Sự kiện

Đàm phán giá điện kéo dài, bất cập từ cơ chế

Thứ năm, 2/4/2009 | 09:32 GMT+7

Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động (Bắc Giang) công suất 220 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 3.533 tỉ đồng do Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư đang tiến hành hiệu chỉnh để chính thức vận hành thương mại trong quý II tới. Tuy nhiên, đến nay nhà máy này vẫn chưa đạt được thoả thuận về giá điện.

 

Hơn một năm trời chưa đàm phán được giá

Theo TKV, từ tháng 11/2007, TKV đề nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giá bán điện là 720 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, sau khi tính toán lại các chi phí đầu vào, đầu ra của nhà máy, ngày 15/1/2009, TKV đã rút xuống 710 đồng/kWh. Theo TKV, giá điện phải bán được mức đó thì mới đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án (ứng với tỷ suất lợi nhuận (FIRR) = 12,5%).

Thế nhưng theo đề xuất của EVN với Bộ Công Thương thì chỉ có thể chấp nhận được giá điện ở mức 678,4 đ/kWh, (tương ứng với FIRR bằng 10%). Theo EVN, giá này đã cao hơn các dự án khác như Nhiệt điện Ninh Bình (622 đồng/kWh); Nhiệt điện Phả Lại (654 đồng/kWh) hay Nhiệt điện Uông Bí (576 đồng/kWh). Nếu cộng với chi phí truyền tải, phân phối, và tổn thất điện năng kỹ thuật khoảng 295đ/kWh thì tổng chi phí giá điện Sơn Động đến người tiêu dùng là 1.015đ/kwh. Theo tính toán của EVN, nếu mua của nhà máy Sơn động 1,2 tỷ kWh/năm theo dự kiến với giá trên thì mỗi năm EVN sẽ phải bù lỗ khoảng 144,2- 173 tỷ đồng.

Vì chưa tìm được tiếng nói chung nên đã hơn 1 năm thực hiện đàm phán, EVN và TKV chỉ đạt được thống nhất trên nguyên tắc giá điện Sơn Động gồm 2 thành phần chi phí cố định và chi phí nhiên liệu biến đổi khi giá than được điều chỉnh, còn giá cụ thể thì vẫn chưa có đáp số.

Theo đại diện của EVN, điều lo ngại nhất trong giá điện đang đàm phán là phần chi phí nhiên liệu (giá than) cho điện hiện nay vẫn đang áp giá năm 2008 mà chưa theo giá thị trường. Trong khi đó, theo lộ trình, giá than bán cho các hộ tiêu thụ được thả nổi theo thị trường sau năm 2010. Mà TKV chính là nhà cung cấp than nội địa lớn nhất, một khi giá than được thả nổi và không có sự giám sát của Nhà nước thì chuyện độc quyền giá than có thể sẽ xảy ra. Khi đó, giá điện của Nhiệt điện Sơn Động sẽ biến động cao, nằm ngoài tầm kiểm soát của EVN.

Bất cập từ cơ chế

Thực tế, các cuộc đàm phán giá phát điện bị kéo dài không chỉ có ở Nhiệt điện Sơn Động mà ở hầu hết các nhà máy điện ngoài EVN.

Về vấn đề này, đại diện của EVN cho rằng, nguyên nhân từ sự bất cập của cơ chế. Bởi vì, theo thông lệ quốc tế, giá điện phải được thỏa thuận trước khi xây dựng nhà máy, từ đó chủ đầu tư mới có cơ sở xác định được chi phí và lợi ích thu được từ dự án để ra quyết định có đầu tư hay không. Việc thỏa thuận giá điện trước khi xây dựng sẽ tránh được những rủi ro không cần thiết cho cả bên bán và bên mua, đồng thời cũng khiến chủ đầu tư có động lực để tiết kiệm chi phí trong quá trình xây dựng nhà máy.

Thế nhưng hiện nay, hầu hết các dự án điện được triển khai xây dựng khi chưa thỏa thuận giá điện và ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Chỉ khi công trình chuẩn bị đưa vào vận hành chủ đầu tư mới đến đàm phán với EVN, do vậy hai bên không đủ thời gian cần thiết để hai bên thoả thuận các vấn đề phát sinh trong Hợp đồng hoặc giá điện sau khi tính toán với chi phí đầu tư thực tế rất cao nên rất khó đàm phán.

Vấn đề là, đến thời điểm này, do không có cơ sở pháp lý cụ thể nào hướng dẫn giá phát điện nên EVN chỉ còn cách dựa vào chi phí để đàm phán giá với các chủ đầu tư. Còn các chủ đầu tư thì bức xúc trước tình trạng “nhiều người bán một người mua” trong điều kiện không có cơ chế hướng dẫn sẽ càng làm cho các cuộc đàm phán giá điện khó khăn hơn.

Các chuyên gia cho rằng, để gỡ bế tắc hiện nay, Nhà nước cần sớm ban hành khung giá phát điện cụ thể áp dụng đối với từng loại hình nhà máy điện. Khi đó, các bên sẽ có cơ sở rõ ràng để đàm phán; nhà đầu tư cũng có tín hiệu giá để tính toán hiệu quả kinh tế khi đầu tư vào xây dựng nhà máy điện. Đồng thời, giúp các nhà đầu tư nâng cao ý thức cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất điện.

EVN cũng đang đề xuất Nhà nước sớm cho triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư phát triển các dự án điện nhằm vừa giảm thiểu thời gian đàm phán vừa đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất cho từng dự án. Bên cạnh đó, Nhà nước cần yêu cầu các chủ đầu tư phải tiến hành đàm phán thoả thuận giá điện trước khi vay vốn ngân hàng và xây dựng nhà máy theo đúng qui định của Bộ Công Thương và thông lệ quốc tế. Cần có cơ chế kiểm soát các chi phí đầu tư và hiệu quả của dự án điện, tránh tình trạng các khoản chi phí đầu tư không hợp lý đều được dồn vào giá điện. Điều đó không chỉ thuận lợi cho bên bán, bên mua mà còn đảm bảo lợi ích cho chính người tiêu dùng.

Theo Công Thương