Mặc dù trên các công trường ấy có biết bao khó khăn bởi khí hậu khắc nghiệt thời tiết thất thường, ngày đêm chiến đấu với cái nắng, cái rét trên vùng rừng núi cao, sạt lở thường xuyên, có công trình sát vùng biên giới heo hút, hiểm trở. Nhưng các tổ chức Công đoàn phối hợp với Chuyên môn cùng chia bùi sẻ ngọt, động viên kịp thời những chàng “Sơn Tinh” của thời nay, tìm mọi biện pháp nhằm đạt mục tiêu là sớm bắt nguồn “vàng trắng” vô tận tuân theo ý chí của con người, góp phần làm tăng “sức mạnh” cho lưới điện Quốc gia. Thủy điện Sơn La, lớn nhất Đông Nam A, với phong trào thi đua liên kết, hợp tác giúp nhau hoàn thành các hạng mục công trình, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn của gần 7 ngàn công nhân, kỹ sư, nhằm đưa tổ máy số 1 phát điện vào đầu năm 2011; công trường thủy điện A Vương, nơi cội nguồn của vùng đất Quảng Nam, với 14 chỉ tiêu thi đua được tập thể CNVC đề ra để phát điện trong năm 2008; công trường Sê San 4, chỗ của “mặt trời ngày ngày đi ngủ”, với chiến dịch 540 ngày đêm cho việc phát điện năm 2009; công trường thủy điện Ba Hạ, bậc thang cuối cùng của dòng Sông Ba hiền hòa, với mục tiêu quyết tâm phát điện cuối năm 2008; Công trường thủy điện Đồng Nai 3, ở miền cực nam Tây Nguyên hùng vĩ, có đập bê tông đầm lăn cao gần nhất nước (108 m), phấn đấu vì mục tiêu phát điện vào năm 2010; Công trường thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpôk 3, Plêi Krông, Ka Nắk - An Khê... đều chung mục tiêu phát điện trước 2010.
Qua thực tế cho thấy, để thành công một công trình nhà máy thủy điện các đơn vị phát động không dưới 10 đợt thi đua toàn công trường, thường trực những câu khẩu hiệu hết sức ấn tượng, luôn thôi thúc lòng người, đó là: “Tất cả vì dòng điện ngày mai cho tổ quốc”, “Vinh quang thay những người thợ xây dựng thủy điện”, “Hạnh phúc chỉ đến với những người đúng hẹn”, “Đạt cao trình 540 hay là chết”, “Tất cả vì chiến dịch thi đua 135 ngày đêm quyết thắng”, “Điểm hẹn của chúng ta là chinh phục dòng thác”, “Quyết tâm chống lũ năm 2008 thắng lợi”, “Xung kích, năng động, sáng tạo lập thành tích chào mừng kỷ niệm những ngày Lễ lớn”, những cụm từ thường nghe là “mục tiêu then chốt”,“chiến dịch”, “mũi nhọn”, “đường găng tiến độ”. Có những công trường còn trưng hẳn tấm bảng lịch bóc ngược từng ngày to vài m2 và cao đến hàng chục mét ngay trên tuyến đường huyết mạch, với ý nhắc còn từng ấy ngày nữa phát điện tổ máy 1, hoặc kết thúc chiến dịch cho hạng mục nào đó... Các phong trào thi đua đã tập hợp được sức mạnh lớn lao của các tập thể và cá nhân, xuất hiện gương điển hình, những con người bình dị, toát lên tinh thần làm việc hăng say quên mình cho dòng điện của tổ quốc, đó là những công nhân, kỹ sư đã được trải nghiệm qua thực tiễn sống động. Rất xúc động khi có những chàng trai nguyện gắn trọn đời mình với thủy điện; có những anh có tuổi nghề một phần tư thế kỷ, nhưng đã tham gia xây dựng 8 công trình thủy điện có tầm cỡ quốc gia. Có anh đã 5 năm liền không một ngày nghỉ phép; Có anh hơn 1 năm sau mới về thăm gia đình để con nhỏ đã không còn nhận ra bố; Có anh 1 năm không nhận tiền lương vì không có cơ hội tiêu tiền; Nhiều anh sẵn sàng nhận làm thêm 300 giờ/năm; Nhiều người xung phong ở lại trực trong các dịp Tết Nguyên đán; Nhiều kỹ sư, công nhân trẻ mới vài ba năm gắn bó đã “nghiện” với các công trình thủy điện, với họ trong cuộc sống và công việc luôn bám trụ công trình, vừa học tập vừa cùng lớp đàn anh hoàn thành các hạng mục theo tiến độ đề ra là điều quý giá nhất... nhờ đó mà các đơn vị đã thi công luôn đảm bảo kỹ thuật, chất lượng tốt, mỹ thuật đẹp, đặc biệt là vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Kết thúc các đợt thi đua là những phần thưởng mang ý nghĩa động viên sâu sắc. Các phong trào thi đua do Công đoàn phát động không chỉ diễn ra nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn được thể hiện trong lĩnh vực quản lý, điều hành của các Ban quản lý dự án - đại diện chủ đầu tư.
Các phong trào thi đua gắn với phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và các giải pháp làm lợi luôn được đặt ra trong quá trình quản lý, điều hành, thi công. Cùng với các phong trào thi đua trong công tác quản lý, thi công các công trình, Công đoàn Ban QLDA đã phối hợp với các Nhà thầu còn làm tốt công tác vận động quần chúng quanh khu vực các công trường, phát động nhiều phong trào như “Bảo vệ an ninh tổ quốc trong khu vực dân cư và công trình”, phong trào “Kết nghĩa với thôn buôn cùng xây dựng nếp sống văn hóa mới”, phong trào “Em yêu nhà máy thủy điện quê em” trong các trường học. Công đoàn Ban đã cử cán bộ theo dõi quá trình triển khai phong trào, kịp thời phản ảnh với các cấp để giải quyết những vướng mắc khó khăn của đồng bào. Nhờ làm tốt công tác dân vận đã góp phần ổn định an ninh trật tự trên các công trường, đời sống văn hóa xã hội của người dân được nâng lên một bước đáng kể, nhân dân vùng dự án giúp đỡ che trở, đùm bọc Công trường và tin tưởng vào Chính sách của Đảng và Nhà nước hơn.
Hy vọng rằng qua các phong trào thi đua trên các công trường xây dựng thủy điện của cả nước sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy vào vận hành, hằng năm cung cấp hàng chục tỷ kWh điện lên lưới quốc gia, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.