Tin mới nhất

Đón xuân trên công trường thuỷ điện Sơn La

Thứ tư, 6/1/2010 | 10:40 GMT+7

Những ngày đầu xuân 2010, thời tiết ở phố núi Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) lạnh buốt, nhiệt độ có lúc xuống 6 - 7 độ C. Tại công trường thuỷ điện, âm vang tiếng máy “lọt” qua lớp sương mù đặc quánh từ phía khúc sông dội về 2 bên vách núi vào buổi sớm. Một ngày mới bắt đầu nhộn nhịp người xe suốt cả 3 ca, 4 kíp để dồn sức thi đua cao điểm mừng Đảng, mừng xuân, đáp ứng tiến độ nút cống tích nước vào tháng 5, tổ máy số 1 phát điện vào cuối năm 2010.

 

 

 “Bản giao hưởng” trên công trường

Trên công trường, gần 9.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc các đơn vị của 4 Tổng công ty Sông Đà, Trường Sơn, Licogi, Lilama làm việc khẩn trương nhằm đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục những ngày giáp Tết. Thời điểm đặc biệt trong công tác thi công, đó là vào dịp lễ Noel -2009, Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 908 (Công ty cổ phần Sông Đà 9) được tiếp sức của Sông Đà 5 chuyển tải bê tông, đã đổ trên 3.000 m3 bê tông đầm lăn (RCC) vào đoạn lòng kênh đập dâng (khối R2). Đây là những mẻ bê tông RCC đầu tiên của khối R2 (kể từ ngày “nghỉ lũ”, tháng 5 năm 2009) để “hàn nối” giữa đoạn đập bờ trái và đoạn đập bờ phải tràn dốc nước công trình đập dâng. Những người thợ lắp máy của Lilama (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam) cũng đã lắp đặt và hàn khẩu khoanh cuối cùng đường ống áp lực tổ máy số 6 đúng dịp đầu năm mới.

Ông Nguyễn Thế Trinh, Giám đốc chi nhánh công ty CP Lilama 10 (đơn vị chính đảm nhận lắp đặt thiết bị dự án Nhà máy thủy điện Sơn La) cho biết: Để tổ máy 1 (TM1) phát điện vào cuối tháng 12/2010 như kế hoạch yêu cầu, Lilama phải hoàn thành lắp đặt 54.000 tấn thiết bị của nhà máy. Nhiệm vụ quan trọng của Lilama trong thời gian tới là chuẩn bị lắp đặt thiết bị cơ điện. Hiện, Lilama đang triển khai nhận buồng phòng, chuẩn bị phương tiện dụng cụ, lập biện pháp tổ chức thi công. Trước đó, đơn vị phát động phong trào thi đua sáng kiến, tổ chức thi công tổ hợp 6 buồng xoắn tại bãi lắp đặt của đơn vị, rút ngắn thời gian 3 tháng/tổ máy so với việc tổ hợp tại vị trí lắp đặt.

Có thể tự hào công trường thuỷ điện Sơn La là nơi tập hợp những công nghệ tiên tiến nhất đưa từ nước ngoài cũng như trong nước lên đây để xây dựng công trình. Các chủng loại phương tiện vận chuyển cỡ lớn, siêu trường siêu trọng, máy đào xúc, khoan nổ, xe máy đặc chủng, công nghệ máy móc được điều động hoạt động ngày đêm. Ngay cả công nghệ bê tông đầm lăn được áp dụng xây đập thuỷ điện cũng thuộc công nghệ tiên tiến của thế giới. Từ cán bộ quản lý đến những kỹ sư, người lao động, nhất là lao động trẻ, họ tự hào là đã bắt đầu sự nghiệp tại công trường thuỷ điện Sơn La. Đây là nơi giao điểm của công nghệ mới về ngành thuỷ điện. Bên cạnh đó còn có đội ngũ kỹ sư, công nhân, nhân viên kỹ thuật đã trải qua xây dựng ở nhiều công trình thuỷ điện của đất nước, như: thuỷ điện Hoà Bình, Na Hang, Tuyên Quang, Yali, Cần Đơn, Bản Vẽ, Sê San,... Bởi vậy, đây còn là trường đào tạo tốt nhất cho lớp thợ trẻ. Nó có sự mạo hiểm và cũng có thể đạt được nhiều thứ, như người thợ hàn bậc 3 Đỗ Ngọc Tâm (25 tuổi) tâm sự: “Cánh thợ trẻ chúng tôi thích thú với mọi việc ở đây, tay nghề được thử thách, tôi luyện. Một ngày không nghe được tiếng máy, không thấy ánh chớp hàn thì thấy bâng khuâng nỗi nhớ”.

Đứng trên cầu tạm phía hạ lưu sông Đà trông lên, toàn cảnh công trường thuỷ điện hiện lên các cung bậc của hạng mục công trình nhấp nhô như những dòng kẻ nhạc. Người thợ uốn mình, thắt dây đai an toàn đang thi công trên các tầng cao, hàn khẩu đường ống áp lực, cheo leo trên các cần cẩu, làm tô điểm thêm cho bản hùng ca những nốt nhạc, tạo ra hình ảnh thật tuyệt vời như những vũ công biểu diễn.

Tầm vóc công trình

Dự án Nhà máy thuỷ điện Sơn La được thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 9 (ngày 29/6/2001) về Quyết định chủ trương đầu tư với 3 mục tiêu chính. Đó là, cung cấp điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ. Theo đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Có 5 yêu cầu khi triển khai dự án, đó là: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường – sinh thái, đa dạng sinh học; có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc.

Với quyết sách của Quốc hội, Nhà máy thuỷ điện Sơn La được xây dựng theo phương án và quy mô: Mực nước dâng bình thường là 215 m, công suất lắp máy 2.400 MW (gồm 6 tổ máy), đáp ứng điện lượng trung bình năm vào khoảng 10,246 tỷ kWh, trong đó tăng cho Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình là 1,267 tỷ kWh. Công trình có đập bê tông trọng lực một phần công nghệ thi công đầm lăn, với cao trình đỉnh đập là 228,1 m, chiều cao đập lớn nhất là 138,1m, chiều dài con đập gần 965m. Bởi vậy, dung tích toàn bộ hồ chứa khoảng 9,26 tỷ m3 nước, mặt hồ rộng trên 224 km, với chiều dài lòng hồ hàng trăm km từ huyện Mường La (Sơn La) đến thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Để làm được công trình này 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải chuyển dân ra khỏi vùng quy hoạch hồ khoảng 19.000 hộ dân (gần 10 vạn người) là cuộc đại di dân lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta.

 Làm chủ công nghệ mới

Phần thiết kế kỹ thuật toàn bộ công trình và thiết kế bản vẽ thi công do Công ty Tư vấn xây dựng điện I liên danh với Viện Thiết kế thuỷ công Maxcơva thực hiện, tư vấn trong nước làm tư vấn chính. Công tác giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu. Chủ đầu tư hợp đồng với liên danh SME-Nippon Koei-J Power, thuê chuyên gia nước ngoài giám sát toàn bộ khâu đổ bê tông đầm lăn đập chính, giám sát tuyến năng lượng (cửa lấy nước, nhà máy thuỷ điện), trợ giúp Ban quản lý dự án giám sát thi công tràn xả lũ và phần thi công đập vai phải công trình.

Để có phụ gia cho sản xuất bê tông RCC thi công đập chính, Ban Quản lý của nhà máy đã thành lập cơ sở sản xuất tro bay tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (tỉnh Hải Dương) khoảng 400.000 tấn. Hai cơ sở sản xuất tro bay là Sông Đà – Cao Cường và Bắc Sơn đảm nhiệm cung cấp khối lượng 16.000 tấn/tháng ngay từ đầu năm 2008. Ngoài ra EVN còn ký hợp đồng với các nhà thầu khác để cung cấp tro bay cho vật liệu công trình bắt đầu thi công RCC của nhà máy. Tổng Công ty Sông Đà đã tổ chức lắp đặt an toàn dây chuyền trộn, đổ, hệ thống băng tải, các thiết bị đầm bê tông, trị giá của gói thầu này khoảng 20 triệu USD.

Ông Lê Đình Thảo, Phó Ban quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La, khẳng định: Thuỷ điện Sơn La là công trình lớn nhất Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về công suất thiết kế mà lần đầu tiên đội ngũ cán bộ, công nhân làm chủ công nghệ mới. Công trình kết hợp khởi công, vừa ngăn sông cùng lúc vào ngày 2/12/2005, nay đã ba lần ngăn sông giúp cho tiến độ thi công nhanh hơn. Trong tổng số 5,3 triệu m3 bê tông cho công trình, các đơn vị đã đổ được khoảng 3,7-3,8 triệu m3, trong đó gần 2 triệu m3 bê tông RCC.

Ông Thảo giải thích thêm: Để cho việc nút cống dẫn dòng, tích nước và phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay, các đơn vị đang dồn sức thi công các hạng mục, trong đó: lắp thiết bị hàng tháng từ 1.500 – 2000 tấn, và ngày càng nhiều lên. Thiết bị của nhà máy đã lắp đặt được trên 30.000 tấn/ 78.000 tấn. Về bê tông ACC (bê tông thường) các đơn vị đã thực hiện trên 2 triệu m3/2,7 triệu m3 (chỉ còn khoảng 700.000 m3 nữa). Lý do đổ bê tông đến tháng 8 mới xong , không phải tiến độ chậm mà do yêu cầu kỹ thuật phải dừng lại chờ thời điểm nút cống, hiện công trường có thể đổ 18.000m3/tháng. Tổ máy số 1 muốn chạy được, còn nhiều việc phải làm, trong đó phải nút được cống; thứ 2 phải thi công các hạng mục đạt độ cao trên sơ đồ tối thiểu. Trước mắt về mặt xây dựng nhà máy, đến ngày 1/1/2010 đã xong thủ tục bàn giao cấp máy phát, lắp máy phát, tua bin, bàn giao máy phát tại công trường để lắp máy. Các cỗ máy khổng lồ của tổ máy số 1 gồm: trục máy phát (nặng 110 tấn), máy biến áp nặng 280 tấn (cỗ máy nặng nhất của công trường), 1 kiện hàng liên quan đến máy phát điện (gần 200 tấn)... đã được vận chuyển bằng đường thuỷ từ cảng Hải Phòng, rồi “vượt cạn” đập thuỷ điện Hoà Bình, hành trình theo đường hồ sông Đà đến tập kết tại công trường thuỷ điện Sơn La.

Năm 2010 là thời điểm quyết định của nhà máy thuỷ điện Sơn La. Bởi vậy, việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn thi công, lắp đặt thiết bị, giám sát kỹ thuật được Ban quản lý, Ban Điều hành nhà máy thuỷ điện Sơn La đặt lên hàng đầu, tính cụ thể, chi tiết từng khâu, từng thời điểm. Theo đó, về công tác xây dựng phải hoàn thành và bàn giao lắp 1 chiếc cẩu nặng 125 tấn trên đập tràn. Cẩu này liên quan đến lắp đặt các linh kiện tổ máy phát. Đến tháng 2, các đơn vị phải xong toàn bộ 12 cửa xả sâu, hoàn thành toàn bộ xây dựng phần dốc nước và lưỡi phóng tràn xả lũ, hoàn thiện toàn bộ các hạng mục bên hạ lưu và các hạng mục 2 bên bờ sông để tháng 5 đóng cống, tích nước hồ. Hoàn thành đổ bê tống nút cống vào cuối tháng 6, hoàn thiện thân đập, cửa thoát nước, cửa chắn rác... Cuối tháng 6 đổ bê tông RCC thân đập còn lại để đến tháng 8 hoàn thành. Đến thời điểm đó, khi hồ tích nước trong vòng 10 ngày có thể đủ lượng nước cho khởi động tổ máy số 1 và phát điện thương mại.

Ông Ninh Duy Phóng, Phó Tổng giám đốc Ban Điều hành dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, cho biết: Trong 5,2 triệu m3 bê tông cần cho công trình đập chính được chia làm 2 loại, gồm 2 triệu m3 bê tông thường và 3,2 triệu m3 bê tông RCC. Công trường phải thực hiện từ nay đến quý III năm 2010 đổ 3,9 triệu m3 bê tông cho đập chính, kịp tiến độ đảm bảo đóng cống, chính thức tích nước vào hồ chứa, phục vụ phát điện tổ máy số 1 sớm hơn.

Theo Kỹ sư Nguyễn Thông Hoa, Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 7, với trên 1.900 cán bộ công nhân viên chia thành 6 công ty, 4 xí nghiệp hoạt động độc lập. Là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất cốt liệu cho việc thi công đầm lăn đổ vào công trình đập chính; đồng thời đảm nhận xây dựng 3/6 tổ máy (tổ máy 4,5,6) và xây dựng một phần đập tràn của Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Công ty còn trực tiếp sản xuất vật liệu đá dăm, cát nhân tạo và 80% khối lượng bê tông tươi cho toàn bộ công trình nhà máy thuỷ điện Sơn La. Để hoàn thành khối lượng được giao, công ty đã huy động hơn 400 máy móc, thiết bị, đẩy nhanh thi công các hạng mục: sản xuất trên 1,2 triệu m3 đá dăm các loại, 530.000m3 cát nhân tạo, đổ trên 434.000m3 bê tông CVC (bê tông thường), phối hợp với công ty cổ phần Sông Đà 5, Sông Đà 9 đổ trên 2 triệu m3 bê tông RCC. Công ty còn đầu tư 58 tỷ đồng xây dựng dây chuyền trạm nghiền sàng sản xuất đá dăm và cát nhân tạo có công xuất 500 tấn/giờ tại công trình. Năm 2009 công ty đảm bảo thi công vượt tiến độ, chất lượng, sản xuất cát xây và đá dăm các loại đạt trên 1,6 triệu m3, sản xuất bê tông thương phẩm đạt 255.000 m3 cung cấp cho các đơn vị bạn. Lương bình quân của cán bộ, công nhân đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại các công ty, xí nghiệp đang bắt tay vào công việc nhằm đảm bảo tiến độ, ký kết thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng xuân. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 908 phấn khởi nói: Với tốc độc làm việc hiện nay, tin chắc rằng đến tháng 5 này con đập chính sẽ liền mạch, trở thành một khối bê tông khổng lồ, hiên ngang sừng sững với chiều cao lớn nhất 138,1m, chiều dài đập theo đỉnh 965 m. Đập ngăn sông Đà lớn nhất có vai trò làm dâng nước hồ đến cos 215 m (mực nước dâng bình thường). Như vậy nó sẽ làm cho hồ chứa được khoảng 9,26 tỷ m3 nước. Hiện anh em công nhân đang phải bảo dưỡng (thân và mặt đập), đồng thời tập trung vệ sinh phần mặt đập, đánh nhám chuẩn bị đổ bê tông lớp tiếp theo (khối R2).

Thể hiện bản lĩnh người thợ

"Công trình thuỷ điện Sơn La xong, chúng tôi lại kéo các nhà thầu lên công trường thuỷ điện Lai Châu", ông Lưu Thế Biểu, Phó ban Quản lý dự án thuỷ điện Sơn La tâm sự. Nhưng, những người thợ xây dựng thuỷ điện dù có đến các công trình khác thì cái mốc son thời gian về công trình thế kỷ vẫn đọng lại trong tâm trí của người thợ có mặt trên công trình thuỷ điện Sơn La hôm nay.

Con người nơi đây đều nói đến bản thiết kế này, cao trình nọ, hạng mục kia. Họ sống, lao động bởi thủy điện, nói chuyện cũng thuỷ điện và họ ít ngủ để thức cùng thuỷ điện. Có một người thợ trẻ xa nhà bộc lộ: Đôi lúc ngủ đêm không mơ thấy vợ ở nhà mà toàn mơ thấy công việc trên công trường thuỷ điện.

Ông Trần Văn Tấn, Giám đốc xí nghiệp 10.6 (Công ty CP Sông Đà 10), cho biết: Đến với công trình thuỷ điện Sơn La từ những ngày đầu triển khai dự án, từ chỗ chỉ có 2 đội khoan hở với 2 máy khoan, đến nay đơn vị đã xây dựng được 15 đội khoan với nhiều máy khoan tiên tiến nhất hiện nay của các hãng thiết bị nổi tiếng thế giới như: ATLASCOPCO, TAMROCK... Đơn vị đã hoàn thành theo tiến độ của công trình như: đào hố móng kênh và cống dẫn dòng, thi công với khối lượng đất đá khoan nổ mìn 2,5 triệu m3, khoan phun gia cố và chống thấm cống dẫn dòng thi công, khoan phun chống thấm đê quai thượng, hạ lưu phục vụ thi công hố móng nhà máy trước 45 ngày. Bóc phủ và khai thác mỏ đá bản Pênh với khối lượng 250.000m3/ tháng cung cấp đá hộc để sản xuất vật liệu cho toàn công trường. Để chuẩn bị cho tổ máy tổ máy số 1 phát điện, xí nghiệp đã hoàn thành khối lượng khoan phun chống thấm, gia cố đạt 73% kế hoạch với 106 m dài (trong năm 2009). Hiện, đơn vị tiếp tục triển khai khoan neo vỏ hầm, khoan tiếp xúc và khoan thoát nước, chỉ còn thời gian ngắn nữa là hoàn thành.

Nhiều đơn vị từ việc tham gia xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La mà khẳng định được thương hiệu của riêng mình, như Sông Đà 5 (Công ty cổ phần Sông Đà 5) chuyên sản xuất vữa bê tông RCC đắp đập dâng, thi công lắp TM1, TM2,TM3. Sông Đà 7, chỉ trong 5 năm từ một công ty đứng bên bờ vực phá sản đã vươn lên trở thành một trong những công ty mạnh của Tổng công ty Sông Đà, sản xuất vật liệu bê tông trên 1 triệu m3 RCC, đảm trách thi công 3 tổ máy 4, TM5, TM6 và cùng Licoghi đảm nhận thi công đập tràn bờ phải công trình thuỷ điện Sơn La. Tổng công ty Trường Sơn, chuyên gia về khoan nổ đào hố dưới lòng sông, xây dựng hố sói, lưỡi phóng đập tràn xả lũ, Lilama chuyên gia lắp máy thuỷ lực lần đầu tiên thực thi nhiệm vụ lắp ráp tổ hợp buồng xoáy, đường ống áp lực, các tổ máy cơ điện cỡ lớn của công trình thuỷ điện Sơn La. Với Sông Đà 9, ngoài thi công các hạng mục cửa nhận nước còn chuyên rải thảm bê tông RCC xây đập dâng... Khí thế lao động trên công trường như một bản hợp xướng của nhiều loại máy móc, tạo ra tiếng âm thanh trầm bổng lúc chúa chát như bài ca chiến trận, lúc êm ái rạt rào hoà dịp cùng tiếng hát của dòng sông. Nhiều màu áo công nhân của các đơn vị tham gia xây dựng hoà quyện vào nhau, cảm tưởng như đang xem một buổi trình diễn thời trang trên công trường, tạo nên bản hùng ca hoành tráng của mùa xuân.

Mục tiêu tích nước hồ, phát điện tổ máy số 1

Ông Lưu Thế Biểu, Phó ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La báo tin vui: Sau khi Quốc hội có Nghị quyết (tại kỳ họp thứ 6, QH khoá XII) về Dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La quản lý cả 2 công trình lớn của đất nước. Ông Biểu nói thêm, dự án thuỷ điện Lai Châu có công suất lắp máy 1.200 MW, cung cấp bình quân trên 4,7 triệu kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, là thuỷ điện trong bậc thang cuối cùng của hệ thống sông Đà và là công trình thuỷ điện lớn cuối cùng của đất nước được triển khai thi công, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Nếu như đập thuỷ điện Sơn La phải hoàn thành đổ trên 5,2 triệu m3 bê tông, trong đó bê tông đầm lăn (RCC) gần 3,2 triệu m3, thì công trình thuỷ điện Lai Châu cũng sẽ có khoảng 3,1 triệu m3 bê tông, trong đó đập chính được làm bằng bê tông RCC. Cho nên, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình của thuỷ điện Sơn La là rất quan trọng, nhiều đơn vị sẽ phải bổ sung quân để tăng cường, đưa thiết bị, máy móc lên Lai Châu cho kịp tiến độ thời gian Quốc hội quy định. Dự kiến sẽ khởi công công trình thuỷ điện Lai Châu vào cuối năm 2010, lấp sông Đà vào cuối năm 2011.

Theo Ban quản lý dự án, hiện trên công trường thuỷ điện Sơn La các đơn vị đang thi đua cao điểm, trong đó đã hoàn thành thi công đập không tràn khu vực bờ trái đạt cao độ đỉnh (+277,1m), khu vực cửa lấy nước nhà máy đạt cao độ 186,1m, lắp đặt thiết bị công nghệ cho các hạng mục đạt gần 36.000 tấn (gần 50% kế hoạch), chuẩn bị thử khô van phẳng cửa lấy nước.

Tại khu vực thi công nhà máy thủy điện, các đơn vị của Sông Đà đang tập trung thi công dầm cầu trục gian máy tại các TM1, TM2 và TM3; trong đó TM1 đã thi công bê tông buồng xoắn đạt cao độ 113m, buồng xoắn TM2 đang thi công tại cao độ 105m. Buồng xoắn các tổ máy số 4, 5, 6 cũng đang được triển khai thi công đáp ứng tiến độ. Ngoài ra, các đơn vị đã hoàn thành lắp đặt thiết bị xả sâu tại khu vực đập tràn. Khu vực dốc nước đang triển khai thi công toàn tuyến, đảm bảo đến tháng 3/2010 hoàn thành; phấn đấu lắp đặt xong TM1 và tích nước hồ chứa vào tháng 5/2010.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân, hoa đào, hoa mận, hoa ban Tây Bắc chúm chím; mùa xuân thứ 5 lại về trên công trường thuỷ điện Sơn La với bộn bề công việc. Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng triệu triệu con tim khắp mọi miền Tổ quốc quan tâm đến công trình lớn của thế kỷ đang dõi theo từng ngày, đặt niềm tin vào người thợ xây dựng hôm nay trên công trường thuỷ điện Sơn La. Họ, những người thợ trẻ trên công trường đang sống, làm việc vì dòng điện của Tổ quốc, thi đua cao điểm để tổ máy số 1 phát điện đúng thời điểm trọng đại đất nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Đảng, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nhật Bác, món quà ý nghĩa dâng lên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 

Xuân Mai