Sự kiện

Đảm bảo tính khả thi của Luật SDNLTK&HQ: Cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan

Thứ hai, 7/6/2010 | 10:41 GMT+7

Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII vào cuối tháng 6 này. Để đảm bảo tính khả thi, cũng như để Luật đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành. PV chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiệp – Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những nội dung cơ bản của Luật SDNLTK&HQ sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội từ kỳ họp trước?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Sau một thời gian soạn thảo rất công phu, tháng 11/2009, Dự thảo Luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XII. Tại kỳ họp này, chúng tôi cũng đã thu nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội. Giữa 2 kỳ họp, tổ công tác của Bộ Công Thương đã phối hợp với UB KHCNMT Quốc hội vẫn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội. Do đó, trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII này, Dự thảo đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu quốc hội để Luật cụ thể hơn, và như vậy, tính khả thi của Luật sẽ cao hơn và Luật dễ đi vào cuộc sống hơn.

Đây là Bộ Luật chuyên ngành gồm 12 Chương, 48 Điều. Trong đó, Chương I quy định những vấn đề chung có tính nguyên tắc; Chương II qui định về SDNLTK&HQ trong sản xuất công nghiệp; Chương III là SDNLTK&HQ trong xây dựng và chiếu sáng công cộng; Chương IV qui định SDNLTK&HQ trong giao thông vận tải; Chương V là trong sản xuất nông nghiệp; Chương VI là trong hoạt động dịch vụ và hộ gia đình; Chương VII là trong các dự án đầu tư, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; Chương VIII là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Chương IX đề cập đến quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Chương X là các biện pháp để thúc đẩy SDNLTK&HQ.

Xuyên suốt trong Bộ Luật này có thể thấy các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật được chia làm 2 nhóm. Một nhóm sử dụng nhiều năng lượng, được gọi là đối tượng sử dụng năng lượng trọng điểm, gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng  dân dụng, các cơ sở vận tải… phải chịu sự điều chỉnh bắt buộc gắn với các qui định cụ thể, chế tài thưởng, phạt rõ ràng. Còn nhóm sử dụng ít năng lượng là cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ khuyến khích thực hiện Luật chứ không bắt buộc.

Sự khác biệt giữa nhóm đối tượng phải chịu sự quản lý bắt buộc và nhóm đối tượng khuyến khích là nhóm đối tượng bắt buộc phải tổ chức Kiểm toán năng lượng, hàng năm phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện và triển khai công tác TKNL. Bên cạnh đó, phải xây dựng Báo cáo năng lượng cho cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, các nhóm đối tượng này phải cử cán bộ quản lý năng lượng chịu trách nhiệm xây dựng và giúp người đứng đầu thực hiện các chương trình kế hoạch thực hiện của Luật. Với nhóm đối tượng sử dụng ngân sách của Chính phủ, như các tòa nhà công sở, chiếu sáng đường phố, chiếu sáng công cộng cũng bắt buộc phải thực hiện các qui định trong Luật này. Luật cũng qui định trách nhiệm rất cao của người đứng đầu, nếu không thực thi Luật sẽ chịu các chế tài cụ thể. Đối với cộng đồng dân cư, các biện pháp chủ yếu vẫn là khuyến khích các hộ gia đình tham gia không sử dụng điện vào giờ cao điểm, khuyến khích mua bán các trang thiết bị sử dụng ít năng lượng, có hiệu suất cao…

PV: Qua diễn đàn Quốc hội, có rất nhiều đại biểu quốc hội băn khoăn về tính khả thi của Luật. Vậy theo ông, để Luật SDNLTK&HQ đi vào cuộc sống sẽ có những thuận lợi và khó khăn nào?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Nếu như 5 năm về trước, để đưa Luật SDNLTK&HQ vào cuộc sống chắc sẽ rất khó khăn, vì thực sự người dân và các doanh nghiệp chưa hiểu lắm về TKNL. Nhưng đến thời điểm này, với sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện truyền thông, sự triển khai khá bài bản của các Đề án TKNL trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia thì ý thức của người dân và các doanh nghiệp đã có sự thay đổi. Chúng tôi tin rằng, việc để Luật sẽ được cộng đồng đón nhận.

Ban soạn thảo đã phân tích rất kỹ thực trạng sử dụng năng lượng của Việt Nam và tham khảo Bộ Luật SDNLTK&HQ của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có điều kiện tương đồng trong khối ASEAN, hoặc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước đã đi trước Việt Nam rất lâu rồi. Vấn đề là làm sao để có sự phối hợp hài hòa giữa các đối tượng bị quản lý bắt buộc với các đối tượng chỉ khuyến khích áp dụng các biện pháp TKNL.

Có một số đại biểu cũng nghi ngại rằng, vì Luật SDNLTK&HQ có tính chuyên môn kỹ thuật rất cao và việc quản lý các đối tượng như cơ sở sử dụng năng lượng trong công nghiệp, tòa nhà, các cơ sở vận tải hay các trang thiết bị, các phương tiện sử dụng nhiều năng lượng thì phải căn cứ vào nhiều qui  chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do các bộ, ngành ban hành nên sẽ khó khăn trong triển khai. Để chuẩn bị cho việc này, Ban soạn thảo đã dự thảo xong các nội dung cơ bản của Nghị định Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SDNLTK&HQ, Nghị định Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SDNLTK&HQ, để sau khi Luật được ban hành là có ngay các Nghị định hướng dẫn thực hiện.

Ngoài ra, tổ công tác cũng đã dự thảo Lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện thiết bị, đề xuất nhóm trang thiết bị sử dụng năng lượng được quản lý đặc biệt làm cơ sở cho các nhà sản xuất, nhà quản lý phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, có thể nói, điều quan trọng nhất để đảm bảo tính khả thi của Luật và để Luật đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin truyền thông… Vì ngoài các Nghị định này, còn cần các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn như các Thông tư qui định các tiêu chuẩn, định mức về sử dụng năng lượng đối với các lĩnh vực sử dụng năng lượng khác nhau.

PV: Luật có nhấn mạnh về lộ trình dán nhãn năng lượng, tại sao vấn đề này lại được coi trọng như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Hoạt động dán nhãn năng lượng là biện pháp có hiệu quả nhằm định hướng việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất. Thực hiện dán nhãn chứng nhận sản phẩm TKNL sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã qui định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các sản phẩm TKNL đang lưu thông trên thị trường. Với hàng triệu sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng rộng rãi trong đời sống, sẽ tổng hợp thành mức tiết kiệm lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội.

Trong số các biện pháp thực hiện SDNLTK&HQ, chương trình dán nhãn sản phẩm TKNL được đánh giá là chương trình rất thành công, đưa lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, đặc biệt ở Mỹ (với nhãn có biểu tượng sao năng lượng nổi tiếng), các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Hoạt động dán nhãn TKNL cũng đã được ghi trong chương trình hành động hợp tác năng lượng ASEAN, thông qua các kế hoạch hợp tác 1999-2004 và 2004-2009.

PV: Vậy ông có thể cho biết những mốc quan trọng được qui định trong Lộ trình?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Chúng tôi đã hoàn thành dự thảo, sắp tới sẽ trình Chính phủ phê duyệt, trong lộ trình có phân ra các nhóm trang thiết bị khác nhau.

- Nhóm thứ nhất chúng tôi cho là dễ làm nhất là nhóm thiết bị gia dụng gồm các thiết bị chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình; nồi cơm điện; bình đun nước nóng bằng điện, quạt điện. Nhóm này dự kiến sẽ hoàn thành việc tổ chức dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 01/7/2011. Đến ngày 01/01/2013 sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm này.

- Nhóm thứ hai là nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm máy  photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác. Dự kiến sẽ hoàn thành việc tổ chức dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 01/01/2014 cho các sản phẩm máy photocopy và bộ nguồn máy tính. Đến 01/01/2015 áp dụng bắt buộc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm thuộc nhóm này.

- Nhóm thứ ba là nhóm thiết bị công nghiệp gồm động cơ điện, nồi hơi cỡ nhỏ và trung bình, máy biến áp ba pha và các thiết bị công nghiệp khác. Dự kiến hoàn thành dán nhãn tự nguyện trước ngày 01/01/2012 cho các sản phẩm động cơ điện (công suất đến 200 kW), máy biến áp ba pha (dung lượng đến 2.000 kVA). Đến 01/01/2013 sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng.

- Nhóm thứ tư là nhóm sản phẩm vật liệu, phụ kiện gồm vật liệu cách nhiệt, kính, cửa sổ, tấm lợp, tấm vật liệu, các vật liệu, phụ kiện TKNL… Nhóm này tổ chức dán nhãn năng lượng tự nguyện và tiến tới bắt buộc từ ngày 01/01/2015.

Qui định chung đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là kể từ ngày bắt buộc dán nhãn thì các sản phẩm được lựa chọn trong lộ trình phải được nhà sản xuất/nhập khẩu công bố thông tin về mức hiệu suất năng lượng trước khi đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn khi mua sắm.

PV: Trong mỗi bộ Luật không thể thiếu được yếu tố hội nhập. Với Luật SDNLTK&HQ, yếu tố này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Trên thực tế, các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới đã ban hành Luật SDNLTK&HQ từ rất sớm, như Nhật Bản từ những năm 1970, các nước ASEAN cũng có từ khoảng những năm 1990. Trung Quốc là nước gần ta nhất cũng đã ban hành bộ Luật này từ năm 1998, sửa đổi năm 2004. Nhìn chung, Luật của các nước đều hướng tới thừa nhận lẫn nhau trong một số lĩnh vực. Ví dụ, Luật của tất cả các nước đều qui định vấn đề quản lý các trang thiết bị thông qua tiêu chuẩn kỹ thuật, nhãn năng lượng, định mức sử dụng năng lượng tối thiểu đối với các trang thiết bị. Đây được coi là các  biện pháp thừa nhận lẫn nhau, các sản phẩm năng lượng khi được dán nhãn TKNL có thể được công nhận và lưu hành trên thị trường các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các nước cũng đưa ra một mô hình tương tự như nhau là mô hình người quản lý năng lượng. Tức là, tại những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, phải có một người làm nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đôn đốc, hỗ trợ người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các giải pháp TKNL. Theo đề án thừa nhận lẫn nhau đang được xây dựng của ASEAN, thì người quản lý năng lượng sau khi được cấp chứng chỉ theo chuẩn của ASEAN có thể được làm việc ở các địa bàn khác nhau trong khu vực, các báo cáo kiểm toán năng lượng, định mức sử dụng năng lượng… được các cơ sở sử dụng năng lượng công nhận.

Có thể nói, hiện nay, việc quản lý phía sử dụng năng lượng trong khối ASEAN và các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc gần như lựa chọn một phương pháp luận chung và thừa nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và các mô hình quản lý năng lượng. Do đó, nếu Việt Nam không sớm tham gia vào xu hướng chung của khu vực và thế giới, thì sẽ không tận dụng được cơ hội để cùng nhau quản lý tốt hơn việc SDNLTK&HQ trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của công đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Nga (thực hiện)