Sự kiện

Quảng Ngãi: Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn còn nhiều khó khăn

Thứ năm, 2/4/2009 | 09:21 GMT+7
Từ tháng 7 năm 2008, Điện lực Quảng Ngãi đã triển khai đề án "Tiếp nhận mạng lưới điện hạ áp nông thôn". Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 6.000 hộ ở nông thôn được chuyển sang mua điện trực tiếp của ngành điện. Việc chậm bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn không chỉ gây khó cho ngành điện trong việc quản lý và thực hiện chủ trương của Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.
 

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khi giá bán buôn điện nông thôn của Điện lực Quảng Ngãi đối với các hộ dân chỉ có 390 đồng/kWh, thì nhiều gia đình ở huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi lâu nay vẫn phải trả tiền điện cao gấp 3, 4 lần. Giá đã cao, chất lượng điện lại không ổn định, mùa nắng thì điện chập chờn, còn mùa mưa nguy cơ cháy và chập điện luôn là nổi ám ảnh, lo sợ. Ai cũng biết dùng điện của hợp tác xã giá cao, chất lượng điện kém nhưng nếu không mua thì lấy điện đâu mà sử dụng. Chị Nguyễn Thị Bốn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Làm nhà từ năm 2001 đến nay nhưng đâu có điện quốc gia vì họ nói chưa có đường điện hạ thế. Bây giờ mong muốn ngành điện tạo điều kiện bắc điện cho dân dùng chứ giá điện cao, trong khi giá điện dân dụng chỉ vài trăm đồng".

Sử dụng nguồn điện không an toàn, giá điện lại cao gấp bội lần đang là thực trạng chung ở các miền quê Quảng Ngãi. Theo thống kê của Điện lực Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 142 tổ chức quản lý điện nông thôn, chủ yếu là các hợp tác xã. Điều đáng nói là, trong khi các hợp tác xã làm dịch vụ điện khai thác triệt để năng lực lưới điện nhằm thu lợi nhuận, thì việc tái đầu tư, bảo dưỡng lại gần như bị bỏ ngỏ làm cho hệ thống lưới điện nông thôn ở Quảng Ngãi vốn đã xuống cấp nay lại càng thêm hỏng nát. Mạng điện chằng chịt vắt mình qua những trụ xi măng xiêu vẹo, hay những trụ tre mục nát có nguy cơ đổ gãy bất cứ lúc nào. Chính vì thế mà tỷ lệ tổn thất điện năng trên đường truyền lên đến gần 30%. Theo chủ trương chung, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Điện lực Quảng Ngãi cải tạo, nâng cấp lưới điện, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng và trên hết là người dân được sử dụng nguồn điện ổn định, giá cả hợp lý. Thế nhưng, khi bàn giao lưới điện nông thôn các hợp tác xã sẽ mất đi khoản lợi nhuận cao trong việc làm dịch vụ. Vì thế mà đến nay nhiều hợp tác xã vẫn đang tìm mọi cách để trì hoãn, thoái thác việc bàn giao lưới điện nông thôn. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thọ Trung, huyện Sơn Tịnh lý giải Vì sao HTX chưa bàn giao mạng lưới điện do HTX quản lý như thế này: "Lưới điện hạ áp là do hợp tác xã và xã viên đóng góp hình thành. Về khấu hao tài sản theo hướng dẫn của tỉnh thì khấu hao theo điện năng nhưng ngành Điện khấu hao 1 năm là 10% như vậy làm cho tài sản của hợp tác xã chưa thu hồi kịp sẽ mất đi. Thứ hai, về nhân lực khi ngành Điện tiếp nhận thì sẽ có nhiều người mất đi công ăn việc làm. Tổ chức kinh tế hợp tác xã là kinh tế tự chủ, nên việc bàn giao được hay không phải do đại hội xã viên quyết định. Nếu ngành điện muốn bán điện cho nông dân, trước hết hãy đầu tư cho những vùng trắng điện trước đã"

Sự bất hợp tác của một số hợp tác xã kéo dài nhiều năm qua khiến cho tiến độ triển khai Đề án chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn ở Quảng Ngãi trở nên khó khăn và chậm hơn kế hoạch. Hơn nửa năm trôi qua, cả tỉnh mới có hơn 6000 hộ dân ở xã Bình Trung, Bình Hòa, Bình Thuận, thôn Thanh Thủy (Bình Hải), thôn Giếng Hố xã Bình Trị huyện Bình Sơn và xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ được chuyển sang mua điện trực tiếp từ ngành điện. Thực tế cho thấy, ở đâu hoàn thành việc chuyển giao lưới điện, thì ở đó chất lượng nguồn điện được nâng lên đáng kể. Cụ thể như ở huyện Bình Sơn, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ thế, Chi nhánh Điện Bình Sơn đã tiến hành thay toàn bộ công tơ điện miễn phí cho bà con ; cải tạo đường dây và trụ điện cho Trạm Bình Trung cũng như thường xuyên duy tu, bảo trì lưới điện. Nhờ vậy, chất lượng cũng như số hộ sử dụng điện tăng lên rõ rệt so với trước kia. Theo Đề án "Tiếp nhận mạng lưới điện hạ áp nông thôn" của Điện lực Quảng Ngãi là tiếp nhận 514 km đường dây; trên 102.000 công tơ với hơn 177.000 hộ sử dụng điện. Theo đó, Điện lực Quảng Ngãi đã làm việc với Phòng Công thương và các hợp tác xã quản lý điện trên địa bàn lên kế hoạch tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ thế ở 37 xã trong năm 2009 này, trong đó 13 xã không có chương trình cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn giai đoạn 2 ( RE 2). Ông Nguyễn Tư, Giám đốc Điện lực Quảng Ngãi cho biết : "Được chính quyền các cấp ủng hộ, từ nay đến tháng 6/2009 chúng tôi sẽ tiếp nhận lưới điện ở những xã không có chương trình RE2. Chúng tôi tiếp nhận thì chúng tôi sẽ đầu tư, nâng cấp, tạo niềm tin cho người sử dụng nguồn điện của Điện lực".

Mục tiêu hướng đến của Đề án "Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn" là mang lại sản phẩm tốt nhất với giá thành hợp lý phục vụ người dân nông thôn. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần có sự hợp tác chặt chẽ với ngành điện đẩy nhanh tiến độ bàn giao hệ thống điện hạ thế, đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân.

Việc thực hiện giá bán điện mới theo Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã được áp dụng bắt đầu từ ngày 01/3/2009. Theo đó, việc quản lý, bán điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, một số trường hợp trước kia tìm cách trì hoãn, kéo dài việc bàn giao lưới điện nay đã có dấu hiệu muốn thoả thuận để bàn giao. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tiến trình bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp ở nông thôn. Trước thuận lợi trên, Điện lực Quảng Ngãi đang tích cực trong việc tiếp cận, làm việc với các tổ chức này và sẵn sàng phương án để cải tạo, hoàn thiện lưới điện sau khi khi đã tiếp nhận.

Theo PC3