Sự kiện

Dự án 7,7 tỷ USD ở Kiên Giang: Cơ hội cho ĐB Sông Cửu Long

Thứ năm, 10/4/2008 | 09:20 GMT+7

Trong quy hoạch xây dựng các nhà máy điện tại đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có 7 nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng. Tuy nhbên, hầu hết các nhà máy đều có công suất nhỏ, triển khai chậm. Bài toàn năng lượng của ĐBSCL vẫn còn rất nan giải. Nhân sự kiện ký kết dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam tại Kiên Giang, phóng viên báo Đầu Thầu đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

 

 

P/V: Ông đánh giá Dự án nhiệt điện công suất 4.400 MW này có ý nghĩa thế nào với tỉnh Kiên Giang?

Ông Trương Quốc Tuấn: Có thể khẳng định rằng dự án này có ý nghĩa hết sức to lớn không riêng gì với tỉnh Kiên Giang mà với cả khu vực ĐBSCL. Tình hình thiếu điện tiêu dùng và điện sản xuất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Công trình quốc gia khí – điện – đạm Cà Mau với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD; 2 nhà máy điện Cà Mau (1 và 2) tổng công suất là 1500 MW; Bộ Công Thương quy hoạch Trung tâm điện lực Ô Môn gồm 4 nhà máy nhiệt điện tổng công suất 2640 MW ( tổng đầu tư 2 tỷ USD) vẫn chưa thể giúp ĐBSCL thoát khỏi nguy cơ thiếu năng lượng. Với công suất 4.400 MW, Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương sẽ góp phần giải bài toán thiếu năng lượng đang cận kề. Lộ trình phát triển Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương  rất phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Tổng Sơ đồ 6) của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bên cạnh xây dựng nhà máy nhiệt điện, 2 dự án khu công nghiệp (2400 ha), khu đô thị (2000 ha), cảng trung chuyển nước sâu tịa quần đảo Nam Du cũng được triển khai sẽ cải tạo kết cấu hạ tầng vốn yếu kém của vùng.

P/V: Các dự án lớn và phức tạp thường được giao cho doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đầu tư. Tại sao Kiên Giang lại chọn Tân Tạo (là doanh nghiệp ngoài quốc doanh) làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam?

Ông Trương Quốc Tuấn: Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ và chọn Tân Tạo vì đây là một tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng nhiều khu công nghiệp trên cả nước. Cũng đã có một số đối tác xim tham gia dự án những họ chưa dám đảm bảo quy mô lớn, chỉ dự kiến xây nhà máy 1200  MW, Kiên Giang chọn Tân Tạo vì họ không những xây nhà máy nhiệt điện mà còn xây khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là cảng nước sâu. Tân Tạo đã tìm được nhiều đối tác có uy tín và thực lực lớn.

P/V: Nhưng thưa ông, đây là một dự án nhiệt điện, lĩnh vực mà Tân Tạo chưa hề có kinh nghiệm?

Ông Trương Quốc Tuấn: Dự án này có sự tham gia của Tân Tạo và công ty Black&Veach (công ty hàng đầu của Hoa Kỳ), công ty FHDI (một trong 50 công ty hàng đầu thế giới và cảng biển) và Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2). Tôi tin nhà tư vấn đủ năng lực để giúp Tân Tạo trong suốt quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Tân Tạo sẽ quản lý khu công nghiệp và khu đô thị Kiên Lương, tạo đà phát triển Kiên Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

P/V: Thế mạnh của Kiên Giang là du lịch, trong đó huyện đảo Phú Quốc đống vai trò rất đặc biệt. Nhà máy Nhiệt điện và các khu công nghiệp liệu có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nơi đây?

Ông Trương Quốc Tuấn: Thứ nhất, nhà máy không xây trên Phú Quốc mà xây ở huyện Kiên Lương cách Phú Quốc 150km. Kiên Lương có trữ lượng đá vôi lớn nhất miền Nam và có nhiều nhà máy xi măng lớn, rất thích hợp để phát triển công nghiệp. Thứ hai, điện sẽ được tải ra Phú Quốc bằng cáp ngầm nên không thể nói là ảnh hưởng đến môi trường. Tôi tin, khi nhà máy được vận hành sẽ là động lực cho Phú Quốc phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Tỉnh Kiên Giang và Tân Tạo đã khảo sát công nghệ xử lý ô nhiễm của Nhật Bản và sẽ ứng dụng công nghệ G7, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam. Định hướng quy hoạch của Kiên Lương theo xu hướng thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Tạo cho biết: “Tân Tạo coi đây là cơ hội và thách thức lớn của mình. Trong tổng số vốn 7,7 tỷ USD, vốn tự có của chúng tôi là 20%, 40-50% của các đối tác nước ngoài, phần còn lại chúng tôi sẽ đi vay hoặc phát hành trái phiếu. Tân Tạo có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để đảm đang cũng như tìm kiếm đối tác chiến lược. Chúng tôi cũng quan tâm đến môi trường và sẽ tuân thủ chặt chẽ những quy định của Nhà nước để phát triển bền vững”.

Theo báo Đấu Thầu