Sự kiện

Thị trường thiết bị điện: Bao giờ làm chủ “sân nhà”?

Thứ hai, 16/2/2009 | 09:18 GMT+7

Triển lãm Thiết bị Điện Việt Nam 2008 tại Hà Nội
Năm 2008, các đơn vị cơ khí chế tạo thuộc EVN đã sản xuất 3.411 máy biến áp các loại, trong đó có 31 MBA 110-220 kV trở lên; sản xuất 1.310 tấn cáp, 950 tấn dây đồng, 280 tấn phụ kiện đường dây, 10.500 tấn cột thép mạ kẽm, 2.750 tấn thép mạ kẽm nóng và 10.800 tấn kết cấu thuỷ công, cung cấp 2.000 tấn thiết bị đường ống cho thủy điện Sơn La. Tổng công ty thiết bị điện (VEC) cũng đạt 4.500 tỷ đồng doanh thu từ các sản phẩm thiết bị điện, trong đó xuất khẩu đạt 11,2 triệu USD.

Còn nhiều khoảng trống trên sân nhà

Dù đã rất cố gắng nhưng hầu hết các sản phẩm thiết bị điện đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm có xuất xứ nước ngoài như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... ngày trên “sân nhà”. Các công ty cơ khí điện lực trong nước gần như chịu lép vế hoàn toàn trước Trung Quốc mỗi khi đấu thầu thiết bị cho các công trình điện. Các đơn vị thuộc VEC là những doanh nghiệp lớn nhất nhưng thị phần các sản phẩm của cả Tổng công ty cũng chỉ chiếm 25-50%. Thậm chí, nhiều mặt hàng có giá trị cao như các loại máy biến thế truyền tải, các loại TU, TI, các loại máy ngắt 110 kV, 220 kV chưa được tập trung nghiên cứu đầu tư phát triển. Nói cách khác, thị trường thiết bị điện vẫn còn nhiều khoảng trống cho hàng ngoại “độc diễn” trên sân nhà. Ngay cả máy phát điện, mặt hàng bán rất chạy vào mùa nóng nhưng thị trường có quá ít máy phát điện “made in Việt Nam” hoặc nếu có cũng không được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thiếu đồng bộ. Vì vậy tiêu thụ mạnh nhất vẫn là loại máy công suất từ 0,8- 5,5kVA xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ với các thương hiệu có tiếng như Elemax, Honda, Yamaha, Denyo dù giá không hề rẻ. Chỉ riêng các mặt hàng thiết bị điện dân dụng, ước tính mỗi năm, thị trường Việt Nam sử dụng gần 500 tỉ đồng cho nhu cầu mua sắm trang bị nhưng chủ yếu là các thương hiệu ngoại nhờ sự phong phú đa dạng về chủng loại, mẫu mã như Clipsal, National, nếu không thì lại là những sản phẩm trôi nổi nhưng giá cả rất dễ chịu. Một số sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng biết đến như dây cáp điện Cadivi, Trần Phú, bóng đèn Rạng Đông, Điện Quang chưa nhiều. Người có điều kiện kinh tế thường chọn các thương hiệu nổi tiếng, còn người không có tiền thì lại quan tâm đến hàng rẻ tiền. Vì vậy các mặt hàng tầm tầm “made in Việt Nam” khó bứt phá lên được.

Khó khăn từ nhiều phía

Theo các chuyên gia, khó khăn nhất của ngành sản xuất thiết bị điện là có tới 60-80% nguyên liệu dùng trong sản xuất như đồng, nhôm, kẽm, thép kỹ thuật, dầu cách điện... đều phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được. Nhiều linh kiện phụ trợ như điều chỉnh điện áp cho máy biến thế, các thiết bị đóng ngắt, thiết bị đổi nối tiếp điểm đều phải đặt hàng từ nước ngoài. Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã khiến các doanh nghiệp lúng túng, bị động trong lập kế hoạch kinh doanh, ký hợp đồng hay đấu thầu thiết bị công trình do giá thành phụ thuộc vào biến động giá cả nguyên liệu, tỷ giá hối đoái. Sự hội nhập kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng khiến không ít doanh nghiệp lao đao vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong khi đa số các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện trong nước còn hạn chế cả về quy mô, năng lực vốn đầu tư và nguồn nhân lực, trình độ quản lý chưa bắt kịp xu thế cạnh tranh hiện đại. Công nghiệp phụ trợ về lĩnh vực này gần như nhường hẳn cho nước ngoài. Sự mất cân đối trong tổ chức sản xuất, dẫn đến sự chồng chéo nhưng lại thiếu đa dạng của sản phẩm khiến tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Các doanh nghiệp lại thường có xu hướng sản xuất khép kín, tự thực hiện từ A đến Z các công đoạn gia công cơ khí từ khâu pha, cắt nguyên liệu, làm vỏ máy, lồng bối dây, kể cả sơn vỏ, đóng gói nên chưa tạo được sự phối kết hợp, phân công giữa các doanh nghiệp để phát huy thế mạnh của nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí quản lý, mặt bằng sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, khó khăn trong việc giải quyết lao động dôi dư khi cổ phần hóa cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đến nay Nhà nước vẫn chưa có quy hoạch phát triển ngành thiết bị điện quốc gia, chưa có hành lang pháp lý cụ thể về hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Những quy định về năng lực đầu tư, thời gian kinh nghiệm, vốn đầu tư trong Luật Đấu thầu của Việt Nam cũng gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp. Thời gian kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm thường bị kéo dài khiến doanh nghiệp rất khó chủ động kế hoạch đấu thầu.

Cần thay đổi ngay từ tư duy

Năm 2009, EVN đề ra mục tiêu sẽ sản xuất 4.000 MBA các loại (trong đó có 37 MBA 110- 220 kV, 1 MBA 500 kV), 1.100 tấn cáp, 300 tấn dây đồng, 9.500 tấn cột thép mạ kẽm và 9.000 tấn thiết bị cơ khí thủy công. VEC cũng phấn đấu doanh thu toàn Tổng công ty đạt 4.500 tỷ đồng từ các sản phẩm thiết bị điện.

Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng quy hoạch phát triển ngành thiết bị điện quốc gia để việc định hướng đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành thực sự hiệu quả. Đồng thời có hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đồng bộ (hiện nay VEC sử dụng tiêu chuẩn IEC và TCVN; nhiều đơn vị khác sử dụng tiêu chuẩn GOST, DIN hoặc tiêu chuẩn do đơn vị tự đăng ký) dẫn đến việc quản lý chất lượng trên thị trường rất khó khăn. Các cơ quan chức năng cũng nên rút ngắn thời gian kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm để doanh nghiệp chủ động hơn trong thực hiện hợp đồng đấu thầu.

Theo ông Hoàng Thái An, chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật điện Việt Nam, bên cạnh hàng loạt giải pháp về thu hút vốn đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm thiết bị, đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đổi mới công nghệ, tranh thủ đầu tư... các đơn vị sản xuất thiết bị điện cần tăng cường phối hợp chuyên môn hóa trong sản xuất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Nghiên cứu đầu tư sản xuất các loại sản phẩm đang trống trên sân nhà như máy biến thế truyền tải 110 kV, 220 kV tiến tới sản xuất MBA 500 kV, các loại TU, TI 110, 220 kV... đẩy mạnh sản xuất công tơ điện tử, đồng hồ điện tử. Các đơn vị cũng cần phối hợp tốt trong cả lĩnh vực kinh doanh.

Ông Phạm Ngọc Thái- giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thiết bị điện cho biết, Công ty đã thành lập đơn vị Cổ phần kinh doanh vật tư thiết bị điện chuyên làm đầu mối nhập khẩu cung ứng nguyên liệu hàng hóa cho các đơn vị trong tổng công ty nhằm hưởng ưu đãi về giảm giá, chiết khấu, số lượng hàng hóa và lãi suất tín dụng, kể cả những khi khan hàng hoặc giá nguyên liệu lên cao nhằm giúp các đơn vị mua được hàng giá rẻ, kịp thời, lại không bị rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất.

Có lẽ các nhà sản xuất trong nước cần phải tiếp cận thị trường nhanh hơn và thay đổi tư duy, đồng thời với việc mở rộng xuất khẩu, cần chiếm lĩnh thị trường trong nước, tránh tình trạng để hàng ngoại lấn chiếm sân nhà.

Theo Công Thương