Sự kiện

Điện lực Gia Lai: Chặng đường 32 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ ba, 30/12/2008 | 09:52 GMT+7
Sau ngày tỉnh Gia Lai được giải phóng, do điều kiện chiến tranh nên hệ thống lưới điện vừa không đảm bảo, vừa rời rạc, chắp vá và cũ nát. Tài sản mà Điện lực tiếp quản từ chính quyền cũ chỉ vỏn vẹn có 3 cụm máy phát diesel gồm 5 tổ máy–2.200 kW tại Pleiku, 3 tổ máy 800 kW tại Kon Tum, 4 tổ máy 700 kW tại AyunPa.

Thêm vào đó là những khó khăn về đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật lẫn kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống điện; giao thông đi lại khó khăn, trắc trở, chỉ với 50 CBCNV ban đầu phải quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống điện trên một địa bàn rộng lớn gồm Gia Lai và Kon Tum. Tập thể CBCNV Sở quản lý và phân phối điện Gia Lai – Kon Tum thời kỳ đầu đó đã khắc phục mọi trở ngại để khôi phục cấp điện cho thị xã Pleiku, Kon Tum và thị trấn AyunPa với sản lượng điện trong năm 1976 là 3,78 triệu kWh.

Năm 1980, tiếp nhận thêm nhà máy điện Cù Hanh của quân đội có 5 tổ máy Diesel 2.200 kW.  Trong giai đoạn từ 1984 đến 1992 Điện lực xây dựng và chuyển 16 tổ máy diesel của Liên Xô, Tiệp Khắc có tổng công suất 8,1 MW ở miền Bắc vào lắp tại nhà máy điện Biển Hồ để cấp điện cho lưới vẻn vẹn có 70,5 km đường dây trung áp 15 kV, 95 TBA phân phối và 74,66 km đường dây hạ áp. Năm 1991, khi tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thì lưới điện tỉnh Gia Lai cũng chỉ có  97,6 km đường dây trung áp 15 kV, 128 trạm biến áp phân phối, 104,4 km đường dây hạ áp, sản lượng điện năm là 28,17 triệu kWh.

Sau khi chia tách tỉnh, được sự quan tâm đầu tư xây dựng của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và chính quyền tỉnh Gia Lai, xác định vai trò trách nhiệm của ngành điện trong sự nghiệp CNH, HĐH địa phương, Điện lực Gia Lai đã bắt nhịp và tăng tốc trong việc từng bước xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điện năng phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân, đưa điện đến các buôn làng vùng sâu, vùng xa; góp phần xoá dần khoảng cách về văn hoá-xã hội và kinh tế giữa các vùng trong tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu trên, lãnh đạo Điện lực Gia Lai đã xác định xây dựng nguồn lực con người là vấn đề then chốt. Vì thế, đơn vị rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật; từng bước nâng cao trình độ chuyên nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, vận hành cho CBCNV; bổ sung về số lượng. Đến nay, đội ngũ CBCNV của Điện lực Gia Lai cũng được củng cố và hoàn thiện với 694 người, trong đó có 144 người có trình độ đại học, 124 người có trình độ cao đẳng và trung học, 189 người là công nhân bậc cao. Cơ cấu tổ chức của đơn vị gồm 09 phòng nghiệp vụ, 01 phân xưởng, 01 Trung tâm Viễn Thông, 01 nhà máy thuỷ điện và 14 chi nhánh điện, quản lý vận hành lưới điện đáp ứng nhu cầu về điện cho tỉnh với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 16% / năm, góp phần cho sự phát triển cho KTXH, an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân và sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà.

 

Cải tạo lưới điện (Ảnh minh hoạ)

 

Với sự đầu tư không ngừng của Nhà nước, EVN, PC3 và của tỉnh đã có nhiều dự án đầu tư về điện được thực hiện hiệu quả như: dự án cải tạo nâng cấp lưới điện thành phố Pleiku, điện khí hóa xã YaMa và Biển Hồ (ADB) 110,5 tỷ đồng; dự án năng lượng nông thôn (WB) 84,8 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Điện lực hàng năm từ 3 tỷ đồng vào năm 2000 tăng lên trên 30 tỷ đồng vào năm 2008; vốn sữa chữa lớn hàng năm từ 01 tỷ đồng năm 2000 tăng lên  12,5 tỷ đồng vào năm 2008 đã cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện từ chỗ cũ nát, manh mún, rời rạc thành một lưới điện thống nhất kết nối và nhận điện từ hệ thống điện Quốc gia qua 5 TBA 110 kV có tổng dung lượng 157 MVA, 18 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất đặt 56MW, 01 nhà máy diesel Biển Hồ có công suất đặt 8,1MW để cấp điện đến 215/215 phường, xã, thị trấn (đạt 100% xã có điện). Riêng trạm pin mặt trời ghép thuỷ điện nhỏ xã Trang 125kW phát độc lập cấp điện cho xã Trang-Đăk Đoa.

Tính đến cuối năm 2008, Điện lực Gia Lai đã quản lý vận hành 3.341km đường dây trung áp, 2.999km đường dây hạ áp và 2.148 trạm biến áp phân phối;  bán lẻ trực tiếp đến các hộ tiêu thụ với  trên 221.000 khách hàng dùng điện; tổng sản lượng điện bình quân hằng năm là 450 triệu kWh, doanh thu đạt trên 337 tỷ đồng/năm 

Theo chủ trương của EVN, PC3 trong việc đa dạng hóa ngành nghề và tận dụng lợi thế sẵn có về hệ thống đường dây và hệ thống cáp quang để điều hành hệ thống điện, Điện lực Gia Lai đã chuẩn bị tốt và là một trong các đơn vị  khai trương dịch vụ viễn thông Điện lực sớm nhất trong EVN (vào 15.10.05). Đến  nay, Điện lực đã triển khai các dịch vụ: điện thoại cố định không dây (E–Com), cố định có dây (E-Tel), di động nội tỉnh (E-Phone), di động toàn quốc (E-Mobile) và đường truyền ADSL. Doanh thu viễn thông đạt trên 1,5 tỷ đồng/tháng với trên 35.171 thuê bao.

Trong dự án cấp điện cho các thôn, buôn tại 5 tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai tiếp tục được Nhà nước đầu tư thêm 310 tỷ đồng thông qua ngành điện để xây dựng 967km đường dây trung áp, 480km đường dây hạ áp, 261 TBA với tổng dung lượng 14.490KVA khi dự án hoàn thành sẽ cấp điện trên 28 ngàn khách hàng với 331 thôn, buôn trên toàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2009, ánh điện của Đảng và Nhà nước sẽ bừng sáng ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa cuối cùng của Tây Nguyên đại ngàn. 

Ghi nhận những cống hiến của CBCNV Điện lực Gia Lai trong suốt chặng đường đã qua, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới, được UBND tỉnh Gia Lai, EVN và PC3 tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Chặng đường phía trước của quá trình CNH, HĐH tỉnh nhà còn nhiều khó khăn gian khổ, đòi hỏi  đội ngũ CBCNV Điện lực Gia Lai cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Song với những gì đã làm được, với tinh thần đoàn kết vượt khó đi lên, năng động và sáng tạo của tập thể CBCNV Điện lực Gia Lai, chúng ta có quyền tin tưởng vào những thành công trong tương lai.

Theo PC3