Sự kiện

Nhật Bản là ứng viên tiềm năng về công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Thứ tư, 16/9/2009 | 15:10 GMT+7

Bên lề Hội thảo hợp tác năng lượng nguyên tử Việt Nam-Nhật Bản diễn ra vào ngày 16/9 tại Hà Nội, phóng viên đã phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương Tạ Văn Hường về công tác chuẩn bị triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (dự kiến được xây dựng tại 2 xã Phước Dinh và Vĩnh Hải của tỉnh Ninh Thuận với quy mô 4 tổ máy với tổng công suất 4.000 MW).


Ông Tạ Văn Hường-Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí-Bộ Công thương
Phóng viên: Xin ông cho biết tính cấp thiết của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

Ông Tạ Văn Hường: Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng trong tương lai. Vì vậy, một trong những phương án khả thi cũng như đảm bảo tính kinh tế nhất là phát triển năng lượng hạt nhân mà thực chất là nhập khẩu năng lượng hạt nhân bởi Việt Nam không sẵn có nguồn nhiên liệu urani cũng như không có công nghệ sản xuất ra nhiên liệu urani. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng hạt nhân cũng góp phần giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường; đồng thời mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh của đất nước. Theo tôi, nếu Việt Nam không đi theo con đường phát triển năng lượng hạt nhân thì nguy cơ thiếu năng lượng sẽ không thể giải quyết được.

Phóng viên: Hiện nay, có rất nhiều nước trên thế giới với các dạng công nghệ khác nhau muốn được hợp tác với Việt Nam trong dự án nhà máy điện nguyên tử. Xin ông cho biết dạng công nghệ nào sẽ được lựa chọn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam?

Ông Tạ Văn Hường: Trong báo cáo đầu tư trình lên Chính phủ vừa rồi, các chuyên gia đã đề xuất 2 loại công nghệ nên áp dụng vào Việt Nam là lò áp lực (PWR) hoặc lò nước sôi (BWR) nhưng là lò nước nhẹ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam loại trừ lò nước nặng của Canada và Ấn Độ. Hiện nay, lò nước nhẹ áp lực là dạng công nghệ được áp dụng phổ biến trên thế giới (chiếm tới 70%) trong các nhà máy điện hạt nhân. Cho nên tính an toàn, tính chắc chắn là đã được kiểm chứng. Chính phủ cũng yêu cầu phải đặt tiêu chí an toàn của nhà máy điện hạt nhân lên hàng số 1 khi lựa chọn công nghệ. Trong khi đó, xét về mặt kỹ thuật, Nhật Bản là một trong những nước hàng đầu thế giới về công nghệ lò hạt nhân kiểu này. Do vậy, nhiều khả năng, Nhật Bản là ứng cử viên tiềm năng để lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản đã có truyền thống hợp tác với Việt Nam về năng lượng. Cho nên, đối với dự án điện hạt nhân đầu tiên này, chúng tôi kỳ vọng vào việc Nhật Bản không chỉ giúp đỡ về mặt công nghệ mà còn thu xếp về mặt tài chính cho dự án điện hạt nhân.    

Phóng viên: Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng với 4 tổ máy với tổng công suất lên tới 4.000 MW trong khi suất đầu tư lên tới 3,8 triệu USD/MW. Vậy vốn đầu tư cho dự án sẽ được thu xếp như thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Văn Hường: Đối với dự án đầu tư nhà máy điện nguyên tử đầu tiên này, bên cạnh việc hợp tác về công nghệ, chúng ta cũng phải tính tới khả năng thu xếp vốn cho dự án. Theo tôi, việc huy động vốn từ các công ty, hoặc các nước có quan hệ chính trị kinh tế gần gũi là thuận lợi nhất.

Phóng viên: Theo phương án được tính toán, mỗi năm, mỗi tổ máy công suất 1.000 MW sẽ cần khoảng 30 tấn urani được làm giàu lên tới 4%. Vậy việc nhập khẩu nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân sẽ thông qua hình thức nào, thưa ông?

Ông Tạ Văn Hường: Cũng giống như các loại nhiên liệu hoá thạch kách như than, dầu khí, thế giới cũng có thị trường nhiên liệu cho điện hạt nhân. Một số nước có nhà máy điện hạt nhân lựa chọn mua nhiên liệu trê thị trường này. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp nhiên liệu ổn định cho nhà máy điện hạt nhân, các chủ đầu tư trên thế giới thường ký các hợp đồng cung cấp nhiên liệu lâu dài cho nhà máy, nhiều khi là cho cả đời hoạt động của nhà máy. Với đặc thù của Việt Nam, theo tôi, trong giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân, Việt Nam nên ưu tiên ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu lâu dài với nhà cung cấp thiết bị, công nghệ luôn. Còn giai đoạn sau, tuỳ theo khả năng, có thể mua nhiên liệu trên thị trường.

Phóng viên: Xin ông cho biết thời điểm Việt Nam sẽ quyết định chính thức việc lựa chọn công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?

Ông Tạ Văn Hường: Mọi việc sẽ được quyết định tất cả khi báo cáo đầu tư (FS) được phê chuẩn bởi Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 10 tới đây. Khi FS được phê chuẩn thì cũng có nghĩa là công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân được lựa chọn xong.

Xin cảm ơn ông!

Kim Anh (thực hiện)