Sự kiện

Quản lý Quy hoạch trong phát triển hạ tầng điện lực: Bài 2- Cần đổi mới công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng điện

Thứ tư, 24/12/2008 | 09:38 GMT+7
Điện là một sản phẩm đặc biệt, không thể dự trữ được và mang tính hệ thống cao. Công trình điện thường rải theo tuyến, hình thành hệ thống nhiều cấp và có quan hệ liên ngành với kết cấu hạ tầng khác. Do đó kết cấu hạ tầng điện sẽ tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân và giảm đói nghèo. Bên cạnh đó, ngành điện đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn nhưng lại khó trực tiếp thu hồi vốn.

Với những đặc điểm này nên Bộ Công Thương cho rằng khi quy hoạch kết cấu hạ tầng điện cần có quan điểm hệ thống (từ nguồn phát điện, hệ thống truyền tải, hệ thống phân phối đến hộ tiêu thụ) và cách tiếp cận toàn diện các khâu đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành. Không những thế, quy hoạch kết cấu hạ tầng điện phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế-xã hội, lựa chọn phương pháp dự báo phụ tải phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội cũng như phải dự báo phát triển khoa học-kỹ thuật. Ngoài ra, quy hoạch kết cấu hạ tầng điện phải đảm bảo an toàn cung cấp điện theo tiêu chí cao nhất và kết hợp với hiệu quả kinh tế với công bằng xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết cấu hạ tầng điện đã có bề dày quy hoạch và khá thống nhất từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương và các huyện, quận. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một quy hoạch điện vùng như vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển…

Thực tế cho thấy các hoạt động quy hoạch, dù là quy hoạch không gian hay quy hoạch ngành đều phải được tổ chức theo hệ thống nhất quán từ trên xuống dưới thì mới đạt hiệu quả cao. Nước ta hiện có quá nhiều loại quy hoạch, nhưng mỗi quy hoạch ngành được tuân thủ theo quy định của ngành đó. Mặc dù có lấy ý kiến của các Bộ ngành theo quy định của Chính phủ nhưng gần như các quy hoạch vẫn độc lập và thiếu tính liên kết, ngay chỉ đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng điện thì quy hoạch này chồng lên quy hoạch khác mà thiếu hẳn bóng dáng một “tư lệnh” chỉ huy nhất quán.

Với nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng không ngừng và ngày càng cao, nước ta đang đầu tư ngày càng nhiều cho kết cấu hạ tầng điện. Nhưng để nâng cao hiệu quả đầu tư thì trước hết phải lập quy hoạch điện và phải thống nhất được từng cấp, quy định rõ chủ thể lập quy hoạch điện. Muốn làm được điều này thì nhất thiết cần đối mới thể chế quy hoạch kết cấu hạ tầng điện.

Trước hết, do quy hoạch điện là quy hoạch đặc biệt, mang tính chuyên ngành cao nên thường phải tính toán cụ thể, thống nhất ở tất cả các cấp điện áp. Ví dụ như để dự báo được nhu cầu tiêu thụ điện ở các năm bắt buộc phải sử dụng các mô hình dự báo, sau tính chế độ lưới ở chế độ vận hành bình thường và chế độ sự cố để đảm bảo cung cấp điện an toàn…. Chính vì vậy, Quyết định 3836 quy định kinh phí lập quy hoạch được tính theo khối lượng lưới điện xây dựng trong các năm. Đây là phương pháp tính kinh phí quy hoạch khá công phu và khoa học… Tuy nhiên theo quyết định 281 lại tính theo % của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của cấp tương đương. Điều này gây khó khăn cho đơn vị nào phải “gánh vác” chức năng lập TSĐ. Bên cạnh đó, cần phải huy động thêm vốn thì mới đủ bù đắp phần chi phí chạy các mô hình dự báo cũng như tính toán chế độ lưới của tư vấn.

Thứ hai, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phải tuân thủ theo Luật Điện lực, TSĐ ở các giai đoạn phải do Bộ Công Thương tổ chức lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, tất cả các quy hoạch thuộc các chuyên ngành khác như xây dựng, đất đai… bỏ phần nội dung quy hoạch phát triển điện mà chỉ nêu định hướng cấp điện, phương hướng hiện đại hoá lưới điện trong phạm vi quy hoạch của mình.

Thứ tư, cần thiết phải lập Viện Quy hoạch quốc gia trực thuộc Chính phủ là viện đầu ngành về quy hoạch. Viện này có nhiệm vụ lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch liên ngành; điều phối và phân bổ kinh phí cho các hoạt động lập quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh (trừ quy hoạch đô thị và TSĐ phát triển điện). Đồng thời, viện này có nhiệm vụ lưu trữ quỹ dữ liệu kết cấu hạ tầng cả nước, là đầu mối điều phối và phân bổ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học về môn quy hoạch (trừ môn quy hoạch đô thị). Tập huấn cho các chuyên gia quy hoạch (trừ quy hoạch đô thị).

Cuối cùng, các  Bộ, UBND cấp tỉnh và cấp đô thị tổ chức lập các quy hoạch thuộc trách nhiệm của mình và sử dụng dịch vụ của các tổ chức tư vấn./. 

 

Bài 1: Nhiều vấn đề nảy sinh trong quy hoạch và kế hoạch đầu tư

Mai Phương