Sự kiện

Thực hiện tốt công tác sửa chữa lớn, đáp ứng phương thức huy động của hệ thống

Thứ ba, 9/12/2008 | 09:29 GMT+7
Nếu trước đây, việc xây dựng, triển khai và điều tiết kế hoạch sửa chữa toàn bộ các công trình nguồn và lưới điện hằng năm được thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp, thống nhất từ EVN xuống các đơn vị thì hiện nay, quy trình này đã có nhiều thay đổi, nhất là đối với hệ thống nguồn điện.

Ðến thời điểm này, tỷ lệ nguồn điện độc lập ngoài EVN đã chiếm trên 30% công suất toàn hệ thống, chưa kể đến một phần không nhỏ công suất thuộc quyền sở hữu của EVN đã chuyển sang các công ty cổ phần nên về cơ bản, công tác sửa chữa đều do các đơn vị này chủ động, EVN rất khó có thể can thiệp sâu và chỉ đạo theo cách thức đã và đang làm với các đơn vị trực thuộc… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của EVN với vai trò là đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo điện cho nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là tình hình phụ tải tăng trưởng cao và hệ thống luôn trong tình trạng thiếu nguồn như hiện nay.

Tính đến hết năm 2007, tổng công suất khả dụng của toàn hệ thống là 12.948 MW, trong đó EVN trực tiếp quản lý và thông qua người đại diện phần vốn ở các công ty cổ phần quản lý hơn 9.300 MW, chiếm trên 70% công suất toàn hệ thống, bao gồm nhiều loại hình: Thuỷ điện, nhiệt điện than/dầu, tuốc bin khí chạy khí/dầu… Sự đa dạng này đã có những tác động tích cực, góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống và nâng cao trình độ, năng lực của lực lượng làm công tác quản lý vận hành, song cũng đặt ra nhiều khó khăn cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị các tổ máy. Theo ông Ðỗ Mộng Hùng, Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN, mỗi loại hình đều có yêu cầu, quy trình kỹ thuật vận hành riêng biệt, đòi hỏi tính chuyên môn hoá cao nên lực lượng tham gia sửa chữa cần phải đáp ứng yêu cầu về trình độ, tính chuyên nghiệp. Thực tế ở hầu hết các nhà máy điện do EVN quản lý, công tác sửa chữa thiết bị được các đơn vị triển khai thực hiện theo quy trình thống nhất trong toàn Tập đoàn, lịch sửa chữa các tổ máy đều được Tập đoàn phê duyệt hàng năm, lực lượng lao động được đào tạo tiếp cận thiết bị ngay từ khi triển khai lắp đặt. Tại mỗi đơn vị đều có lực lượng tại chỗ luôn ứng trực, xử lý các tình huống phát sinh, nguy cơ gây sự cố và thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên hàng năm.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025, hệ thống điện sẽ được bổ sung thêm hàng nghìn MW công suất. Trong đó các nguồn điện sử dụng nhiên liệu than, khí chiếm ưu thế lớn và được phân bố hợp lý theo nhu cầu phát triển từng vùng, miền. Sự phát triển nhanh của các nhà máy nhiệt điện sẽ mở ra một thị trường lớn về sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp thiết bị, vật tư nhiệt điện. Nhằm hạn chế tình trạng các nhà máy nhiệt điện phát triển theo hướng đơn chiếc, mỗi nhà máy sử dụng một loại công nghệ và có lực lượng sửa chữa riêng, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực riêng cho từng nhà máy, đồng thời tạo điều kiện nâng cao tính chuyên nghiệp, thực hiện chuyên môn hoá công tác sửa chữa các nhà máy nhiệt điện, EVN đã thành lập hai đơn vị chuyên làm công tác sửa chữa các tổ máy chạy than, dầu, khí ở miền Bắc và miền Nam với sự tham gia của các công ty phát điện trong và ngoài Tập đoàn. Hiện Công ty cổ phần Dịch vụ sửa chữa nhiệt điện miền Bắc đã đảm nhiệm vai trò sửa chữa toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ Công ty CP nhiệt điện Phả Lại, chuẩn bị tiếp nhận thêm các nguồn mới như: Uông Bí mở rộng, Hải Phòng, Quảng Ninh… Còn ở phía Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ sửa chữa nhiệt điện miền Nam đang hoàn tất các thủ tục để sớm đi vào hoạt động và tham gia thị trường sửa chữa các tổ máy tuốc bin khí ở Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lân cận.  

 

 Thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, đảm bảo hệ số sẵn sàng của các tổ máy


Tuy nhiên, trong điều kiện phụ tải tiếp tục tăng cao, các nguồn điện mới vào chậm, vận hành không ổn định khiến hệ thống mất cân đối cung cầu, không có dự phòng, nhất là vào mùa khô. Cùng với những yếu tố phát sinh trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức của các đơn vị phát điện và việc hình thành, đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh… đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý kỹ thuật nói chung và kế hoạch sửa chữa thiết bị nguồn điện nói riêng. Ðặc biệt là trong những thời điểm thiếu điện, để đáp ứng nhu cầu phụ tải, hệ thống buộc phải huy động các đơn vị phát tối đa công suất và thay đổi thời điểm sửa chữa một số tổ máy, làm tăng nguy cơ rủi ro trong quá trình vận hành. Thực tế, từ năm 2005 đến năm 2007, các nhà máy điện thuộc EVN luôn phải vận hành trong trạng thái rất căng thẳng. Việc tách các tổ máy để sửa chữa định kỳ rất khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của thiết bị và gây nguy cơ mất an toàn cao, số lần sự cố và suất sự cố đều có xu hướng gia tăng: Thuỷ điện Hoà Bình có 2 sự cố năm 2005 và 9 sự cố năm 2007; Thác Bà tương ứng là 14-31; Ialy là 12-18; Uông Bí là 30-44; Thủ Ðức là 6-21… Nhiều hiện tượng bất thường lớn về thiết bị buộc phải dừng máy để sửa chữa cũng xảy ra như: Nứt nắp chụp thanh dẫn stator hai máy phát, phóng điện cuộn cao áp Máy biến áp 220 kV Thuỷ điện Ða Nhim; nứt gáo bánh xe công tác các tua bin Thuỷ điện Ða Mi; phóng điện 4/14 pha máy biến áp 15,75/525 kV - 72 MVA đầu cực máy phát Thuỷ điện Ialy; xì bộ hâm lò 5, lò 6 Nhiệt điện Phả Lại; tổ máy GT4 Nhiệt điện Thủ Ðức rung cao… Việc thay đổi hay lùi thời điểm sửa chữa của các đơn vị mặc dù chỉ là giải pháp tình thế, song nếu tình trạng hệ thống tiếp tục không có dự phòng, các nguồn điện mới vào chậm tiến độ không được cải thiện, vẫn buộc phải sử dụng các giải pháp tình thế đó và EVN gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu điện của đất nước. Mặc dù thời gian qua, những phát sinh giữa các đơn vị phát điện độc lập và EVN trong việc điều tiết kế hoạch sửa chữa, bão dưỡng thiết bị đã xuất hiện, nhưng vì mục tiêu phục vụ phát triển đất nước, các bên đã cơ bản chấp nhận phương thức giải quyết tạm thời lùi thời điểm sửa chữa, nhất là các nhà máy thuộc của EVN. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty mua bán điện cho rằng, yêu cầu các đơn vị trực thuộc EVN thay đổi thời gian sửa chữa là việc chỉ đạo nội bộ nhưng đối với các nhà máy điện độc lập, công ty cổ phần phát điện thì yêu cầu này sẽ không dễ dàng. Họ rất muốn phát điện nhiều, bán sản lượng cao song họ cũng không muốn gánh chịu những rủi ro khi phải lùi thời gian sửa chữa các tổ máy vượt quá so với khuyến cáo của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị.

Duy trì ổn định của hệ thống, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư thiết bị dự phòng, nguồn nhân lực và thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa là yếu tố luôn được đặt nên hàng đầu. Vì vậy về lâu dài, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quan hệ mua-bán và huy động công suất giữa EVN với các đơn vị phát điện độc lập… thì Quy trình vận hành hệ thống điện quốc gia cần sớm được sửa đổi cho phù hợp, sát với thực tế. Ðồng thời, rất cần có một cơ quan độc lập chỉ đạo, giám sát thực hiện, nhất là trong những thời điểm hệ thống căng thẳng. Tuy nhiên, với tư cách là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đảm bảo điện cho nền kinh tế quốc dân, EVN đang không ngừng nỗ lực, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng phương thức vận hành, tổ chức khắc phục nhanh sự cố, đưa thiết bị trở lại vận hành trong thời gian ngắn nhất, tăng cường củng cố, bổ sung quy trình, quy tắc, thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất; nâng cao chất lượng diễn tập sự cố định kỳ. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, phải kịp thời điều tra, phân tích xác định nguyên nhân để rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm cá nhân một cách khách quan. Mặt khác, để góp phần đảm bảo nguồn cho năm 2009, đến 31/12/2008, các hồ chứa thuỷ điện phải đạt ở mức nước dâng bình thường, riêng hồ Hoà Bình không được thấp hơn cao trình 116 mét và khai thác hợp lý nguồn nước của các hồ chứa. Ðối với các dự án có kế hoạch vào vận hành thương mại trong năm 2008-2009 như Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, A Vương, Sông Ba Hạ… các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thực hiện đúng tiến độ và tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị sản xuất để tiếp quản vận hành, cùng nhà thầu xử lý nhanh những khiếm khuyết nảy sinh trong giai đoạn bảo hành nhằm duy trì độ khả dụng cao của các tổ máy sau tiếp nhận vận hành thương mại.

Theo Tạp chí Điện lực