Tin mới nhất

Cung cấp điện 2010: Dự báo một năm khó khăn

Thứ hai, 28/12/2009 | 09:33 GMT+7

Năm 2009, mùa mưa ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ kết thúc sớm hơn bình thường hàng năm khoảng 1 tháng. Lượng mưa khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ đạt thấp, tổng lượng mưa 11 tháng tại 64 trạm đo thuộc Bắc Bộ chỉ đạt 86% lượng mưa cùng kỳ hàng năm, trên các sông suối ở Bắc Bộ không xuất hiện lũ lớn. Từ tháng 9 trở lại đây, miền Bắc hầu như không có mưa, lưu lượng nước về trên các sông suối rất thấp. Trong khi đó, Theo kế hoạch, năm 2009 sẽ có khoảng 3.300MW công suất nguồn được đưa vào vận hành. Tuy nhiên đến nay hầu hết các công trình bị chậm tiến độ. Tất cả những thực tế trên đang khiến nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm 2010 ngày càng trở nên gay gắt.

 

Sông Hồng đoạn qua cầu Chương Dương cạn trơ đáy - Ảnh chụp ngày 23/12/2009 (Ảnh Chinhphu.vn/Hoa Viết Cường)

. Nước tại các hồ thủy điện xuống mức rất thấp

Theo Cục Khí tượng thủy văn, thời tiết năm nay rất bất lợi cho việc cung cấp điện và sản xuất nông nghiệp. Lượng mưa trong 11 tháng mới đạt 85% mức bình quân hàng năm khiến lượng nước chứa ở các hồ thủy điện xuống rất thấp, có khả năng gây thiếu nước nghiêm trọng cho các nhà máy thủy điện và điều tiết nước cho nông nghiệp vùng hạ du.

Đặc biệt, mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua. Thông thường, trong tình trạng khô hạn như vậy, các hồ thủy điện sẽ phải xả nước để cứu lúa. Do nước về ít và đang bước vào thời gian tích nước phục vụ mùa khô 2010, nên hồ Hòa Bình đã đóng toàn bộ các cửa xả lũ từ ngày 8-9-2009. Tuy nhiên, mực nước trong hồ hiện vẫn thấp hơn khoảng 2,7 m so với yêu cầu tích nước của năm 2010.

Mặc dù nước về ít nhưng nhu cầu phụ tải điện ngày càng tăng. Riêng tháng 11 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ đã tăng 24,18% so cùng kỳ 2008. Dự báo, mùa khô năm 2010, riêng miền Bắc cần thêm khoảng 2,5 tỷ kWh điện so với mùa khô năm 2009 nhưng khó có thêm nguồn bổ sung vì hầu hết các nguồn mới đều lùi kế hoạch phát điện. Cụ thể, Nhà máy Điện Sơn Động đã lùi kế hoạch phát điện thêm 6 tháng so với dự định quý II/2009; Nhà máy Cẩm Phả phải tới tháng 5-2010 mới vào chính thức; Nhà máy Hải Phòng 1  đến tháng 3-2010 mới chạy tin cậy…

Trong khi đó, tại cuộc họp bàn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ngày 8-12 nhằm thống nhất thời gian xả nước hồ thủy điện phục vụ nông nghiệp các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc bộ, Cục Thủy lợi đề nghị EVN chỉ đạo tăng cường phát điện từ hồ Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang nhằm dâng cao mực nước chảy về hạ du, đảm bảo cho các hệ thống thuỷ lợi lấy nước làm đất gieo cấy lúa vụ xuân 2010 theo 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 24-1 đến ngày 1-2-2010; đợt 2 từ ngày 7-2 đến 13-2-2010; đợt 3 dự kiến bắt đầu từ ngày 20-2/2010.

Theo EVN, việc thiếu hụt tới 2,6 tỷ m3 tại các hồ thủy điện sẽ là khó khăn rất lớn cho ngành điện trong việc vừa phải đảm bảo nhiệm vụ điều tiết lượng nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2009 - 2010, vừa phải đảm bảo nhu cầu điện trong mùa khô năm 2010. Dự báo, mùa khô 2010 sẽ là mùa khô vô cùng khó khăn với EVN.

. Miền Bắc thiếu điện vào giờ cao điểm

Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 12 sẽ chỉ có 1.800MW công suất nguồn điện mới đi vào vận hành (đạt 55% kế hoạch năm 2009), vì vậy đã ảnh hưởng lớn tới an toàn cung cấp điện trên toàn hệ thống, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.

Sản lượng thủy điện phát tháng 11-12 ước chỉ đạt 25% cùng kỳ năm 2008. Vì vậy, khác với mọi năm chỉ huy động nhiệt điện chạy dầu vào mùa khô, năm 2009 nguồn điện này được huy động vào hầu hết các tháng trong năm. Riêng đầu tháng 11-2009 tới nay, thủy điện miền Bắc phát thấp do thiếu nước đã khiến các đường dây truyền tải 500kV Bắc – Nam (Đà Nẵng – Hà Tĩnh, Đà Nẵng- Pleiku) luôn vận hành trong tình trạng hết sức căng thẳng. Đặc biệt, lưới điện truyền tải 500-220kV TP Hà Nội hiện bị quá tải do 100% dự án lưới 220kV và 83% lưới 110kV không đưa vào vận hành theo đúng kế hoạch.

Dự báo, nhu cầu phụ tải điện năm 2010 có thể tăng 13-15% so với các tháng cùng kỳ năm 2009. Sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 94 – 96 tỷ kWh; Công suất cực đại lên tới 15.300- 15.600MW.

Để khắc phục khó khăn, hiện EVN đang tính toán các phương án để vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu điện trong năm 2010 nói chung và các tháng mùa khô 2010. Theo dự báo, nhu cầu phụ tải điện năm 2010 có thể tăng 13-15% so với các tháng cùng kỳ năm 2009 do tác động của sự phục hồi kinh tế.

Theo đó, EVN sẽ tiếp tục khai thác hạn chế các hồ thủy điện miền Bắc nhằm giữ mức nước hồ cao nhất có thể. Đối với các hồ thủy điện miền Nam (trừ thủy điện Trị An) và miền Trung sẽ khai thác hết theo khả năng nước về. Bên cạnh đó, để đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội những ngày cuối năm, đặt biệt là các ngày lễ như Noel, Tết dương lịch, EVN đã chuẩn bị sẵn phương án huy động các nguồn nhiệt điện than, dầu, tua bin khí ở mức tối đa. Tiếp tục truyền tải công suất cao trên đường dây 500 kV Bắc-Nam để phục vụ giữ nước các hồ thuỷ điện miền Bắc. Để thu xếp vốn cho các dự án nguồn và lưới, EVN đã chủ động đẩy mạnh phát hành trái phiếu, triển khai bán bớt cổ phần, tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại để huy động vốn đảm bảo tiến độ các dự án theo quy hoạch điện VI .

Riêng năm 2009, EVN đã thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư cho các dự án nguồn và lưới điện với tổng giá trị trên 47.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó đã hoàn thành đưa vào vận hành thêm 13 tổ máy phát điện mới với tổng công suất 1.856 MW; đồng thời đóng điện và đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện quan trọng như các đường dây 220kV Quảng Ninh-Hoành Bồ, Quảng Ninh- Cẩm Phả, Cà Mau- Bạc Liêu; lưới điện đồng bộ các nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ, Buôn Kuốp, Plêi Krông, Sê San 4...

Để đảm bảo cung ứng điện cho Hà Nội giai đoạn 2010-2011 (đặc biệt là cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội), EVN đang thực hiện triển khai gấp một số công trình cấp bách nhằm đảm bảo cấp điện như bổ sung 3 máy biến áp công suất 250MVA tại các trạm 220kV Chèm, Hà Đông, Mai Động, cải tạo thay dây dẫn một số đường dây 110kV, phấn đấu sớm hoàn thành công trình đường dây 220 kV Thành Công - Hà Đông. EVN cũng phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại hơn 2.900 xã trên toàn quốc.

Bên cạnh việc EVN chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện; Tập đoàn Dầu khí (PVN) đảm bảo cung cấp đủ lượng khí cần thiết cho sản xuất điện trong 6 tháng mùa khô và cả năm 2010. Cụ thể, đảm bảo lượng khí Nam Côn Sơn cấp cho sản xuất điện ở mức 18 triệu m3/ngày, khí Cửu Long 0,6 triệu m3/ngày, khí PM3 trên 5 triệu m3/ngày;Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nhiệt điện Sơn Động (2x110 MW) và Cẩm Phả (300 MW) để tăng nguồn cho hệ thống miền Bắc; Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) tính toán, điều hoà lượng nước hợp lý trong các đợt xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2010 và phối hợp với các địa phương chỉ đạo các Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tích cực nạo vét kênh mương, củng cố thiết bị trạm bơm, vận động bà con nông dân tích cực lấy nước trong các đợt xả nước tập trung đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm thì các cấp, các ngành phải nghiêm túc tiết kiệm điện  theo Chỉ thị 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ./

Thanh Mai