Tin mới nhất

Đánh thức dòng sông

Thứ sáu, 25/12/2009 | 09:41 GMT+7

Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp được xây dựng ở vị trí cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20 km, nằm trên địa phận 3 huyện Krông Ana, Krông Nô và Cư Jút thuộc tỉnh Đăklăk, nên so với các nhà máy thuỷ điện “Buôn Kuốp” được xếp vào loại “nhất cận thị”.  Tháng 10, Tây Nguyên đang là mùa mưa nên đất đỏ trên những con đường quyện vào nhau níu kéo bước chân người đi. Hai bên đường vào công trường đã có lác đác nhà dân và  dường như vẫn còn thơm mùi đất vỡ hoang.

Thủy điện Buôn Kuốp. Ảnh: Ngọc Hà
Theo quy hoạch, trên dòng sông Srêpôk sẽ có 6 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất lắp máy là 621MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 3 tỉ kWh. Dự án thuỷ điện Buôn Kuốp là một trong số các nhà máy được xây dựng trên dòng sông này, có công suất lắp máy 280 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 1,37 tỉ kWh. Tổng mức đầu tư khoảng 4.616 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay thương mại và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự cân đối. Dự án do Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 làm tư vấn chính. Tổ hợp các nhà thầu xây lắp gồm: Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Tổng công ty  Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam và Tổng công ty Trường Sơn (Binh đoàn 12), trong đó Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam là tổng thầu.

Dự án Thuỷ điện Buôn Kuốp là một trong 10 dự án thuỷ điện do EVN làm chủ đầu tư, khởi công trong 2 năm 2003-2004 thực hiện theo cơ chế đặc biệt “797” và “400”. Nhờ đó đã rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị đầu tư: báo cáo nghiên cứu khả thi duyệt tháng 9-2003, sau 3 tháng đã phê duyệt được thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và tháng 12-2003 tiến hành khởi công công trình chính. Nhờ chia thiết kế kỹ thuật làm hai giai đoạn nên công tác lập thủ tục để khởi công nhanh hơn năm rưỡi so với tiến độ thông thường. Nếu so sánh với tư vấn nước ngoài lập thiết kế kỹ thuật cho Dự án thuỷ điện Đại Ninh, Hàm Thuận-Đa Mi thì nhanh hơn đáng kể.

Để chuẩn bị khởi công công trình, Ban Quản lý dự án thuỷ điện 5 đã cho triển khai thi công đường từ Quốc lộ 14 qua khu vực sẽ xây dựng Nhà máy đến đập, thi công đường dây 22kV cung cấp điện cho khu vực thi công công trình. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng được địa phương quan tâm giải quyết kịp thời để tiến hành san nền, xây dựng văn phòng của các nhà thầu, lán trại và cơ sở xe máy thi công ngách hầm thi công giữa, cửa lấy nước.  Sau 4 tháng, nhưng là 4 tháng của mùa mưa Tây Nguyên, các đơn vị thi công đã hoàn thành các hạng mục giao thông, khu phụ trợ, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... Phân chia khối lượng công việc công trình chính, hợp đồng nguyên tắc giữa đại diện của Chủ đầu tư là Ban QLDA Thuỷ điện 5 và đại diện các nhà thầu xây lắp chính cũng đã được hoàn tất chóng vánh.

Sau 1.920 ngày thi công, ngày 23-3-2009, Tổ máy số 1 Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp (140MW) đã vận hành không tải và sau 6 ngày vận hành không tải để hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật, tổ máy số 1 đã chính thức hòa lưới điện quốc gia. Cũng như vậy, tổ máy số 2 vận hành không tải vào ngày 22-9-2009 và chính thức hòa lưới điện quốc gia vào ngày 28-9-2009. Đây là thời gian hiệu chỉnh kỷ lục đối với các công trình thuỷ điện ở Việt Nam từ trước tới nay. Như vậy chỉ trong vòng 6 tháng, Ban Quản lý dự án thuỷ điện 5 và các nhà thầu đã đưa vào vận hành 2 tổ máy với tổng công suất 280MW, đáp ứng kip thời nhu cầu sử dụng điện khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Theo các chuyên gia thuỷ điện đánh giá, công trình thuỷ điện Buôn Kuốp được đánh giá là công trình có địa chất khá phức tạp. Địa chất kém, đường hầm dài (10km) là trở ngại lớn cho việc đảm bảo tiến độ thi công. Tuy vậy, ngày 16-9-2008, nhà thầu thi công đã nổ gương cuối hầm đứng số 2 kết thúc công tác đào của hạng mục khó khăn nhất của dự án theo đúng tiến độ.

Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp là dự án có hiệu quả nhất trong các dự án thuỷ điện bậc thang nằm trên dòng sông Srêpok. Việc xây dựng các nhà máy trên dòng sông Tây nguyên này sẽ thu hút hàng nghìn lao động, trong đó có một phần lao động tại tỉnh Đăklăk. Đồng thời sẽ làm đổi mới vùng dân cư rộng lớn, cùng sự chuyển biến mạnh mẽ trong tập quán làm ăn, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Hồ chứa của các nhà máy thuỷ điện có sức chứa khoảng 2 tỉ m3 nước, không những chỉ tạo độ ẩm, giúp cải thiện điều kiện môi trường, môi sinh vốn bất thường ở Tây Nguyên, mà còn tạo ra nguồn thuỷ sản to lớn, đặc biệt sẽ cung cấp nước tưới cho hàng trăm ngàn héc ta đất sản xuất nông  nghiệp của nhân dân.

Hiện nay, Nhà máy Thuỷ điện Buôn Kuốp đã đi vào vận hành, ngoài việc cung cấp điện đáp ứng phát triển kinh tế, công tình đã tạo ra hạ tầng cơ sở tốt về giao thông đường bộ, đường thuỷ, góp phần cho phát triển du lịch, khơi dậy những tiềm năng đang tiềm ẩn trong vùng đất bao la trù phú của Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trong lễ khởi công, Dự án thuỷ điện Buôn Kuốp và các dự án thuỷ điện trên dòng sông Srêpok sẽ tiếp thêm nguồn lực cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng nhân dân cả nước hòa nhịp phát triển đi lên, tạo ra diện mại mới trong các buôn làng. “Buôn Kuốp” sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và ưu tiên hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ chính sách trong khu vực Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước. Sáu nhà máy điện được xây dựng trên dòng sông Srêpok sẽ tạo thành một dòng sông ánh sáng trên vùng đất Tây Nguyên và chính những công trình này đã đánh thức dòng sông…/

Thanh Mai