Sự kiện

Huy động vốn cho các dự án điện: Cơ chế chưa đủ hấp dẫn

Thứ sáu, 16/7/2010 | 09:53 GMT+7

Thời gian qua, do nguồn cung điện thiếu đã dẫn đến tình trạng thiếu điện ở nhiều nơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được nỗi khó khăn của việc thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện.

Những dự án thủy điện rất cần nguồn vốn đầu tư lớn. Ảnh Ngọc Hà

Cầu rất lớn

Theo Quy hoạch Điện VI, tổng vốn đầu tư ngành điện cần tới 80 tỷ USD. Chỉ tính đến năm 2015, EVN được giao 48 dự án nguồn điện, với tổng công suất 22.748 MW/59.469 MW (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới của Quy hoạch Điện VI) và hệ thống lưới điện đồng bộ với tổng vốn đầu tư ước tính 715.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều dự án chưa thể triển khai hoặc đang triển khai cầm chừng vì không thu xếp được vốn. Thậm chí, năm 2008, EVN đã phải xin trả lại Chính phủ 13 dự án điện trong Quy hoạch Điện VI với lý do không có khả năng huy động vốn đầu tư để khởi công. Đó là chưa kể, 5 nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 6.000 MW sẽ đưa vào vận hành từ nay đến 2015 và nhà máy thuỷ điện (Luang Prabang 1.100 MW) cần nguồn vốn tới gần 11 tỷ USD cũng đang là vấn đề khá nan giải.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng lên kế hoạch từ nay đến năm 2016 phải hoàn thành 13 dự án nhiệt điện than và 1 dự án thuỷ điện tổng công suất 7.092 MW với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 10 tỷ USD. Từ năm 2010 trở đi, TKV cần huy động một lượng vốn khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng, tương đương 1,3 - 1,6 tỷ USD/năm; trong đó vốn cho than, điện chiếm đến 70 - 80% nhu cầu. PVN cũng cần lượng vốn đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 75 tỷ USD, trong đó phần vốn phải thu xếp lên tới 20 tỷ USD. Ngoài ra, ngành năng lượng tái tạo phấn đấu tăng tỷ lệ lên khoảng 3% tổng sản lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050 (riêng suất đầu tư của các nhà máy phong điện ước khoảng 2.500 – 3.000 USD/kW). Chưa kể các dự án điện của Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam… cũng cần nguồn vốn không nhỏ.

Bộ Công Thương cũng đã giao các cơ quan nghiên cứu 15 quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than, chuẩn bị trình duyệt Quy hoạch Điện VII (giai đoạn 2010-2020, có xét đến năm 2030). Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng công suất 4.000 MW, trong đó hai tổ máy của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đưa vào vận hành năm 2020 và 2011. 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030 cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tất cả đều cần nguồn vốn khá lớn.

Cung không theo kịp

Trước nhu cầu cấp bách về vốn, các doanh nghiệp đang phải tìm mọi cách xoay xở khá vất vả. Ông Đinh Thái Hà, đại diện PVN, cho biết: Năm 2009, ngoài vốn tự có, PVN đã phải vay nước ngoài, giải ngân gần 1,2 tỷ USD. Hiện PVN đang nghiên cứu thực hiện việc phát hành trái phiếu quốc tế nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho đầu tư năm 2010 và các năm tiếp theo. TKV cũng tìm cách huy động vốn thông qua các kênh như tín dụng xuất khẩu, vay hợp vốn từ các tổ chức quốc tế, phát hành trái phiếu trong nước… Mới đây, TKV đã ký hợp đồng vay 7 ngân hàng quốc tế 200 triệu USD và ký vay của JBIC/SMBC 150 triệu USD. EVN cũng đang tìm mọi giải pháp thu xếp vốn từ các nguồn vay, huy động trái phiếu, tín dụng, bán bớt phần vốn của EVN tại các công ty cổ phần, tiếp tục CPH để bổ sung vốn đầu tư cho các công trình mới… Gần đây nhất, EVN đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để tìm kiếm nguồn tài trợ vốn bổ sung trị giá 5.300 tỷ đồng cho các dự án điện. Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện tại, dư nợ của BIDV đối với ngành năng lượng khoảng gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các dự án ngành điện. Tuy nhiên, theo đại diện của các tập đoàn này thì nguồn vốn thu xếp được vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Khó từ cơ chế

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do quy mô của các dự án năng lượng lên đến hàng chục tỷ USD/năm nên khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước rất khó khăn. Hơn nữa, các dự án năng lượng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối, ràng buộc của nhiều yếu tố, vượt quá năng lực thẩm định của các ngân hàng. Đó là chưa kể những rủi ro khi triển khai dự án điện như việc hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của dự án thủy điện, từ đó ảnh hưởng hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án. Bên cạnh đó, thị trường vốn Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, tính công khai, minh bạch cũng còn hạn chế, số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp không nhiều, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ khiến các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng khó khăn hơn. Việc huy động vốn từ các thị trường quốc tế cũng không dễ dàng vì thu xếp các khoản vay lớn từ ngân hàng thế giới đòi hỏi sự hợp vốn của rất nhiều ngân hàng, trong khi vấn đề thủ tục và đàm phán khá phức tạp. Hình thức vay tín dụng xuất khẩu khá hấp dẫn vì lãi suất tương đối cạnh tranh thì lại phải có sự bảo lãnh của Chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) với những thủ tục hành chính rất phức tạp và không phải dự án nào cũng thu xếp được do hạn mức cấp bảo lãnh vay vốn của Chính phủ chỉ có hạn. Bên cạnh đó, những rào cản trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và cơ chế đấu thầu hiện nay đang là vấn đề làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, trong khi ở các quốc gia khác, những dự án điện thực hiện theo hình thức BOT thì nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu, tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí đầu tư.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất khiến cho việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam còn khó khăn chính là cơ chế giá. Ông Đào Văn Hưng, chủ tịch HĐQT EVN cho biết, trong hơn 20 năm thu hút FDI, đến nay, các dự án FDI cho lĩnh vực điện chỉ mới có 1,2 tỷ USD vốn đăng kí với 2 dự án nguồn điện 100% vốn FDI thành công là Nhà máy điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2. Nguyên nhân là do giá điện trong nước đang ở mức dưới 5 cent/kWh, thấp hơn nhiều nước nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Là doanh nghiệp vừa mua vừa bán điện, ông Trần Xuân Hòa, phó Tổng giám đốc TKV cũng kêu giá điện hiện nay quá thấp nên hai nhà máy nhiệt điện của TKV bán điện cho EVN không đủ bù lỗ chi phí than. Bà Phạm Thị Thu Hà, phó Tổng giám đốc PVN cũng cho rằng, cơ chế giá điện cũng đang khiến PVN gặp khó khăn trong việc đầu tư các dự án về điện ra nước ngoài. Vấn đề là, quyền quyết định giá điện thuộc về Chính phủ nên EVN không thể tự giải quyết được. Ồng Đậu Đức Khởi, phó Tổng giám đốc EVN khẳng định: muốn thu hút vốn đầu tư vào các dự án nguồn điện, cần minh bạch hóa thị trường điện càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo giá điện hợp lí, có lãi, phù hợp với giá thị trường. Rõ ràng, thực tế không phải là thiếu nhà đầu tư mà là thiếu cơ chế hợp lý để thu hút đầu tư.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp mời gọi các tổ chức tín dụng quốc tế đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam, phát hành trái phiếu nước ngoài thu hút nguồn vốn, bảo lãnh từng phần hoặc toàn phần cho các dự án năng lượng quan trọng, hiện nay Chính phủ đang tiến hành từng bước chủ trương điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường cùng với các giải pháp về cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn vốn, nhất là vốn trên thị trường quốc tế. Hy vọng đây sẽ là tín hiệu quan trọng góp phần giải quyết bài toán về vốn cho ngành điện.

Ngọc Loan