Sự kiện

Cần sớm lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, kinh doanh điện nông thôn

Thứ tư, 16/9/2009 | 09:57 GMT+7

Theo tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến tháng 7/2009, trên phạm vi cả nước đã có 8.845/9.082 xã có điện (đạt 97,74%), trong đó các điện lực đã bán điện trực tiếp tới khoảng 5.000 , trong đó có nhiều tỉnh, thành phố và các công ty điện lực đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến 100% hộ dân nông thôn.

Tiếp nhận lưới điện nông thôn tại Chi nhánh điện Tuy Hòa - Phú Yên. Nguồn ảnh: PC3
Hiện nay, trên địa bàn toàn quốc vẫn còn khoảng 4.000 xã với gần 5 triệu hộ sử dụng điện ở nông thôn đang phải mua điện từ 7.000 tổ chức quản lý điện tại các địa phương, chủ yếu là các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và hàng ngàn HTX, hộ kinh doanh cá thể và đại diện các cụm dân cư, đây là những tổ chức do các địa phương thành lập.

Ngược dòng thời gian, thì việc hình thành các tổ chức hoạt động và kinh doanh bán điện tại các địa phương được xem như một “tất yếu lịch sử”, phù hợp với bối cảnh cách đây 5 - 6 năm nay, nó không chỉ “gánh đỡ” một phần cho các công ty điện lực; mở ra một hướng quản lý mới khi thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Công nghiệp về đa dạng các loại hình kinh doanh điện năng, mà còn bắt buộc các doanh nghiệp tham gia hoạt động điện lực phải có đủ tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật.  

Tuy nhiên, khoảng vài năm lại đây, thị trường điện nông thôn đang có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủQuyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/02/2009 Bộ Công Thương có Thông tư số 05/2009/TT-BCT ngày 26/02/2009 quy định về giá bán điện, trong đó quy định: “Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán lẻ điện sinh hoạt nông thôn phải điều chỉnh lại quy trình quản lý hạch toán kinh doanh bán điện để đạt được các tiêu chuẩn như: Phải có giấy phép hoạt động điện lực; phải có sổ sách kế toán đúng quy định, phải lắp đặt công tơ và ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện; hàng tháng phải phát hành hoá đơn tiền điện cho khách hàng với giá bán điện là giá sinh hoạt bậc thang như EVN đang bán theo biểu giá của Chính phủ. Nếu các tổ chức, cá nhân không đáp ứng được các yêu cầu trên, thì đến ngày 31/8/2009, Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh để thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, thống nhất kế hoạch đình chỉ hoạt động của đơn vị vi phạm để bàn giao cho các công ty điện lực tiếp nhận bán điện trực tiếp đến khách hàng sử dụng điện nông thôn”. Với các quy định này, thì hầu hết các tổ chức kinh doanh điện do địa phương thành lập đã không đáp ứng được những yêu cầu do Chính phủ và Bộ Công Thương đề ra.

Theo thông tin từ các đồng nghiệp, hiện nay, tình hình quản lý điện nông thôn đang xuất hiện nhiều bất cập, lộn xộn, khiến cho người dân vô cùng bức xúc. Cụ thể,  nhiều người dân thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội phản ánh, từ tháng 3/2009, khi Nhà nước có chủ trương thực hiện tính tiền điện theo giá bậc thang mới, thì tổ chức bán điện xã (trực tiếp là Hợp tác xã nông nghiệp) không chỉ thu tiền điện bằng hoá đơn tự in (không phải hoá đơn đỏ) mà còn thu cả thuế giá trị gia tăng, thậm chí sử dụng con dấu của HTX mà không phải là con dấu tròn theo Luật Doanh nghiệp. Tại Hà Tĩnh, gần 20 hộ gia đình làm nghề xay xát ở thôn Văn Lâm, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ khiếu kiện lên các cấp chính quyền về việc HTX quản lý điện thôn nâng giá điện từ 1.200đ/kWh lên 1.800đ/kWh, khi người dân thắc mắc, yêu cầu viết hoá đơn theo giá mới từ tháng 3/2009 thì ngay lập tức, HTX quản lý điện thôn cắt điện, làm ngừng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân. Được biết, UBND xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ đã yêu cầu HTX Văn Lâm phải thực hiện theo Thông tư 05 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá điện năm 2009, nhưng HTX này cứ lờ đi, bởi họ cho rằng, nếu thu theo giá cũ thì “HTX sẽ bị lỗ nặng”.

Còn ở Hải Dương, hơn 400 hộ dân ở thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang thì vô cùng bức xúc, làm đơn khiếu kiện, tố cáo lên xã, huyện, tỉnh về việc HTX Dịch vụ điện Long Xuyên thu tiền quá cao so với quy định, cụ thể, theo Thông tư 05/2009/TT-BCT quy định từ tháng 3/2009, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tính bậc thang thấp nhất là 420đ/kWh (cho 30 kWh đầu tiên), cao nhất 1.345đ/kWh (cho kWh từ 401 trở lên); giá bán buôn điện sử dụng cho các mục đích khác tại nông thôn là 865 đ/kWh. Nhưng từ giữa tháng 3/2009, giá bán điện trên các hoá đơn tiền điện tại xã Long Xuyên được tính bậc thang với mức thấp nhất là 660đ/kWh, mức cao nhất 1.900đ/kWh; giá điện áp dụng cho sản xuất (xay xát gạo, chế biến thức ăn gia súc) là 1.725đ/kWh (chưa gồm thuế VAT), cao gấp đôi giá Nhà nước quy định. Sở Công Thương Hải Dương đã phải vào cuộc, cử đoàn thanh tra xác minh sự thật để có kết luận xác đáng.

Tại tỉnh Bắc Giang, qua khảo sát 18 HTX dịch vụ tiêu thụ điện trên địa bàn huyện của Phòng Công Thương huyện Tân Yên thì có tới 13 xã không bán điện theo giá của Chính phủ quy định (700 đồng/kWh). Trong đó, 5 HTX (Ngọc Thiện, Lam Cốt, Việt Ngọc, Phúc Hoà, Ngọc Châu) đã thực hiện bán lẻ điện theo bậc thang, nhưng những "bậc" này quá cao so với quy định. Cụ thể, bậc 1 tại xã Lam Cốt là 800 đồng/kWh, bậc 2 là 1.120 đồng/kWh; tại xã Ngọc Thiện là 830 đồng/kWh đối với bậc 1; 1.160 đồng/kWh đối với bậc 2. Đặc biệt, với mức tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở lên, người tiêu dùng tại xã Ngọc Thiện phải trả 2.090 đồng/kWh, còn tại xã Lam Cốt là 2.000 đồng/kWh. 8 HTX còn lại không theo bậc thang, cũng chẳng theo giá Nhà nước quy định. Mức bán lẻ đến hộ dân của HTX Dịch vụ điện An Dương, Liên Chung thấp nhất là 750 đồng, cao nhất là HTX dịch vụ điện Quế Nham đang thu 1.050 đồng/kWh. Bảng tổng hợp giá bán điện của các HTX trên địa bàn Huyện cho thấy, mỗi HTX có một giá riêng, giá điện trước đây đảo lộn ngay sau khi có điều chỉnh của Nhà nước về giá bán điện áp dụng từ ngày 1-3-2009.

Trên đây là mới chỉ tổng hợp sơ bộ vài trường hợp “điển hình” trong số rất nhiều những địa phương nổi cộm về tính thiếu minh bạch trong hoạt động điện lực của các tổ chức quản lý, kinh doanh điện nông thôn, gây thiệt hại cho người dân.  

Không thể để người dân nông thôn cứ mãi phải chịu cảnh các tổ chức, cá nhân địa phương lợi dụng kẽ hở của cơ chế mà bắt chẹt bà con nơi vùng quê phải gánh chịu những thiệt thòi, thậm chí là thiệt hại ngay đến miếng cơm, manh áo của mình. Đã đến lúc, Nhà nước cần phải có ngay các biện pháp lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, kinh doanh điện, qua đó, yêu cầu sở công thương các tỉnh, thành phố đề xuất với lãnh đạo địa phương sớm tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra hoạt động điện lực đối với các tổ chức, cá nhân. Nếu có biểu hiện vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính; hoặc không có năng lực kinh doanh, quản lý vận hành lưới điện; để xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện, tố cáo kéo dài thì thu hồi ngay giấy phép, giải thể doanh nghiệp, bàn giao lưới điện và hoạt động điện lực để ngành Điện trực tiếp quản lý, sớm lập lại trật tự kỷ cương, công bằng cho người dân. Mặt khác, ngành Điện cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chủ động các nguồn lực để sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ lưới điện, vì chỉ có ngành Điện mới có đủ tiềm lực về tài chính; năng lực về chuyên môn kỹ thuật; có đủ nguồn nhân lực để đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, hạn chế được tổn thất, chi phí giá thành 01 kWh điện ổn định, đáp ứng được nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của các địa phương, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.  

 
Nguyễn Đừng