Sự kiện

Thỏa thuận giá điện với các chủ đầu tư: EVN không đi ngược với thông lệ

Thứ ba, 31/3/2009 | 10:59 GMT+7
Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh vấn đề nhiều chủ đầu tư ngoài EVN như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia hay Tập đoàn Than Khoáng sản VN chưa có được thỏa thuận về giá điện cho các nhà máy điện sắp đi vào vận hành. Nhiều ý kiến cho rằng EVN  độc quyền vì là người mua duy nhất nên có thể “gây khó” cho các chủ đầu tư bên ngoài, làm cho thị trường cầu vẫn vượt cung mà người có điện chưa thể bán được. Thực chất vấn đề này ra sao, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Doãn, Giám đốc Cty Mua bán điện (đơn vị được EVN phân cấp thực hiện các thủ tục đàm phản và hợp đồng mua bán điện) để cung cấp thông tin tới bạn đọc.

PV: Ông có thể cho biết trình tự thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện giữa Cty Mua bán điện (EPTC) - đơn vị được EVN phân cấp với các chủ đầu tư thuộc EVN và các chủ đầu tư không thuộc EVN như Tập đoàn Dầu khí QG và Tập đoàn Than Khoáng sản VN hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Doãn: Quy định trình tự thủ tục đàm phán các Hợp đồng mua bán điện các dự án điện độc lập có công suất trên 30MW, ban hành kèm theo Quyết định số 509/QĐ-EVN ngày 25/3/2008 của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo quy định này, trình tự đàm phán gồm các bước sau:

-      Thỏa thuận phương án đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia: do Tổng công ty Truyền tải điện thỏa thuận (cấp điện áp đấu nối 220kV – 500kV) hoặc các Công ty Điện lực thỏa thuận (cấp điện áp đấu nối 110kV hoặc thấp hơn).

-     Đàm phán và thỏa thuận giá điện với EVN: Chủ đầu tư đàm phán với EPTC, là đơn vị được EVN phân cấp thực hiện công tác này. 

-     Thỏa thuận thiết kế hệ thống SCADA: do EVN thỏa thuận.

-     Thỏa thuận thiết kế hệ thống đo đếm điện năng: do EPTC thỏa thuận.

-    Đàm phán và ký Hợp đồng mua bán điện: Chủ đầu tư đàm phán với EPTC, là đơn vị được EVN phân cấp thực hiện công tác này.

PV: Hiện nay, Cty Mua bán điện đàm phán giá điện với các chủ đầu tư ngoài EVN dựa trên những yếu tồ gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Doãn: Hiện nay, Công ty Mua bán điện-đơn vị được EVN phân cấp đàm phán và thỏa thuận giá điện dựa trên những căn cứ pháp lý sau:

-      Quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập, ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. 

-      Quy định đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 37/2006/QĐ-BCN ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. 

-      Quy định Yêu cầu kỹ thuật trang thiết bị đo đếm điện năng đối với các nhà máy điện, ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BCN ngày 9/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp

-      Quy định tạm thời nội dung tính toán phân tích kinh tế tài chính đầu tư và khung giá mua bán điện các dự án nguồn điện, ban hành kèm theo Quyết định số 2014/QĐ-BCN ngày 13/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Quy định này là cơ sở để tính toán và đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện từ các nhà máy.

-      Quy chế Phân cấp, ủy quyền thỏa thuận giá điện, ký kết Hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với chủ đầu tư các dự án điện độc lập, ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-EVN-HĐQT ngày 28/2/2008 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Những nguyên tắc này là nguyên tắc chung, thống nhất để EVN thực hiện thỏa thuận và đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với tất cả các chủ đầu tư, không phân biệt chủ đầu tư ngoài EVN hay thuộc EVN.

PV: Được biết, hiện Công ty Mua bán điện vẫn phải tiếp tục tiến hành đàm phán giá với các chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương, Tân Tạo dù biết trước khó khăn sẽ gặp phải giống như đàm phán với Nhà máy điện Cà Mau, Sơn Động. Vậy thực chất vấn đề cần được hiểu như thế nào thưa ông? Liệu có đi đến việc hài hòa lợi ích của cả hai mà vẫn đảm bảo giá điện để các hộ tiêu dùng không là người thiệt thòi trong thời gian trước mắt không?

Ông Nguyễn Đình Doãn:Thực trạng hiện nay, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện có một số vướng mắc như: Theo qui định hiện  hành của Nhà nước, chủ đầu tư là người quyết định, phê duyệt tổng mức đầu tư, các hợp đồng vận hành bảo dưỡng nhà máy nên nhiều dự án có tổng mức đầu tư rất cao, nhiều hạng mục công việc có chi phí cao hơn nhiều so với định mức qui định của Nhà nước. Một số Chủ đầu tư phê duyệt đưa vào tổng mức đầu tư của dự án nhiều hạng mục không nằm trong dây chuyền sản xuất điện. Rõ ràng nếu có giá điện trước khi thực hiện xây dựng thì Chủ đầu tư có động lực để tiết kiệm chi phí trong quá trình xây dựng nhà máy. Ngược lại, nếu như chưa có giá điện, Chủ đầu tư vẫn triển khai xây dựng dự án thì giá điện sau khi tính toán với chi phí đầu tư thực tế rất cao, dẫn đến khó đàm phán và thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và EVN. Thực tế hiện nay nhiều dự án có công suất lớn nhưng giá bán điện đề xuất bán cho EVN cao, thậm chí cao hơn nhiều giá bán lẻ bình quân cho khách hàng sử dụng điện. Nếu EVN chấp nhận ngay tất cả các đề xuất của Chủ đầu tư thì sẽ rút ngắn thời gian đàm phán nhưng giá điện sẽ cao và hậu quả là người tiêu dùng sẽ phải mua điện giá cao.

Hai là các dự án điện được triển khai xây dựng khi chưa thỏa thuận giá điện và ký hợp đồng mua bán điện với EVN, khi công trình chuẩn bị đưa vào vận hành chủ đầu tư mới đến đàm phán với EVN, do vậy hai bên không đủ thời gian cần thiết để thoả thuận các vấn đề phát sinh trong Hợp đồng, ví dụ như chi phí vận hành bảo dưỡng, giá nhiên liệu và cam kết bao tiêu, hệ thống đo đếm phục vụ mua bán điện, hệ thống điều khiển phục vụ điều độ vận hành nhà máy...

Do đó, theo chúng tôi, để đảm bảo hiệu quả và hài hòa lợi ích của Chủ đầu tư và EVN cũng như của người tiêu dùng, EVN đề xuất: Nhà nước sớm cho triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư phát triển các dự án điện. Việc này sẽ vừa giảm thiểu thời gian đàm phán vừa đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất cho từng dự án; Tiếp nữa, cần phải có cơ chế kiểm soát các chi phí đầu tư và hiệu quả của dự án điện, tránh tình trạng các khoản chi phí đầu tư không hợp lý đều được dồn vào giá điện. Yêu cầu các chủ đầu tư phải tiến hành đàm phán thoả thuận giá điện trước khi vay vốn ngân hàng và xây dựng nhà máy  theo đúng qui định của Bộ Công thương và thông lệ quốc tế. 

Các chủ đầu tư phải tiến hành đàm phán thoả thuận giá điện trước khi vay vốn ngân hàng và xây dựng nhà máy theo đúng qui định của Bộ Công thương và thông lệ quốc tế. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động-Ảnh Ngọc Hà

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng theo thông lệ thế giới thì phải có hợp đồng mua bán điện trước khi đầu tư xây dựng nhà máy điện. Vậy mà hiện nay, hình như EVN đang đi ngược lại thông lệ này? Ông nói gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đình Doãn: Trước hết, tôi xin nói rõ quan điểm của EVN và thông lệ quốc tế về vấn đề này như sau:

Thông lệ qui định trước khi quyết định đầu tư, Chủ đầu tư  phải xác định được chi phí và lợi ích thu được từ dự án, từ đó mới đánh giá tính khả thi và ra quyết định có đầu tư hay không. Cụ thể đối với các dự án nguồn điện, Chủ đầu tư phải xác định được giá bán điện, đánh giá tính khả thi của Dự án trước khi quyết định vay vốn ngân hàng và triển khai xây dựng nhà máy.

Còn quan điểm của EVN là Chủ đầu tư phải thỏa thuận được giá điện trước khi xây dựng nhà máy. Ngay ở giai đoạn chấp thuận mua điện, EVN đều đề nghị Chủ đầu tư đàm phán thỏa thuận giá điện và ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước khi khởi công xây dựng công trình. Việc có được thỏa thuận giá điện, hợp đồng mua bán điện trước khi xây dựng sẽ tránh được những rủi ro không cần thiết cho cả bên bán và bên mua. Quan điểm này của EVN cũng phù hợp với thông lệ đầu tư quốc tế. Thực tế, các nhà máy điện của các nhà đầu tư nước ngoài như BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Hiệp Phước, Formosa đều thỏa thuận giá điện với EVN trước khi xây dựng nhà máy. Hiện nay EVN đang đàm phán giá điện của 2 dự án BOT Mông Dương 2 (1200MW) và Vĩnh Tân 1 (1200MW). Sau khi thỏa thuận được giá điện với EVN, Chủ đầu tư mới tiến hành thu xếp vốn và triển khai xây dựng nhà máy.

Tôi cũng nói thêm rằng, nguyên tắc chung khi đàm phán giá điện của EVN là giá điện đủ bù đắp toàn bộ chi phí đầu tư cho dự án cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý theo qui định của Nhà nước, đảm bảo lợi ích hài hoà của cả bên bán và bên mua.

PV:Xin cám ơn ông!

Trần Phương (thực hiện)