Sự kiện

Quan hệ cộng đồng và sự chấp thuận của công chúng: Phần 1 - Truyền thông và dự án điện nguyên tử

Thứ sáu, 26/12/2008 | 11:05 GMT+7
Tại Hội thảo chuyên đề “Quan hệ cộng đồng và sự chấp thuận của công chúng”, các đại diện của Trung tâm Thông tin Ðiện lực Nhật Bản, Công ty Ðiện lực Tokyo, Công ty Ðiện lực Hokkaido - những người nhiều năm làm việc trực tiếp về lĩnh vực PR trong ngành Ðiện lực Nhật Bản với kinh nghiệm phong phú và hoạt động chuyên nghiệp, đã trả lời rất nhiều câu hỏi từ phía các đại biểu đại diện cho ngành Ðiện Việt Nam.

Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về kinh nghiệm, các hoạt động quan hệ công chúng của các công ty điện lực ở Nhật Bản, để có thể áp dụng cho đơn vị mình nói riêng và công tác truyền thông nói chung của ngành Ðiện, trong số này và các số tiếp theo, Tạp chí Ðiện lực sẽ lần lượt trích đăng các nội dung hỏi - đáp tại Hội thảo này.

Hỏi: Biện pháp nào đánh giá chất lượng, kết quả các hoạt động truyền thông?

Trả lời: Hiệu quả của hoạt động truyền thông thường không có định tính, định lượng và không phải hoạt động nào cũng mang lại hiệu quả tức thì. Có những hoạt động mang tính chiến lược lâu dài mà chúng tôi phải triển khai kiểu “mưa dầm thấm lâu”, lặp đi lặp lại hàng năm trời và sau nhiều năm mới có thể đánh giá được. Tuy nhiên, chúng tôi thường sử dụng các biện pháp đánh giá khách quan thông qua các công ty tư vấn hoặc chuyên làm dịch vụ đánh giá kết quả. Về cơ bản, các hình thức hoạt động quan hệ công chúng: Từ các đoạn video quảng bá về hình ảnh của công ty, nâng cao nhận thức hoặc định hướng cho khách hàng, đến các hoạt động quảng bá trên báo chí, tờ rơi… đều phải được đánh giá về hiệu quả. Một số hoạt động, chúng tôi chủ động đánh giá qua hình thức phát phiếu điều tra đối với nhân viên của Công ty hoặc một nhóm khách hàng cố định.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Fukui - Nhật Bản
Hỏi: Mối quan hệ giữa báo giới và ngành Ðiện lực Nhật Bản hiện nay như thế nào? Trong trường hợp có hoạt động phản đối mang tính lan truyền trên mặt báo về một hoạt động hoặc dự án điện nào đó thì các công ty điện lực Nhật Bản xử lý ra sao?

Trả lời: Tất cả các thông tin cần công bố luôn được chúng tôi chủ động cung cấp cho báo giới thông qua các bản thông cáo báo chí định kỳ hoặc đột xuất. Chúng tôi không có chủ trương tránh né, giấu diếm hay che đậy thông tin, vì đó thực sự là biện pháp phản tác dụng. Báo giới của Nhật bản có 2 loại: Nhà nước và tư nhân. Ðài truyền hình NHK và các đơn vị báo chí của Nhà nước luôn giữ vai trò trung lập. Các kênh truyền thông khác thì có xu hướng chia làm 2 nhóm (ủng hộ và phản đối) liên quan đến vấn đề điện nguyên tử. Nguyên tắc của các công ty điện lực khi tiếp cận với báo giới và các phương tiện truyền thông là chúng tôi cung cấp thông tin thống nhất đối với bất kỳ đối tượng nào. Dư luận có quyền nói những gì họ muốn nói. Vì thế công ty điện lực không có quyền phê phán hay đưa ra những ý kiến chỉ trích đối với những luồng dư luận này. Tuy nhiên, đối với những bài ký sự, bài viết dẫn ra những chi tiết, số liệu sai sự thực mà công ty điện lực có bằng chứng xác đáng về vấn đề này thì công ty điện lực sẽ lên tiếng.

Hỏi: Có trường hợp nào ở Nhật Bản, vì không triển khai hoạt động quan hệ cộng đồng hoặc hoạt động này không hiệu quả mà kế hoạch triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân bị chậm lại hoặc bị thất bại hay chưa?

Trả lời: Ðã xảy ra trường hợp như vậy và không chỉ một lần, đó là bài học cho chúng tôi. Hiện ở Nhật có 11 nhà máy điện hạt nhân đang chuẩn bị xây dựng, với các mốc tiến độ cụ thể. Chúng tôi vẫn đã và đang triển khai các hoạt động truyền thông, nhưng đây là một vấn đề khó, không dễ thực hiện đúng dự kiến do phản ứng của cộng đồng dân cư. Ða số người dân hiểu và muốn sử dụng điện hạt nhân vì đây là nguồn năng lượng sạch và giá thành rẻ, song lại không muốn nhà máy xây dựng gần khu vực mình cư trú.

Hỏi: Năm 2007, do sự cố động đất, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất thế giới thuộc quản lý của Công ty Ðiện lực Tokyo phải ngừng hoạt động. Công ty giải quyết việc thiếu hụt nguồn công suất lớn như vậy và công tác truyền thông trong thời gian này được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Ðể giải quyết việc thiếu hụt công suất nguồn điện, chúng tôi sử dụng lại một nhà máy nhiệt điện cũ đã đóng cửa, tất nhiên là phải kiểm tra rất kỹ các yếu tố kỹ thuật và nhận được giấy phép hoạt động; đồng thời phải nhờ chi viện từ các công ty điện lực khác. Mặc dù vậy, khoảng trống vẫn quá lớn, do đó từ năm 2007, sau khi sự cố xảy ra, ngay lập tức chúng tôi đã phải “sống chết” đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng người dân.

Tuy nhiên, với việc khôi phục lại nhà máy nhiệt điện thì chi phí vận hành tăng lên, dẫn đến giá thành điện trở nên rất đắt (so với điện nguyên tử), nhất là đặt trong bối cách giá dầu mỏ của thế giới tăng cao. Năm vừa qua là năm rất khó khăn về mặt tài chính của Công ty Ðiện lực Tokyo.

Theo Tạp chí Điện lực