Sự kiện

Thuỷ điện Sơn La mùa nước rút

Thứ tư, 16/9/2009 | 09:37 GMT+7

Chúng tôi quay lại Thuỷ điện Sơn La những ngày đầu tháng 9, đang giữa mùa thu mà ở thung lũng Ít Ong này thời tiết vẫn vô cùng nóng nực. Trời vừa nắng rát vừa oi nồng như đang thử thách sự chịu đựng và lòng kiên trì của những người thợ.

Nhìn từ xa, hình hài của một nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã hiện ra rõ nét. Toàn bộ bức tường bê tông chắn ngang sông và các tổ máy đứng sừng sững như đang thách thức núi sông. Những hạng mục cơ bản của công trình đang vào giai đoạn hoàn thiện. Các khu vực lắp đặt các tổ máy, cửa lấy nước, khu vực thi công bê tông dốc nước, đập không tràn bờ phải đang hối hả thi công.

Tầm vóc một công trình

Thời gian này, Thủy điện Sơn La đang vào mùa nước rút theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng tôi gặp anh Hà Quốc Đạo, phó giám đốc xí nghiệp 652, công ty 565 (Tổng công ty Trường Sơn) đang chỉ đạo thi công đổ bê tông bệ dốc nước. Thấy tôi ngạc nhiên vì trong không khí hối hả của máy móc, cần cẩu rất hiện đại và hoành tráng mà một nhóm thợ của anh vẫn ngồi giữa trời nắng chói chang, dùng bàn chải tỉ mẩn cọ rửa từng cm lớp đá gốc sạch tới nhẵn lì. Sau khi đá được rửa sạch lại có một nhóm khác cẩn thận dùng xà beng xỉa lên mặt đá tạo độ nhám để chuẩn bị đổ bê tông. Anh Đạo cho biết, đổ bê tông là một trong những công đoạn quan trọng của công trình Thủy điện Sơn La. Theo tính toán, toàn công trình phải sử dụng gần 6 triệu m3 bê tông, trong đó có khoảng 3,2 triệu m3 bê tông đầm lăn (RCC), còn lại là bê tông thường.

Để đổ được bê tông, những người thợ ở đây phải đào hơn 16,6 triệu m3 đá, xúc vận chuyển 20 triệu m3 đất đá, đầm 2 triệu m3 đất nền. “Nếu không cẩn thận sau này bê tông bị nứt thì với hàng triệu tấn bê tông nằm sâu dười lòng sông làm sao khắc phục được hậu quả. Mọi người đều ý thức điều đó nên ai cũng hết sức cẩn thận”. Cũng theo anh Đạo, nhìn anh em làm có vẻ nhẹ nhàng nhưng để đến được lớp đá gốc này, đơn vị anh chỉ thi công bệ dốc nước dài 237 m, rộng 138 m, nơi cao nhất là 28,6 m đã phải mất gần 6 năm trời.Không chỉ nổ mìn phá núi, nạo vét lòng sông mà mỗi mùa lũ đến anh em lại phải chống chọi với mưa bão, sạt lở, đất đá từ các triền núi, khe hẻm dồn xuống. Khu vực này chỉ đổ bê tông thường (CVC) nhưng cũng rất gian nan vì yêu cầu kỹ thuật phải dùng xi măng chống thấm mác 400. Khi trời nắng anh em phải làm việc vào ban đêm để hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài bê tông có thể làm bê tông bị nứt. Vất vả nhất là đổ bê tông khu vực đập.

Do được thiết kế với độ an toàn rất cao, có thể chịu động đất cấp 8 và dòng lũ sông Đà lên tới 48 000 m3/giây nên đập Sơn La được đổ bằng bê tông đầm lăn (RCC). Loại bê tông này chế tạo từ xi măng, đá, cát và tro bay (loại sản phẩm thải từ muội than của nhà máy nhiệt điện Phả Lại) cùng một số phụ gia khác. Yêu cầu của bê tông RCC là phải luôn đảm bảo nhiệt độ bê tông ở 22 độ C, vì vậy, những ngày nắng nóng, thợ phải trộn khoảng 20 kg nước đá cho mỗi mét khối RCC. Đổ loại bê tông này không được phép dừng lại nên dù trời mưa hay nắng, kể cả khi gió bão cũng phải căng bạt lên, chia ca kíp để làm việc 24/24h. Ai đã tham gia chiến dịch đổ bê tông coi như không còn ngày nghỉ. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công khá hiệu quả. Để có 1 triệu m3 bê tông, một công ty sản xuất bê tông theo phương pháp thông thường phải mất 20 năm làm việc liên tục, trong khi Công ty Sông Đà 5 với 1 trạm trộn 720m3/h chỉ cần 8 tháng. Đến nay, khu vực bờ trái đập chính được đổ bê tông đầm lăn đã lên ngang tầm núi. Theo thiết kế, đập sẽ có chiều cao 138,1 mét với khối lượng thi công đập là 3,082 triệu m3, dự kiến tháng 5 năm 2010 sẽ kết thúc đổ bê tông đập chính và bắt đầu tích nước hồ.

Không chỉ khu vực thi công bê tông dốc nước, tại các khu vực lắp đặt các tổ máy, cửa lấy nước, đập không tràn bờ phải, khu khai thác mỏ đá Bản Pểnh… những người thợ cũng đang hối hả với công việc của mình. Tại các tổ máy, thợ của Lilama 10 đang miệt mài lắp đặt thiết bị. Nghe nói toàn công trình phải lắp đặt trên 115.000 tấn thiết bị, Lialama phấn đấu trong năm nay sẽ lắp đặt khoảng 2.020 tấn. Đường ống áp lực đường kính tới 10,5 m như những con rồng khổng lồ đang được hoàn thiện, thợ đã tiến hành đổ bê tông chân buồng xoắn và giếng tua bin tổ máy số 1. Các tổ hợp thiết bị máy cũng đang được lắp đặt theo đúng kịch bản. Bước đột phá quan trọng nhất là toàn bộ buồng xoắn, đường ống áp lực, khuỷu hút, thiết bị phụ trợ đều do thợ Việt Nam lắp ráp tại công trường, hiện cả đội đều vượt kế hoạch được giao với sự sáng tạo, năng động bất ngờ, đảm bảo độ chính xác cao nhằm đạt mục tiêu cuối năm 2010 phát điện tổ máy 1. Công đoạn này vô cùng quan trọng nên đội ngũ giám sát kỹ thuật theo sát từng bước, kiểm tra từng bu loong đinh ốc. Đúng là công trình được xây dựng bằng trí tuệ, sức mạnh, sự kiên trì nhẫn nại và lương tâm người thợ.

Sự hy sinh thầm lặng

Để có một Thủy điện Sơn La hôm nay, 19.990 hộ dân với 96.000 nhân khẩu đã phải rời bỏ quê hương bản quán để nhường lại lòng hồ cho Thủy điện Sơn La. Anh Vũ Văn Tuấn, trưởng phòng tái định cư của Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La là người đã tham gia khảo sát đất đai tìm khu vực tái định cư cho bà con. Để lập được dự án tiền khả thi, anh đã mò mẫm trên những vùng đất hoang sơ từ khi chưa có dấu chân người. Anh kể, lúc đó anh chỉ đi khảo sát bằng 2 cách: đi thuyền vượt thác ghềnh trên sông Đà hoặc thuê xe ôm rồi đi bộ trong rừng. Tiếng dân tộc không biết, địa hình không thuộc, các anh phải nhờ các già làng trưởng bản chỉ cho nơi nào cây mọc tốt, nơi nào có suối nước, dễ mở đường rồi đích thân đến đo đạc, ngắm nghía rồi về vẽ vời tính toán, sau đó lập quy hoạch tái định cư. Việc tìm chỗ ở cho gần 20.000 hộ dân với những tập quán phong tục khác nhau đâu có đơn giản. Nhiều phen hút chết vì thác lũ trên sông, lạc đường trong rừng. Thế mà mọi việc vẫn trôi chảy. Dù vất vả bao nhiêu cũng không thấm gì so với sự hy sinh cao cả của bà con các dân tộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu khi phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình để nhường đất cho vùng lòng hồ với diện tích lên tới 225 km2.

Không chỉ người dân bản xứ mà những người thợ tham gia xây dựng công trình và hậu phương của họ cũng chịu gian khổ hy sinh không kém. Hầu hết đều phải sống xa nhà, mỗi năm đôi lần về nghỉ phép, nghỉ tết. Công to việc lớn trong họ, việc chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con cái khoán trắng cho vợ. Lo đấy nhưng khi được hỏi có buồn không các anh đều cười: công việc bận lắm, không có thời gian để buồn. Ở đây người thợ không chỉ chịu đựng cái khắc nghiệt của thời tiết mà còn chịu sức nóng từ áp lực tiến độ công trình với nhiệm vụ phải đảm bảo phát điện vào cuối năm 2010. Nghe nói, mỗi năm vượt tiến độ Nhà nước sẽ có thêm doanh thu 500 triệu USD từ Nhà máy thủy điện Sơn La và tiết kiệm 50 triệu USD. Ngoài mục đích phát điện, thủy điện Sơn La còn góp phần chống lũ về mùa mưa, chống hạn cho đồng bằng sông Hồng mùa khô cạn. Niềm ước ao lớn nhất của những người tham gia công trình này là có được những ghi chép để lại cho hậu thế về một công trình vĩ đại được làm nên từ những con người rất bình thường ở đây.

Theo: CôngThương