Điện lưới quốc gia đã về với xã Keng Đu. Ảnh: Lữ Phú.
Từ bao đời nay, người dân xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), nhất là các bản làng nghèo dọc tuyến biên giới luôn mong đợi điện lưới quốc gia sẽ đến với vùng đất xa xôi nhất của xứ Nghệ. Keng Đu cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 75km, cách TP Vinh gần 350km. Vậy nên, việc kéo điện về Keng Đu gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu, xã Keng Đu có 2 dân tộc anh em, chủ yếu là Khơ Mú và dân tộc Thái (chiếm 2%). Đời sống của bà con dựa vào nương rẫy, đánh bắt cá dưới khe suối, hay trên dòng sông Nậm Nơn giáp với nước bạn Lào. Địa phương này hiện có 978 hộ với gần 5.000 nhân khẩu, song có tới 879 hộ nghèo (chiếm 80%), còn lại cũng là hộ cận nghèo.
Từ khi lập mường đến nay, cuộc sống người dân trên độ cao cả nghìn mét so với mực nước biển chỉ loanh quanh mây mù và bóng tối. Do vậy, ước mơ của người dân Keng Đu mong một ngày có điện sáng về bản để đổi thay cuộc sống.
Sau một thời gian nỗ lực, Nghệ An hoàn thành việc lắp đặt hệ thống cột điện, đường dây để điện đến được với 10 bản biên giới vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất thuộc 2 xã Đoọc Mạy và Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Và vào cuối tháng 10/2023, công trình đã hoàn thành, điện được thắp sáng trong niềm vui của cấp ủy, chính quyền và bà con dân bản. Anh Moong Văn Phơi (bản Huồi Tông, xã Keng Đu) phấn khởi cho biết: Có điện sẽ có nhiều thứ với dân bản. Riêng gia đình tôi, sẽ mở rộng diện tích, mở rộng mặt bằng để chăn nuôi, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.
Theo ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu, vừa qua xã có 6 bản cuối cùng hòa lưới điện quốc gia gồm: Quyết Thắng, Huồi Tông, Khe Linh, Keng Đu, Hạt Tà Vén và Huồi Xui. "Với việc đưa dòng điện lưới quốc gia vào những thôn bản còn lại, chúng tôi rất vui mừng. Có điện rồi, bà con được sử dụng các đồ điện tử như ti vi, máy nghe nhạc, các cháu có ánh sáng để học tập. Hy vọng thời gian tới kinh tế của Keng Đu sẽ phát triển, công tác an ninh, quốc phòng sẽ được giữ vững, các em học sinh sẽ được học tập tốt hơn" - ông Ngam chia sẻ.
Nói về vấn đề này, ông Già Bá Nanh - Phó Chủ tịch UBND xã Đoọc Mạy cho biết: Các bản Phà Nọi, Phà Tả, Noọng Hán và Huồi Khơ có điện lưới quốc gia về tận nơi sẽ là bước ngoặt mới cho người dân vùng biên giới áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình. Được biết, xã Đoọc Mạy có hơn 380 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia về các bản làng biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn được trang bị đầy đủ dây sau công tơ; mỗi gia đình có một bảng điện và một bóng đèn thắp sáng.
Link gốc