Sự kiện

Âm vang Nậm Chiến

Thứ năm, 3/4/2008 | 09:02 GMT+7

Những ngày cuối năm, cùng với thủy điện Sơn La, trên công trường xây dựng thủy điện Nậm Chiến thuộc huyện Mường La (Sơn La) ầm vang tiếng máy. Trên toàn tuyến, các đơn vị đang tập trung máy móc thiết bị để thi công với tiến độ cao nhất, phấn đấu hoàn thành các hạng mục đề ra và chuẩn bị cho lễ ngăn sông trước mùa xuân sang.

Đường hầm trong lòng núi

 Anh Trần Khắc Toản, kỹ sư phụ trách khoan nổ của Công ty Sông Đà 10, đưa tôi vào hầm tuyến năng lượng- nơi các đơn vị đang tập trung thi công hoàn thành tuyến năng lượng dài trên 9,6 km trong năm 2008. Trước khi vào cửa hầm phụ số 1, anh Nguyễn Văn Lục, Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực đầu mối, chụp lên đầu tôi chiếc mũ nhựa đặc chủng của cánh công nhân xây dựng và bảo: “Quên xắm thêm cho anh đôi ủng, còn chiếc mũ này tý nữa vào trong hầm, anh sẽ thấy tác dụng của nó!” Bỏ lại đằng sau tiếng ồn ã và khói bụi của công trường đang thi công, chúng tôi chui qua một cửa ngách đi sâu vào trong lòng núi theo đường ray của tuyến xe goòng chở đất đá. Anh Toản chỉ tay lên phía phải bảo đây là gương đào số 1, phía trái là gương đào số 2. Nhìn đường nào cũng hun hút sâu, điện rực sáng, lạnh buốt và đặc biệt là ù tai. Trong hầm ít không khí, phải tải khí từ ngoài vào bằng một hệ thống ống mềm dài hàng km, cứ kêu ầm ầm như tiếng máy bay trực thăng vọng qua khe núi, nên phải nói thật to mới nghe được. Đầu tiên, chúng tôi đi xuống theo tuyến gương đào số 2 (hiểu nôm na là tuyến khoan đào đón xuống phía hạ lưu theo tim tuyến đã được xác định). Đi được một đoạn khá sâu khoảng 500m, vượt qua những khe nứt, nước từ trên trần hầm dội xuống xối xả, chúng tôi lách qua các giếng đào (chỗ để hút nước và là đoạn đường cho xe tránh nhau đã được phun gia cố trần) để tránh ướt và ... ngồi thở! Bây giờ tôi mới thấy giá trị của chiếc mũ nhựa mà anh Lục đưa cho tôi lúc chuẩn bị vào hầm. Đi tiếp một quãng, bỗng cả hệ thống điện trong hầm nhấp nháy vụt tắt 3 lần. Anh Toản túm áo tôi giật lại và hô: “Chạy!” Tôi không biết việc gì xảy ra đành quay lại và ba chân bốn cẳng nhảy qua những hố sâu, tảng đá gồ ghề cạnh đường ray trong bóng tối mờ ảo và kịp nấp vào một góc khuất đường tránh. Anh Toản bảo tôi bịt tai lại, sau mới biết đó là tín hiệu báo nổ mìn. Chỉ trong tích tắc, 3 tiếng nổ cực lớn liên tiếp nơi cuối tuyến làm rung chuyển đất đá dưới chân, khói bụi mịt mù ùa ra, phút chốc tan biến tôi mới biết mình đã an toàn. Thấy tôi thắc mắc, anh giải thích: Thường thì cánh thợ khoan đá làm ca kíp theo giờ; giờ nổ mìn là lúc anh em đã theo xe goòng ra ngoài an toàn, đằng này thì...” (anh cười!).  

Từ trong lòng núi quay ra, vừa đi, anh Toản vừa kể: “Quê tôi ở Hà Tây, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng năm 1998, vào làm ở Công ty Sông Đà 10 chưa đầy 2 năm thì được điều lên thủy điện Sơn La. Bươn trải hết công trình này đến công trình khác và năm 2005 lại được điều động tham gia thi công thủy điện Nậm Chiến. Lương 6 triệu/tháng, nhưng vẫn “phòng không gối chiếc”, quanh năm ở lán trại nơi rừng sâu núi thẳm, buồn lắm!”. Gần đến cửa hầm phụ số 1, gặp một dàn máy khoan lênh khênh như con cào cào rôbôt tiến vào phía gương đào số 1. Biết hướng này đã được an toàn, tôi nài nỉ được  tiếp tục mạo hiểm một lần nữa. Đưa lọ nước ít ỏi còn lại cho kỹ sư, tôi an ủi: “Nếu không đi tiếp, chắc có lẽ không hy vọng được vào hầm lần 2 vì anh Phó Tổng giám đốc nói rằng “chỉ có anh là người duy nhất tôi phải chấp thuận lời đề nghị, nhưng không có lần 2 đâu nhé!”. Những bước đi nặng nhọc oải dần, khi 12 giờ trưa sắp điểm. Câu chuyện giữa hai chúng tôi cũng thưa dần. Cuối cùng, cũng đến được chỗ con cào cào bằng sắt khổng lồ đang gồng mình khoan vào vách đá cùng chiếc máy xúc đặc chủng lầm lũi ngoạm từng tảng đá lớn múc đổ lên toa xe goòng rồi lần lượt chở xuôi ra ngoài cửa hầm phụ số 1 trong tiếng vang inh tai nhức óc. Ghi vội được mấy bức ảnh trong lòng núi, chúng tôi vội quay ra đến cửa hầm thì mặt trời đã ngả bóng. Toàn thân, quần áo ai nấy đều đen ngòm như thợ lò vùng than do mạt khói trong hầm bám vào, chân tay bám đầy dầu mỡ. Cánh công nhân nghỉ ca trưa bên lán tạm ngay cửa hầm đưa cho tôi một chậu mùn cưa và nói: “Xà phòng đây!”. Tưởng đùa, hóa ra rửa dầu mỡ, mạt khói bằng mùn cưa quả là hiệu nghiệm.

Hối hả công việc

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi lại men theo con đường công vụ chạy dài gần 10km dọc theo tuyến năng lượng. Những chiếc máy xúc hạng nặng trông xa như những con sâu đo đang bám vào vách núi gấp rút thi công, máy nổ rền vang vọng cả một vùng. Anh Nguyễn Văn Lục, đưa tôi ra đầu bờ vực đường công vụ, chỉ tay xuống lòng suối sâu thăm thẳm, nơi đang có các đơn vị thi công và bảo: “Đây là khu vực xây dựng đập tràn với hệ thống đập vòm cao nhất Đông Nam Á. Công trình thủy điện này gồm 2 tổ máy, công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư trên 4.174 tỷ đồng và khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho lưới điện Quốc gia 846 triệu KWh/năm”. Đến nay, mặc dù phải thi công trong điều kiện địa hình hiểm trở, núi đá dốc đứng, nhưng các đơn vị thi công đã đào trên 3,2 triệu m3 đất, 4,6 triệu m3 đá, đắp 330 ngàn m3 đất đá; đổ 13 ngàn m3 bê tông, đào 70 ngàn m3 đá hầm. Giá trị thực hiện đạt gần 820 tỷ đồng. Hiện tại, đã hoàn thành việc thi công hầm dẫn dòng dài trên 300 m, cao 12 m; thông tuyến trên 10 km đường giao thông dọc tuyến năng lượng và 9,6 km đường tránh ngập; đào thông được hơn 2 km đường hầm tuyến năng lượng; hoàn thành việc san ủi mặt bằng, hố móng vai trái, vai phải; lắp đặt dầm cầu Nậm Kìm, trạm biến áp 2.500 KVA và các điều kiện khác cho lễ ngăn sông. Khu nhà máy và tháp điều áp cũng đang được các đơn vị đẩy nhanh thi công hố móng nhà máy giai đoạn 2; hoàn thành đào và gia cố hố móng cửa hầm đoạn gương đào số 9 và hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế thân đập đến cao độ 840 m và hệ thống mố cầu hở, các khe nối thân đập, thông gió, thoát nước gương đào số 10 và 11.  

Có thể nói, các đơn vị tham gia thi công thủy điện Nậm Chiến đang gồng mình đem hết khả năng, sức lực và trí tuệ vào tập trung thi công để sớm đưa nguồn điện sáng phục vụ đất nước. Anh Trần Minh Châu, Phó Tổng giám đốc Điều hành khu vực nhà máy cho biết: “Với mục tiêu phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2009, nên các đơn vị thi công thuộc Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn dầu khí, Công ty Điện lực 1 và Công ty Cavico Việt Nam đã tập trung toàn lực máy móc thiết bị cho thi công đúng tiến độ, an toàn và chất lượng theo đúng kế hoạch đề ra”.  

Trên đường trở về, đỉnh Xam Xíp cao trên 2.000 m so với mặt biển, mây lưng chừng núi, tiết trời se lạnh, những cánh đào rừng khẳng khiu bên vách núi sớm hé nở những nụ hoa đầu tiên, rung rinh khoe sắc thắm, báo hiệu mùa xuân đến sớm với những người thợ trên công trình thủy điện Nậm Chiến./.  

Theo HNM