nhưng so với tiềm năng hiện có, phát triển thủy điện ở tỉnh nam Tây Nguyên nàyđang cần đượcđầu tư lớn hơn rất nhiều.

Thế mạnh và hiện thực

Theo khảo sát của Bộ Công nghiệp trước đây, trên địa bàn tỉnh Đắc Nông có khoảng 100 điểm có thể xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất xấp xỉ 1.000MW. Hệ thống sông suối ở Đắc Nông có dòng chảy liên tục, thuận tiện cho việc xây dựng các đập chứa nước, vừa phục vụ xây dựng các nhà máy thủy điện, vừa có tác dụng điều hòa tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho các khu dân cư. Với hai con sông lớn là Sê Rê Pốk và sông Đồng Nai chảy qua, rất thuận lợi để xây dựng các công trình thủy điện. Qua khảo sát của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sông Đồng Nai chảy qua tỉnh Đắc Nông có thể khai thác 16 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 3.000MW. Sông Sê Rê Pốk có thể khai thác 6 nhà máy thủy điện, với tổng công suất khoảng 750MW, có sản lượng đạt 3,5 tỉ kWh/năm...


 

Lắp đặt tua bin

Từ năm 2004 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư khác đã tiến hành khảo sát, lập dự án và triển khai gần 40 công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắc Nông, như công trình thủy điện Buôn Tua Srah nằm trên địa bàn huyện Krông Nô, công trình thủy điện Đồng Nai 3 và 4 nằm trên địa bàn huyện Đắc G’long, công trình thủy điện Đắc R’tíh nằm trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắc R’lấp…

Dự kiến trong năm nay, một số công trình thủy điện trên sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành hòa lưới điện quốc gia. Công trình thủy điện Buôn Tua Srah gồm 2 tổ máy, có công suất 86MW, với vốn đầu tư là 2.273,4 tỉ đồng, khi hoàn thành, sản lượng điện hằng năm của nhà máy này đạt 358,6 triệu kWh. Hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 nằm trên địa bàn xã Quảng Khê, huyện Đắc Nông được đầu tư 8.988 tỉ đồng, có tổng công suất 520MW, sản lượng điện 1,7 tỉ kWh/năm không chỉ tăng nguồn năng lượng cho đất nước, mà còn góp phần tưới tiêu cho 12.280ha lúa, 1.600ha hoa màu, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, chống lũ… Tháng 2-2008, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Đắc R’tíh, với vốn đầu tư 3.400 tỉ đồng, có công suất thiết kế là 144MW, dự kiến sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2010. Tuy một số công trình thủy điện đã và đang được triển khai, nhưng so với tiềm năng sẵn có thì chưa khai thác được bao nhiêu.

Cần vốn đầu tư lớn

Không chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số nhà đầu tư đang khai thác tiềm năng về thủy điện ở Đắc Nông, mà nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã bỏ vốn ra để khai thác lợi thế này. Đầu năm 2008, Công ty Hoàng Nguyên đã đưa vào vận hành công trình thủy điện Quảng Tín (huyện Đắc R’lấp) có công suất 5MW, với vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Đây là nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên được khánh thành ở tỉnh Đắc Nông. Công ty này đã có kế hoạch đầu tư xây dựng tiếp 3 nhà máy thủy điện nhỏ có tổng công suất 30MW, với vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

 

 

Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 những ngày đầu thi công trên địa bàn xã Quảng Khê, huyện Đắc Nông, tỉnh Đắc Nông.

Ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông cho rằng: “Tiềm năng về thủy điện của Đắc Nông rất lớn, nhưng đầu tư chưa nhiều. Ngoài một số công trình như: Đắc Nia, Đắc Moung (thị xã Gia Nghĩa), Đắc Sôr (Đắc Mil), Đắc Kar (Đắc R’lấp)… đã được đầu tư xây dựng trong năm 2008, còn rất nhiều dự án thủy điện khác đang “khát” vốn”. Trong 5 năm gần đây, Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương đã huy động các nguồn lực về công nghệ và tài chính để giúp Đắc Nông phát triển thủy điện, tuy nhiên, nguồn vốn thực tế đưa vào tỉnh còn rất ít so với tiềm năng sẵn có của địa phương. Các cơ quan chức năng nhận định, nếu được quy hoạch kỹ lưỡng, đầu tư đúng mức, hệ thống thủy điện ở Đắc Nông sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình hình thiếu điện hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đắc Nông, thì ngay từ khi tỉnh được thành lập (năm 2004), địa phương đã có chính sách khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 64 công trình thủy điện vừa và nhỏ, có tổng công suất 185MW với kinh phí đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắc Nông đã cấp giấy phép xây dựng cho một số doanh nghiệp tư nhân, đầu tư xây dựng 32 công trình thủy điện nhỏ, với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Nếu so với tiềm năng của hai dòng sông Đồng Nai và Sê Rê Pốk (tổng công suất dự kiến khai thác là 3.750MW), thì sự đầu tư phát triển thủy điện ở Đắc Nông còn quá nhỏ. Đó là chưa kể nhiều con suối ở địa phương này, cũng có rất nhiều tiềm năng để xây dựng các công trình thủy điện nhỏ.

Tháng 3 - 2009, khi về thăm và làm việc tại tỉnh Đắc Nông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Tỉnh Đắc Nông cần phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh của mình. Một trong những tiềm năng và thế mạnh đó là phát triển các công trình thủy điện”. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách giúp Đắc Nông phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư để xây dựng các công trình thủy điện. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh Đắc Nông cùng các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ, tránh phát triển thủy điện tràn lan, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tránh các dự án thủy điện “treo” (cuối năm 2007, UBND tỉnh Đắc Nông đã thu hồi giấy phép đầu tư của 6 dự án thủy điện nhỏ do chủ đầu tư không thực hiện dự án). Phát triển thủy điện ở tỉnh Đắc Nông là một hướng đi đúng đắn, vừa khai thác được nguồn năng lượng của thiên nhiên phục vụ cho đời sống, vừa góp phần giải quyết tưới tiêu và cung cấp nước sạch cho vùng nam Tây Nguyên. Vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư khác. Đây cũng là một giải pháp kích cầu, để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay của nước ta.

Theo QĐND