Sự kiện

Một tỷ đôla “gom” gió Phan Rang

Thứ hai, 7/4/2008 | 10:14 GMT+7

Đã có bảy dự án điện gió được đăng ký với tổng công suất gần 600 MW, gấp rưỡi nhà máy thủy điện Trị An. Sự khắc nghiệt “Nắng như phang, gió như rang” của thời tiết xứ duyên hải Phan Rang - Ninh Thuận nay sắp thành nguồn tài nguyên khổng lồ.

 

 

Ông Lê Đức Ánh đang chỉ tay về cánh đồng Nhím - những cơn gió vùng Bình Khang năm xưa nay đã đổi chiều!

Ba thế kỷ nắng gió bào mòn

Sự ví von nhại theo âm sắc của từ Phan Rang không biết có từ bao giờ nhưng sách Đại Nam thực lục tiền biên chép rằng: Vào năm Quý Dậu (1693), khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vượt dòng Ma Nương vào trấn miền biên ải Bình Khang (bao gồm cả Phan Rang ngày nay) đã ngao ngán: “Xứ đâu mà tháng ba, tháng tư gió chướng, tháng chín gió bấc, thổi ồ ạt quanh năm”. Đến năm Mậu Dần (1698), dải đất hơn trăm dặm từ sông Ma Nương đến sông Lũy (tức Ninh Thuận và bắc Bình Thuận) được Nguyễn Hữu Cảnh vượt qua, bờ cõi từ đó mở sâu về phương Nam. Hơn ba thế kỷ qua, trong khi Nam bộ ngày càng đông đúc thì miền biên ải Bình Khang năm xưa nay vẫn chỉ có nắng và gió thi nhau bào mòn, cư dân thưa thớt.

Gần một trăm năm trước khi thi công con đường thiên lý từ Gia Định ra Phan Rang, Công ty thầu khoán châu Á đã phải buộc bẻ quặt tuyến đường, cho lấn sâu vào đất liền mà không tiếp tục bám theo mép biển do sợ nạn cát bay lấp mất đường. Nhưng nhờ sự cố đó, ít lâu sau tài nguyên gió đã được nhắc tới lần đầu tiên trong bản đồ khảo sát vùng vịnh con vịt (Le Cana) của người Pháp, tức làng biển Cà Ná hôm nay. Tuy nhiên, dự định lắp những turbine phát điện từ sức gió của người Pháp tại Cà Ná đã bị ách lại bởi kỹ thuật lúc bấy giờ chưa thể đáp ứng nổi. Mấy mươi năm sau, nguồn tài nguyên này tiếp tục dang dở trong hồ sơ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, khi những Du Long, Cà Ná, Phan Rang... vẫn nằm gọn trong vùng hai chiến thuật.

Sự nghiệt ngã của nắng gió tiếp tục đeo đuổi dải đất này đến tận những năm sau giải phóng. Đầu những năm tám mươi, hàng ngàn người dân Thái Bình, Thanh Hóa đã vào khai phá vùng đất khát phía nam huyện Ninh Phước. Hai nông trường Quán Thẻ và Thơm Tàu Đào đã nhanh chóng bị xóa sổ chỉ sau mười năm thành lập bởi có sự “góp sức” không nhỏ của nắng và gió.

Hơn ba thế kỷ mở cõi, những loài cây chịu hạn bậc nhất cũng đã đầu hàng. Vậy nên cho đến bây giờ, Du Long, Quán Thẻ, Cà Ná... những vùng đất dọc theo quốc lộ 1A ở Ninh Thuận vẫn chỉ là truông bằng lăng, xương rồng nối nhau đến nhức mắt và những cơn gió thi nhau tung bụi suốt bốn mùa.

 

Trụ đo gió tại sườn núi Ba Hồ, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc

Gần một tỷ đôla đón gió

Những cơn gió khắc nghiệt miền Phan Rang đã đổi chiều vào giữa năm 2006, khi dự án điện gió đầu tiên được cấp phép. Hai trụ đo gió được dựng lên tại Phước Minh, huyện Ninh Phước. Những nhà đầu tư nước ngoài đến Ninh Thuận đã đưa ra bản dự án dựa trên nguồn thông tin bản đồ gió True Wind Solutions, lập theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới. Bản đồ chỉ ra rằng Ninh Thuận chính là vùng đất có năng lượng gió dồi dào và các điều kiện tự nhiên ưu đãi nhất để xây dựng những nhà máy phong điện số một Đông Nam Á. Trong khi mức gió khoảng 5m/giây là đạt yêu cầu thì Ninh Thuận có vận tốc gió trung bình lên tới 7,1 m/giây, thổi đều đặn suốt 12 tháng và quan trọng là gần như không có bão đổ bộ trực tiếp.

15 vùng gió tiềm năng ở Ninh Thuận trên bản đồ gió True Wind Solutions nhanh chóng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước “xí phần”. Chỉ hơn một năm đã có bảy dự án điện gió được đăng ký với tổng vốn đầu tư gần một tỷ USD, đạt công suất gần 600 MW (gấp rưỡi nhà máy thủy điện Trị An). “Một tỷ chứ mười tỷ đôla thì Ninh Thuận vẫn thừa gió cho các nhà đầu tư” - ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định. Nhưng đó không phải là sự khẳng định chỉ dựa vào của trời cho. Trước khi có gần một tỷ đôla dự án, Ninh Thuận đã “bật đèn xanh” tối đa khi miễn tiền thuê đất 15 năm, miễn thuế doanh thu bốn năm và giảm nửa thuế trong chín năm kế tiếp...

Gió sẽ đổi chiều

Tháng tư, đất Phan Rang đã chớm mùa gió. Đây có thể sẽ là những mùa gió hoang dại cuối cùng của xứ duyên hải này. Kiếp “đi hoang” sẽ chấm dứt khi được “gom” vào guồng turbine.

Dự án phong điện của Công ty Greta Energy Inc. (Canada) với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng đang chuẩn bị khởi công ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc. Dọc theo quốc lộ 1A, các trạm turbine sẽ bám theo dãy Ba Hồ, phía tây ngọn núi Chúa và băng qua cánh đồng Nhím để đón những luồng gió thổi từ vịnh Cam Ranh vào. Nhà máy phong điện đầu tiên ở Việt Nam sẽ hình thành.

Đứng trên mỏm núi Chúa, nơi có trạm đo gió cao gần 200 m so với mực nước biển, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Công Hải - Lê Đức Ánh chỉ tay về phía cánh đồng Nhím chia sẻ: “Người dân quê tôi có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ có người đổ vô tiền tỷ để mua những cơn gió hun hút quê mình!”. Ông Ánh là người đầu tiên trong xã được hưởng lợi từ dự án phong điện khi nhận chân bảo dưỡng trạm đo gió. Khi nhà máy được xây dựng, sẽ có rất nhiều việc làm được tạo ra cho người dân xã Công Hải. Trên thực tế, cái lợi vô hình của người dân đã bắt đầu rục rịch từ hai năm trước khi những bãi đất bạc phếch được cấp phép tăng giá ở ven quốc lộ 1A. Trên đoạn đường chưa đầy 40 km ở ven quốc lộ này đã có tới sáu dự án điện gió được đệ trình, trải dài từ Phước Dinh, Quán Thẻ, Sơn Hải, Phước Dân, Phước Hậu... Nếu được phê duyệt toàn bộ, sẽ có trên 10.000 tỷ đồng đổ vào đây, đủ sức phục hóa hàng ngàn ha đất bỏ không ở vùng nông trường Quán Thẻ và Thơm Tàu Đào năm xưa.

Hàng trăm trạm turbine gió sẽ nối từ Công hải vào đến Phước Nam, Phước Minh, Quán Thẻ... trong giai đoạn 2009-2011. Dải đất khô cháy dọc theo quốc lộ 1A của Ninh Thuận bỗng chốc chuyển mình từ chính những cơn gió đã “thổi bay” những cái tên trên mảnh đất này suốt hàng thế kỷ.

Sự đổi chiều của những cơn gió miền Phan Rang đã không còn nằm trong những trang tư liệu. Từ trên hốc núi, từ truông bụi và những cánh đồng một vụ ở Thuận Bắc đến Ninh Phước đã nhìn thấy chín trạm đo gió với độ cao 60 m được dựng lên, chuẩn bị cho những nhà máy phong điện sắp sửa hình thành.

Đó có phải là một câu chuyện đổi đời? Chưa ai dám chắc khi phải đợi đến năm 2010, những turbine đầu tiên mới phát điện. Nhưng con số gần một tỷ USD đã đăng ký vào các dự án điện gió (gấp đến năm lần tổng sản lượng công nghiệp mỗi năm của Ninh Thuận) cũng đủ thấy phong điện đang thổi đến Ninh Thuận một luồng gió đổi mới.

Phong điện sẽ là “ngọn gió” mát dịu với những người dân trên mảnh đất đã cam chịu “nắng như phang, gió như rang” suốt hàng thế kỷ!

Việt Nam có trữ lượng phong điện đứng đầu Đông Nam Á

Đây là đánh giá của Ngân hàng Thế giới khi cơ quan này ước đoán tổng trữ lượng phong điện của Việt Nam vào khoảng 513.000 MW. Tức là hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Trong đó, Tây Nguyên, ven biển Bình Định đến Bình Thuận và dãy Trường Sơn ở bắc Trung bộ là khu vực tiềm năng nhất.

Nguồn năng lượng khổng lồ này có chi phí sản xuất rất rẻ. Dự kiến đến sau năm 2010 chỉ còn khoảng dưới nửa triệu USD/MW, rẻ hơn rất nhiều so với chi phí của các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đã lắp đặt như: thủy điện Ngòi Thác (Lào Cai) 800.000 USD/MW, thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng) 1,45 triệu USD/MW, nhiệt điện Phú Mỹ 628.000 USD/ MW.

Hiện đã có hai nhà máy phong điện kết hợp với diezen tại đảo Bạch Long Vĩ và Phú Quý được đưa vào sử dụng với tổng công suất hơn một MW.

Theo Pháp luật TpHCM