Dow Jones tiếp tục mất điểm

Thứ tư, 24/6/2009 | 16:20 GMT+7
Ngày 23/6, Dow Jones và S&P 500 đã có diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch có sự giằng co dữ dội.

Thứ Ba, Moody"s Investors Service cho biết định mức tín dụng của Chính phủ Mỹ vẫn giữ được vị trí xếp hạng cao nhất “AAA”, tuy nhiên Moody"s cũng cho rằng vị trí xếp hạng cao nhất đó cũng có thể bị rủi ro nếu như Washington không kiểm soát được các khoản nợ công.

Bên cạnh đó, Moody"s cũng cảnh báo: “Định mức xếp hạng tín dụng của Mỹ có thể bị rủi ro nếu đồng USD bị thách thức khốc liệt trước vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế”.

Đây là thông tin quan trọng làm yên lòng nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu trước những lo ngại về việc thâm hụt ngân sách sẽ làm gia tăng nợ công, qua đó tác xấu đến xếp hạng tín dụng của Chính phủ Mỹ.

Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 5/2009 ở nước này đã tăng 2,4%, lên mức 4,77 triệu đơn vị (ngôi nhà, căn hộ) - thấp hơn so với mức dự báo 4,81 triệu đơn vị, từ mức 4,66 triệu đơn vị trong tháng 4.
Trong khi đó, kiểm kê số nhà đã qua sử dụng thuộc diện đang giao bán trong tháng 5 đã giảm 3,5% xuống 3,8 triệu đơn vị. Giá nhà trung bình đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 173.000.USD/đơn vị.

Dow Jones, S&P 500 có diễn biến trái chiều

Không có tin hỗ trợ trước khi thị trường mở cửa ngày giao dịch nhưng cả ba chỉ số chứng khoán chính vẫn tăng cao hơn so với giá trị đóng cửa phiên trước đó.

Tuy nhiên sắc xanh chưa duy trì trên bảng điện tử được bao lâu thì chỉ số Dow Jones đã sớm giảm điểm do cổ phiếu Boeing sụt giảm gần 7% - do phải trì hoãn giao máy bay 787 Dreamliner. Tiếp đó, Nasdaq, S&P 500 đều quay lại xu hướng giảm điểm.

Sự giằng co mạnh trong biên độ hẹp từ -0,7 đến 0,5% không tạo nên một phiên giao dịch sôi động như phiên trước đó. Sự thận trọng của nhà đầu tư được thể hiện rõ nét khi thông tin về thị trường nhà đất phục hồi thấp hơn mong đợi.

Kết thúc phiên, chỉ số Dow Jones đã giảm điểm do cổ phiếu Boeing sụt giảm với biên độ lớn, trong khi đó chỉ số S&P 500 lại khởi sắc trước sự hỗ trợ từ khối ngân hàng, năng lượng và nguyên vật liệu cơ bản.

Cổ phiếu khối ngân hàng sớm phục hồi trước hoạt động săn tìm mua cổ phiếu giá đã xuống mạnh phiên trước đó. Cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 2,1%, cổ phiếu Bank of America lên 2,4%, Goldman Sachs tiến thêm 3,05%, cổ phiếu Morgan Stanley nhích 4,02%,...

Phiên này có 15/30 cổ phiếu blue-chip trong chỉ số Dow Jones tăng điểm, tuy nhiên sự sụt giảm 6,5% của cổ phiếu Boeing đã kéo chỉ số này mất điểm phiên thứ hai trong tuần.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York lại giảm xuống còn 1,21 tỷ cổ phiếu - từ mức 1,4 tỷ cổ phiếu phiên trước đó, thị trường có 1.577 cổ phiếu tăng điểm và có 1.418 cổ phiếu giảm điểm.
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 23/6: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 16,1 điểm, tương đương -0,19%, chốt ở mức 8.322,91.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 1,27 điểm, tương đương -0,07%, chốt ở mức 1.764,92.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 lên 2,06 điểm, tương đương 0,23%, đóng cửa ở mức 895,1.

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Trong tuần tới, sự kiện đáng chú ý nhất là cuộc họp diễn ra trong hai ngày - thứ Ba và thứ tư - của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), với báo cáo sơ bộ về thu nhập và đánh giá về nền kinh tế Mỹ.

Thứ Tư: Công bố số đơn đặt hàng lâu bền; công bố doanh số nhà mới; FED đưa ra thông cáo cuộc họp.

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố số liệu điều chỉnh lần cuối về GDP quý 1; công bố kết quả kinh doanh của Palm.

Thứ Sáu: Công bố số liệu về thu nhập và chi tiêu của người dân Mỹ, công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng; công bố kết quả kinh doanh của KBHome.

Chứng khoán Anh, Pháp tiếp tục mất điểm

Chứng khoán khu vực đã có diễn biến trái chiều khi thị trường Anh, Pháp đều giảm điểm trong khi thị trường Đức tăng điểm với biên độ không đáng kể.

Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục đà giảm điểm và vẫn là nhân tố kháng cự của thị trường, trong đó cổ phiếu BNP Paribas, Banco Santander, Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered giảm từ 1,7- 3,4%.

Tuy vậy, cổ phiếu khối dược phẩm lại đồng loạt tăng và tạo nên sức đỡ quan trọng cho thị trường, trong đó cổ phiếu AstraZeneca, Merck, Novartis và Shire tăng từ 0,8-2,2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 4,03 điểm, tương đương -0,1%, chốt ở mức 4.230,02. Khối lượng giao dịch đạt 2,18 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức lên 0,29%, khối lượng giao dịch đạt 26,3 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 0,21%, khối lượng giao dịch đạt 134,65 triệu cổ phiếu.

Đến lượt thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm

Mức độ giảm điểm trên diện rộng cùng với biên độ giảm điểm lớn tại thị trường châu Á xuất phát từ tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước việc Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 xuống -2,9%, từ mức dự báo -1,7% đưa ra hồi tháng 3/2009.

Báo cáo của WB khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu giảm điểm mạnh phiên trước đó và đến hôm thứ Ba, tác động tiêu cực đã lan sang thị trường châu Á.

Biên độ giảm điểm trên 2,8% đã xuất hiện ở 4 thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật, Hồng Kông và Australia.

Tuy nhiên, vượt trên mức giảm điểm của các thị trường lớn, chỉ số VN-Index của Việt Nam đã giảm gần hết biên độ cho phép với 4,27%. Đây là phiên thứ hai trong tuần, thị trường đã chứng kiến cảnh tháo chạy của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, phía cầu vẫn xuất hiện ở những cổ phiếu blue-chip có tính thanh khoản cao, và điều này chính là lực đỡ quan trọng thị trường cho những phiên sắp tới.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã giảm 2,3% xuống 99,57 điểm - mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần qua.

Liên quan đến thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 hôm thứ Ba đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6/2009.

Bị ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Mỹ, chỉ số này đã giảm mạnh ngay từ phiên buổi sáng, và có lúc đã giảm trên 3%. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 276,66 điểm, tương đương -2,82%, chốt ở mức 9.549,61.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan hạ 2,27%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 2,8%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông xuống 2,89%. Chỉ số BSE của Ấn Độ trượt 0,4%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam sụt giảm 4,27%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt 0,12%. Chỉ số ASX của Australia lùi 3,01%. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 1,6%.

Theo: VNE