Sự kiện

Nâng cấp hạ tầng điện nông thôn

Thứ sáu, 13/2/2009 | 16:14 GMT+7
UBND thành phố Hà Nội đang triển khai đề án điện nông thôn giai đoạn hai (2008-2012). Ðề án tập trung vào nâng cấp, cải tạo lưới điện, chuyển đổi mô hình quản lý điện tại khu vực nông thôn Hà Nội, tạo điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế-xã hội tại những địa bàn này.

Trạm biến áp 110 kV Thạch Thất được vận hành cuối năm 2008, góp phần chống quá tải và giảm tổn thất điện năng khu vực Hà Tây cũ.
Những bất cập về hạ tầng

Sau hợp nhất, Hà Nội có thêm 345 xã, phường, thị trấn đang được cấp điện từ lưới điện nông thôn. Hiện nay còn 305 xã, phường, thị trấn (tập trung ở địa bàn Hà Tây cũ và huyện Mê Linh) được cấp điện bởi 1.469 trạm biến áp với 4.250 km đường dây hạ thế, do 572 đơn vị quản lý và bán điện cho 537.133 hộ tiêu thụ điện nông thôn. Mặc dù công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn đã hoàn thành được gần 5 năm nhưng phần lớn các tổ chức quản lý điện nông thôn đều không thực hiện theo Luật Ðiện lực, một số HTX chưa quản lý trực tiếp đến hộ dân mà thông qua khoán đấu thầu cho cá nhân hoặc nhóm người phụ trách. Tính đến cuối năm 2008, có 353/572 tổ chức đã hết hạn Giấy phép hoạt động điện lực (hầu hết các tổ chức chỉ được cấp phép hoạt động 1-2 năm, chỉ có 11 HTX được cấp phép hoạt động 5 - 10 năm) vì không đủ tiêu chuẩn. Ðội ngũ thợ điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn phần lớn đều không được đào tạo qua trường lớp nên năng lực quản lý và trình độ chuyên môn hạn chế, nhiều nơi đã để xảy ra mất an toàn cho người và thiết bị, gây tổn thất điện năng lớn. Một số nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn nên vẫn còn xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí thả nổi cho thợ điện theo kiểu lời ăn lỗ chịu, hàng tháng các thợ điện đóng góp trả cho xã một khoản tiền tùy theo sản lượng điện năng tiêu thụ trong tháng.

Tại nhiều xã, việc mở sổ sách, hạch toán kinh doanh bán điện của các tổ chức chỉ là hình thức. Giá bán điện sinh hoạt đến các hộ dân ở khu vực nông thôn đều vượt mức giá trần 700 đồng/kWgiờ. Có những địa phương như xã Phú Lương (Hà Ðông) có 1.938/4.088 hộ có giá bán điện ở mức từ 700 - 900 đồng/kWgiờ. Một số thị trấn do mua điện của ngành điện theo giá khu tập thể, cụm dân cư nên giá bán điện đến hộ dân có nơi hơn 900 đồng/kWgiờ. Chưa kể các khoản đóng góp hàng tháng trong quá trình sử dụng, thực chất giá điện phải trả cho một kWgiờ còn cao hơn nhiều. Mức giá điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt ở khu vực nông thôn Hà Nội hiện đang phổ biến từ 1.300-1.500 đồng/kWgiờ, cao gấp đôi giá trần nhà nước quy định khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển của sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Tình trạng trên địa bàn một xã có nhiều tổ chức kinh doanh điện nông thôn đã làm phân tán nguồn lực, không có điều kiện để tập trung đầu tư phát triển lưới điện và cải tiến về chất lượng dịch vụ, tranh chấp giữa các tổ chức với nhau về khách hàng gây khiếu kiện kéo dài. Như tại xã Cổ Ðông (Sơn Tây), các hộ kinh doanh cá thể cạnh tranh về địa bàn bán điện đã đầu tư xây dựng hai hệ thống lưới điện hạ áp nên xảy ra tình trạng có hai nguồn cấp điện cho mỗi hộ sử dụng, gây mất an toàn và khó khăn cho việc áp giá điện. Thị trấn Trôi (Hoài Ðức) cũng có sự tranh chấp giữa các tổ chức kinh doanh điện với chi nhánh điện...

Thực trạng lưới điện nông thôn của các xã mới hợp nhất về Hà Nội đã được xây dựng từ lâu, kinh phí có đến đâu làm đến đó trong khi việc đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp lưới điện hạ áp cũng chưa được các tổ chức quan tâm nên hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các đường nhánh hạ áp, cột điện chủ yếu là cột tự tạo, nhiều nơi sử dụng cột tre, dây dẫn nhiều chủng loại, một số nơi còn dùng dây dẫn trần, dây lưỡng kim. Có nhiều trạm biến áp chưa đặt đúng trung tâm phụ tải do thời điểm xây dựng trạm biến áp việc quy hoạch khu dân cư chưa rõ ràng. Việc phát triển phụ tải ở khu vực nông thôn cũng tràn lan, bán kính cấp điện từ 2-3 Km, có nơi tới 4 Km do hiện còn 298 thôn chưa có trạm biến áp nên phải dùng điện từ các trạm biến áp của các thôn khác nên bán kính cấp điện lớn, dẫn đến tổn thất điện năng, giá thành cao. Ðiển hình là các xã Tây Ðằng (Ba Vì), tổn thất điện năng là 30%, xã Minh Tân (Phú Xuyên) là 48%, xã Xuy Xá (Mỹ Ðức) là 34%, xã Cao Viên (Thanh Oai) là 33%, xã La Phù (Hoài Ðức) là 26%, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) là 27,6%... Năm 2008, sản lượng điện năng của 305 xã nông thôn ở Hà Nội khoảng 0,8 tỷ kWgiờ, với tỷ lệ tổn thất điện năng bình quân 30%, lượng điện lãng phí là 0,24 tỷ kWgiờ (quy đổi ra tiền là khoảng 168 tỷ đồng).

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Theo UBND thành phố, đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần nên lưới điện nông thôn ngoại thành cần nhanh chóng được đầu tư cải tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng, bảo đảm về chất lượng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ngoại thành. Hiện đại hóa lưới điện nông thôn là góp phần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện một bước tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, tạo sự bình đẳng và thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế thủ đô.

Mục tiêu đặt ra của Ðề án Ðiện nông thôn là chuyển giao lưới điện nông thôn tại những nơi tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đủ điều kiện hoạt động điện lực cho Công ty Ðiện lực Hà Nội quản lý, bán điện đến hộ dân theo đúng quy định. Huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn cả trung và hạ áp, đáp ứng nhu cầu điện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ngoại thành, góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn và cải thiện đời sống của người nông dân. Tiếp tục tăng cường quản lý đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn, nâng cao năng lực các tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Phấn đấu sau năm 2012, tổn thất điện năng xuống dưới 8%.

Trước hết, ngân sách thành phố sẽ đầu tư hơn 75 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế ở 13 xã miền núi. Dự kiến, suất đầu tư là 4 triệu đồng/hộ dân (đầu tư từ nguồn trạm biến áp cho đến tận phụ tải các hộ dân). Thành phố cũng đưa thêm 50 xã tham gia dự án năng lượng nông thôn 2 (RE2), nâng tổng số xã ngoại thành tham gia RE2 lên 78 xã. Tổng mức đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp cho 50 xã tham gia RE2 khoảng 255 tỷ đồng.

Ðối với 214 xã, phường, thị trấn còn lại, lưới điện nông thôn được chuyển cho Công ty Ðiện lực Hà Nội quản lý nếu các tổ chức kinh doanh điện tại đây không đủ điều kiện hoạt động điện lực. Công ty Ðiện lực Hà Nội tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và tổ chức ký hợp đồng bán điện trực tiếp tới từng hộ dân theo đúng giá quy định của Nhà nước, hoàn trả kinh phí đầu tư lưới điện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện trước đó theo giá trị được xác định theo đúng quy định và tổ chức đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn bảo đảm chất lượng và an toàn điện. Ðể vận hành lưới điện nông thôn tại 214 xã sau khi tiếp nhận bảo đảm an toàn và hiệu quả, thành phố tập trung đầu tư cải tạo cả phần trung và hạ áp với tổng kinh phí khoảng 1.037 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa, khoảng cách chênh lệch về hạ tầng điện giữa khu vực nội thành và ngoại thành sẽ được rút ngắn đáng kể. Thực trạng cấp điện tậm tịt, tổn thất điện năng lớn, giá bị đội lên cao ở khu vực ngoại thành, đặc biệt là các xã miền núi sẽ sớm bị xóa bỏ. Tuy nhiên, theo Công ty Ðiện lực Hà Nội, việc xử lý các tổ chức kinh doanh điện ở nông thôn không đủ điều kiện hoạt động điện lực cần được kiên quyết đồng thời, cần có cơ chế đầu tư để nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn tại những xã chưa được đầu tư theo RE2.

Theo Nhân dân