Sự kiện

Gian nan đưa điện về vùng sâu Tây nguyên

Thứ ba, 16/12/2008 | 10:11 GMT+7
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Ðắc Lắc, Ðắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Ðồng có diện tích tự nhiên 54.474 km2, dân số khoảng gần 5 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Ðây là khu vực giàu tiềm năng kinh tế, là địa bàn quan trọng của nước ta cả về kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng.

Trong 5 năm (2001-2005), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của cả khu vực đạt 9 - 10%/ năm, trong đó, công nghiệp xây dựng tăng 16 - 18%. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng nói chung vẫn còn nghèo nàn lạc hậu, mức sống bình quân và điện thương phẩm tính theo đầu người khu vực Tây Nguyên còn thấp so với cả nước. Tính đến đầu năm 2006, tất cả các huyện, thị xã và 99,54% số xã ở Tây Nguyên có điện lưới quốc gia, nhưng vẫn còn 173.396 hộ dân (chiếm 18,1% số hộ dân trên địa bàn) chưa có điện thắp sáng, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn về kinh tế.

Ðể đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế Tây Nguyên đến năm 2010, tốc độ phát triển điện phải tăng bình quân 19,5%/năm; điện thương phẩm đạt 2,733 tỷ kWh, bình quân mỗi người 492 kWh, tỷ lệ cấp điện cho hộ nông thôn đạt 90 - 95%. Ðể đạt mục tiêu này, ngành Ðiện phải đầu tư xây dựng mới 655,5 km đường dây truyền tải điện 110 kV và các trạm biến áp 100 kV (tổng dung lượng 518 MVA), đồng thời cải tạo nâng cấp các trạm biến áp 110 kV (tổng dung lượng 172 MVA); xây dựng mới 3.735 km và cải tạo nâng cấp 430 km lưới điện trung áp; lắp đặt hàng nghìn trạm biến áp với tổng dung lượng 457.117 MVA; xây dựng mới 3.450 km và cải tạo 645 km lưới điện hạ thế; đồng thời lắp đặt trên 197.000 công tơ điện một pha để bán điện đến từng hộ dân. Tổng số vốn đầu tư cho toàn bộ chương trình này vào khoảng 3.168 tỷ đồng bằng nhiều nguồn khác nhau.

Ðặc biệt, dự án đầu tư xây dựng lưới điện trung thế, hạ thế, nhánh rẽ và lắp công tơ để cấp điện cho 1.200 buôn, thôn với 116.067 hộ trong tổng số 173.396 hộ dân gồm hầu hết đồng bào dân tộc ít người thuộc vùng sâu, vùng xa chưa có điện với tổng dự toán trên 1.094 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước cấp 85% và 15% từ nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVN), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2006. Toàn bộ dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam, nay là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm làm chủ đầu tư và các địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Mục tiêu quan trọng của dự án này là nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào dân tộc, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Phương án đầu tư cấp điện cho 1.200 buôn, thôn nói trên đã được phân tích, so sánh, lựa chọn một trong 3 phương án tối ưu, đảm bảo tuổi thọ công trình cao, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực ổn định, bền vững lâu dài của 5 tỉnh Tây Nguyên và đảm bảo lỗ ít nhất. Ðiểm nhấn của dự án này là mỗi hộ dân được Nhà nước và ngành Ðiện cấp cho dây dẫn điện đến tận nhà cùng với bảng điện có lắp áp tô mát 10 Ămpe, công tơ điện và 2 bộ đèn compắc 20 W.

Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện dự án cấp điện cho 1.200 buôn của Tây Nguyên là địa bàn quá rộng, địa hình phức tạp, hộ dân ở rải rác, khí hậu khắc nghiệt. Trong khi đó, tổng tuyến đường dây truyền tải điện dài hơn 3.000 km (gồm 1.377 km đường dây trung thế 22 kV, trên 1.700 km đường dây hạ thế 0,4 - 0,2kV) cùng với 822 trạm biến áp phân phối 22 - 0,4 - 0,2 kV (tổng dung lượng 45.575 kVA). Giá vật tư, thiết bị hiện nay so với thời điểm dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tăng hơn 40%, vốn lại không được cấp kịp thời, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý công trình, cán bộ kỹ thuật và công nhân có tay nghề. EVN đã huy động các Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1, Xây dựng điện 4; Trung tâm thiết kế thuộc Công ty Ðiện lực 3; các Công ty Ðiện lực 2, Ðiện lực 3… tham gia thiết kế, tổ chức thi công các dự án thành phần. Các địa phương muốn sớm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để giao cho bên đầu tư thi công, nhưng mặt bằng phải được duyệt sau khi có thiết kế hoàn chỉnh, nên cả dây chuyền đều chậm…

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ dự án cấp điện cho 1.200 buôn, thôn 5 tỉnh Tây Nguyên phải hoàn thành trong năm 2008. Nhưng đến đầu tháng 9 năm nay, Công ty Ðiện lực 2 (PC2) mới tổ chức đấu thầu xong cả 12 gói của tỉnh Lâm Ðồng, đang bắt đầu tổ chức thi công. Cùng thời gian này, Công ty Ðiện lực 3 (PC3) đã tổ chức đấu thầu xong 33 gói trong tổng số 48 gói đã được phê duyệt cho cả 4 tỉnh: Ðắc Lắc, Ðắc Nông, Gia Lai và Kon Tum, 15 gói còn lại sẽ được tổ chức đấu thầu đợt cuối trong tháng 9. PC3 hiện đang tổ chức thi công các công trình đường dây và trạm điện để cấp điện cho 77 hộ đồng bào dân tộc Ê Ðê ở buôn EA Nuôi (huyện Buôn Ðôn); công trình đường dây và trạm điện để cấp điện cho 415 hộ đồng bào Ê Ðê thuộc huyện KRông Ana. Qua thực tế xây lắp các công trình đưa điện về nông thôn Tây Nguyên trong những năm qua, bình quân mỗi gói thầu (một dự án thành phần) sẽ được xây lắp hoàn chỉnh vào khoảng 7 tháng kể từ ngày khởi công, nếu được cấp đủ vốn kịp thời. Do đó, thời điểm hoàn thành của toàn bộ dự án cấp điện cho 1.200 buôn ở Tây Nguyên có thể là năm 2010, chậm từ 1 đến 2 năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phía trước của dự án này còn nhiều cam go, cần được giải quyết đồng bộ và nhanh chóng.

Tây Nguyên hiện đang trên đường trở thành một trong 2 trung tâm thuỷ điện lớn nhất cả nước với mục tiêu đến năm 2010 đạt tổng công suất lắp đặt trên 5.000 MW, chiếm hơn 30% tổng sản lượng điện của cả nước. Các Nhà máy Thuỷ điện Yaly, Hàm Thuận -  Ða My, Sê San 3, Sê San 3A, Ðại Ninh có tổng công suất trên 1.700 MW đang phát điện hết công suất. Cuối năm nay, Nhà máy Thuỷ điện Sê San 4 có công suất lắp đặt 270 MW sẽ hoà điện lên lưới quốc gia và tiếp sau đó một loạt nhà máy thuỷ điện khác như: Buôn Kuốp (công suất 280 MW), Serepok  3 (220 MW), Buôn Tua Srah (86 MW)… sẽ lần lượt đi vào hoạt động. Như vậy, Tây Nguyên là nơi cung cấp nhiều điện cho đất nước, nhưng việc đưa điện về cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa vẫn đang là một cuộc chiến đấu hết sức gian nan của những người làm điện.

Theo: Tạp chí Điện lực