Sự kiện

Ngành sản xuất điện sạch : Tiềm năng nhiều, đầu tư nhỏ giọt

Thứ sáu, 4/4/2008 | 09:11 GMT+7

Những tưởng việc TPHCM đưa nhà máy xử lý rác thành điện sạch tại Gò Cát vào hoạt động sẽ tạo tiền đề phát triển mạnh ngành sản xuất điện sạch từ rác. Thế nhưng, cho đến nay, sau hơn 2 năm chính thức đi vào hoạt động, tình hình phát triển nguồn điện sạch vẫn không tiến triển thêm. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến TPHCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư cho lĩnh vực mới mẻ này nhưng đều chùn bước. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (ảnh) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Ông có thể cho biết về tình hình sản xuất điện sạch từ rác trên địa bàn thành phố?

Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Từ tháng 7 - 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào hoạt động thành công nhà máy phát điện từ rác tại bãi rác Gò Cát với công suất 750kWh. Có thể nói, đây là nhà máy sản điện từ rác đầu tiên của nước ta và số công suất trên chỉ mới là con số khởi điểm. Khi hai tổ máy còn lại đi vào hoạt động thì công suất sẽ được nâng lên 2.400kWh. Không dừng lại đó, hiện vẫn còn nhiều bãi rác khác được đánh giá là có tiềm năng sản xuất điện sạch với công suất còn lớn hơn rất nhiều lần. Điển hình như bãi chôn lấp rác Phước Hiệp 1, huyện Củ Chi hiện đang chứa khoảng hơn 4 triệu tấn rác. Trung bình mỗi năm, lượng khí phát thải khoảng 2 triệu tấn CO2 tương đương. Còn bãi rác Đông Thạnh đang chôn lấp hơn 8 triệu tấn rác với mức phát thải gần 2,4 triệu tấn CO2 tương đương/năm.

- Xem ra tình hình phát triển ngành điện sạch từ rác trên địa bàn thành phố rất khả thi?

Không hẳn vậy. Nếu xét về tiềm năng phát triển thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng tiềm năng rất lớn nhưng nếu xét về khía cạnh đầu tư phát triển ngành điện sạch này thì hoàn toàn ngược lại. Nguyên nhân là do giá thành mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua nguồn điện này còn quá thấp, 0,04USD/kWh – thấp hơn giá thành sản xuất nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài mặc dù rất muốn đầu tư cũng phải chùn bước.

-Nếu giá sản xuất điện từ rác cao hơn giá EVN mua vào thì nguồn điện sạch sản xuất tại nhà máy điện Gò Cát bán thế nào?

Sở dĩ nguồn điện sạch sản xuất tại bãi rác Gò Cát vẫn chấp nhận bán cho EVN với giá như thế là do công nghệ của nhà máy được tài trợ 100% vốn nước ngoài. Hơn nữa, phần lớn sản lượng điện được chuyển vào sử dụng nội bộ. Một số ít thì bán vào mạng lưới điện quốc gia nhưng thành phố phải lấy chi phí xử lý rác để bù lỗ một phần vào chi phí sản xuất.

- Vậy theo ông, với mức giá nào thì phù hợp?

Như tính toán của nhiều tổ chức nước ngoài khi chọn Việt Nam đầu tư phát triển điện sạch thì mức giá nguồn điện sạch phải được nâng lên là 0,7USD/kWh.

- Nhưng EVN cho rằng, với mức giá 0,7USD/kWh thì cao hơn giá thành điện mà EVN đang bán cho khách hàng?

Nếu so ra như thế thì thật là khó. Kinh nghiệm của tôi khi tham quan phát triển nguồn điện sạch của nhiều nước trên thế giới cho thấy, để phát triển loại năng lượng này nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước. Tức là giá mua điện sạch chia làm 2 phần, một phần là EVN mua, phần khác là do nhà nước hỗ trợ thêm.

- Được biết vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND TPHCM đề xuất Bộ Tài chính nâng mức giá bán của nguồn điện sạch tại bãi rác Gò Cát?

Vận hành máy phát điện từ nguồn khí tại bãi rác Gò Cát.

Đúng là vừa qua sở đã tham mưu cho UBND TPHCM đề xuất nâng mức giá mua điện sạch của EVN lên 0,7USD/kWh. Tuy nhiên cho đến nay đề xuất trên vẫn chưa được phê duyệt.

- Theo ông, nếu không nâng mức giá mua điện sạch của EVN lên 0,7USD/kWh liệu có ảnh hưởng đến việc phát triển ngành điện sạch tại nước ta?

Theo tôi, việc tăng giá bán điện sạch lên 0,7USD/kWh được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển ngành điện sạch tại nước ta. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đã đến làm việc và đặt vấn đề với sở hướng đầu tư, phát triển nguồn điện sạch từ rác. Thậm chí, một công ty Hàn Quốc đã chính thức nghiên cứu đầu tư phát triển điện sạch tại bãi rác Phước Hiệp 1 huyện Củ Chi. Tuy nhiên, cho đến nay, phía đối tác vẫn còn chần chừ do giá bán điện sạch quá thấp. Nói tóm lại, nếu nhà nước không có chính sách trợ giá cho lĩnh vực đặc biệt này thì rất khó, nếu không muốn nói là không thể hình thành ngành sản xuất điện sạch trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!  

Theo SGGP