Minh bạch và hiệu quả hơn
Tại Hội thảo lần cuối cùng công bố kết quả nghiên cứu Phương pháp lập Biểu giá bán lẻ điện vào trung tuần tháng 11, Cục trưởng ERAV Phạm Mạnh Thắng cho biết: Trên lộ trình tiến tới thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2009, biểu giá bán lẻ điện hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế do không khuyến khích hiệu quả kinh tế, không hấp dẫn được nhà đầu tư và không phản ánh đúng chi phí thực tế. Hiện toàn bộ các khâu từ phát điện, truyền tải và phân phối đều do một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều hành trên cơ sở giá bán buôn nội bộ và phân cho các công ty phân phối và bán lẻ điện. Vì thế không thể tách bạch từng khâu để làm rõ chi phí. Bên cạnh đó, việc hạch toán bù chéo lẫn nhau do EVN tự phân bổ trong nội bộ, do vậy, rất khó xác định được lượng bù chéo giữa công ty này và công ty khác.
Cùng với việc tái cơ cấu ngành điện và hình thành thị trường điện, Phương pháp tính mới được áp dụng sẽ buộc khâu phát điện phải cạnh tranh, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất điện xuống mức thấp nhất nhưng vẫn trên cơ sở giá nhiên liệu đầu vào tiến tới giá thị trường. Khi đó, các khâu phát điện, truyền tải và phân phối sẽ được tách ra, hạch toán độc lập và quan hệ với nhau trên cơ sở hợp đồng thương mại.
ERAV cũng sẽ xây dựng các loại doanh thu được phép của dịch vụ phân phối và dịch vụ bán lẻ điện dựa trên chi phí đầu tư và chi phí vận hành hiệu quả. Nếu các công ty phân phối đạt hoặc vượt các mục tiêu hiệu quả thì sẽ được phép giữ lại phần doanh thu tăng thêm như là lợi nhuận, sau khi đã chuyển một phần sang khách hàng bằng cách giảm giá.
Bên cạnh đó, Phương pháp lập biểu giá mới sẽ đảm bảo công bằng nhất với khách hàng. Khi đó, khách hàng mua điện ở cấp nào (cao thế hay trung thế hay hạ thế) thì chỉ phải trả cho giá thực ở cấp đó đó. Hiện nay, người mua điện không thể biết mình phải trả chi phí cho cấp nào. Còn chi phí cho sản xuất điện và truyền tải điện đến tay khách hàng thì ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít. Theo ông Thắng, đây là phương pháp được nhiều nước đang phát triển và có hệ thống điện tương tự như Việt Nam áp dụng thành công.
Hỗ trợ người nghèo, giảm dần bù chéo
Theo ông Pedro Antmann, Tư vấn của Ngân hàng Thế giới cho Dự án này của ERAV , trong điều kiện Việt Nam còn thiếu điện và rất cần điện để phát triển kinh tế xã hội, cơ chế bù chéo 200 kWh điện đầu tiên của mọi khách hàng sinh hoạt như hiện nay thực sự là bất hợp lý bởi việc trợ giá dành cho cả người có thu nhập trung bình và cao. Thống kê cho thấy, các hộ nghèo thường chỉ tiêu thụ điện ở bậc thang dưới 100 kWh/tháng. Trong khi đó, năm 2006, tổng số tiền bù chéo cho nhóm sinh hoạt lên tới 7.098 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ chế hiện tại cũng chưa thực sự bảo vệ các khách hàng bởi tại nhiều vùng nông thôn, người dân chỉ nhận được chất lượng dịch vụ thấp; phải trả giá điện cao cho các đơn vị kinh doanh điện nông thôn ngoài EVN cung cấp; thậm chí nhiều trường hợp không được cấp điện.
Vì vậy, để phát triển bền vững ngành điện, để tăng năng lực cạnh tranh trong các ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam từ việc xoá bỏ bù chéo từ giá điện công nghiệp sang giá điện sinh hoạt, đồng thời đảm bảo mọi khách hàng nghèo và nông thôn được dùng điện cũng như có đủ nguồn lực thực hiện thành công điện khí hoá nông thôn, Việt Nam cần sớm thay thế cơ chế bù chéo hiện nay bằng cơ chế hỗ trợ khác hiệu quả hơn và theo mục tiêu 'Giảm dần và tiến tới xoá bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt...''
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Pedro Antmann khẳng định: Ngưỡng trần trợ cấp 50 kWh/hộ/tháng trong Phương pháp lập biểu giá điện mới sẽ thích hợp để hỗ trợ người nghèo thực sự. Khi đó, với việc lập ra biểu giá sinh hoạt bậc thang tăng dần, khách hàng sinh hoạt cao sẽ bù cho chính khách hàng sinh hoạt thấp; khách hàng thành thị bù cho khách hàng nông thôn.
Đồng quan điểm với ông Pedro Antmann, Cục trưởng ERAV Phạm Mạnh Thắng cũng cho rằng: Chính phủ vẫn cần tiếp tục có cơ chế bù chéo trong các nhóm khách hàng và giữa các công ty phân phối điện thông qua Quỹ Bù chéo (SCF) do ERAV quản lý. Khi đó, những công ty kinh doanh ở khu vực thành thị, mật độ cao, giá điện bình quân cao, có lãi thì sẽ nộp vào SCF; những công ty kinh doanh ở vùng nông thôn, miền núi, chi phí cao, giá điện thấp bị lỗ thì sẽ có cơ chế điều chuyển theo SCF để cân bằng. Như vậy, mọi người dân nông thôn và ở vùng hẻo lánh vẫn đảm bảo được dùng điện; đồng thời Nhà nước lại có thể tách bạch rõ giữa chức năng công ích và kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Nếu phương pháp lập biểu giá bán lẻ điện mới được chấp nhận và áp dụng thử nghiệm trong năm 2009, bước đầu sẽ có thể gây ra những khó khăn và tác động không nhỏ tới xã hội nhưng về lâu dài, việc xoá bỏ bù chéo trong giá điện chính là điều kiện quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh về giá khi Việt Nam gia nhập WTO./.